Ảnh: kenh14.vn
Tôi gặp chị Hương Linh và anh Peter – cặp đôi vừa hoàn thành chuyến đạp xe từ Hungary về Việt Nam, vào một chiều cuối tuần Hà Nội. Về Việt Nam được 2 tuần, anh chị lại tất bật với bao công việc, những cuộc gặp gỡ bạn bè. Cũng phải 3-4 năm không xuống Hà Nội, chị Hương Linh cảm thấy có chút gì đó lạ lẫm với thành phố này.
Trước ngày 14/8/2016, không mấy ai biết đến nữ thạc sĩ ngành công nghệ môi trường Đồng Thị Hương Linh và người chồng quốc tịch Hungary, anh Sas Peter.
Nhưng kể từ ngày hai anh chị quyết định nghỉ việc, bán tài sản, rời khỏi đất nước châu Âu yên bình để bắt đầu hành trình đạp xe về Việt Nam, câu chuyện cuộc đời họ được biết đến nhiều hơn.
Kẻ yên ấm đời thường thì cho rằng anh chị gàn dở, người phiêu lưu thì nghĩ đó là mộng ước cuộc đời họ vẫn đang ấp ủ. Còn chị Linh và anh Peter, họ nghĩ gì sau khi kết thúc cuộc hành trình này?
“Tự hào. Chúng tôi rất tự hào. Cuối cùng chúng tôi đã làm được điều ấp ủ bây lâu. Có nhiều lúc trên chặng đường, tôi cảm thấy khá trầm cảm và mệt mỏi, nhưng đó chỉ là những cảm xúc nhất thời. Tôi rất vui vì đã làm được một điều không tưởng khi có thể đạp xe từ Hungary về Việt Nam.
Nhưng với tôi, đây không phải điểm cuối của cuộc hành trình, cũng chưa phải kết thúc. Đó chỉ là một phần của chặng đường mà chúng tôi sẽ thực hiện”.
Lời tâm sự của anh chị như thôi thúc tôi bước vào những dặm dài mà hai người đã trải qua; như lời của chị Hương Linh có nói, đó là hành trình để trải nghiệm lòng tốt của con người.
Từ tình yêu đến hành trình ngàn dặm
Tôi hỏi anh chị rất nhiều về dự định hay điều gì thôi thúc hai người thực hiện hành trình cuộc đời này, chị Hương Linh và anh Peter nói rất nhiều về ước mơ ấp ủ từ rất lâu của cả hai người…
“Anh chị đã mơ về nó rất lâu, một hành trình du lịch một mình mà không phải lệ thuộc vào bất cứ điều gì cũng như thoát khỏi cuộc sống nhàm chán. Cuộc sống bên Hungary đang rất suôn sẻ, dễ dàng nhưng hơi buồn tẻ. Nhịp sống nó cứ như vậy, chầm chậm và lặng lẽ.
Hai anh chị thì không chịu nổi những cái lặp đi lặp lại.
Cả hai người đều thích đi du lịch, nhưng không thích đi theo tour và được người khác đưa đi chỗ này chỗ kia mà muốn tự khám phá. Tuy nhiên đi bằng máy bay thì chuyến đi rất là ngắn, không thể dừng lại giữa chừng, ví dụ hẳn một tuần ở nơi nào đó không nổi tiếng, thì rất là khó tìm phương tiện đưa mình tới. Vì vậy bọn mình nghĩ có phương tiện sẽ chủ động hơn”.
Nhưng có lẽ, để có được một hành trình dài 11,000km qua 13 quốc gia cùng nhau, tình yêu với du lịch thôi là không đủ. Họ cần phải yêu, hiểu và cảm thông cho nhau để vượt qua những khó khăn trong suốt 11 tháng ròng.
Hành trình này đến từ một mối duyên kỳ lạ, bén rễ từ Thái Nguyên từ tình yêu cho cây chè của chàng trai trẻ người Hungary.
“Anh chị đã có ý tưởng đó từ cách đây 3 năm. Hồi đó anh chị yêu xa, chị học thạc sĩ ở Phần Lan còn anh làm ở Hungary. Bọn chị yêu xa nên muốn cùng nhau đi một chuyến du lịch. T
uy nhiên nếu muốn hợp thức hóa thì tốt nhất là nên để sau khi kết hôn. Đám cưới xong có thể đi tuần trăng mật cùng nhau thì mọi người ủng hộ.
Anh chị biết nhau khoảng 6 năm, khi đó chị vẫn ở Thái Nguyên. Anh sang trường chị thực tập vì anh rất mê uống trà.
Vì chị cũng hay đi thuyết trình về đi thực tập, kinh nghiệm học tập tiếng Anh, trao đổi sinh viên nên một lần tình cờ đã gặp được anh. Lúc đầu chỉ là bạn thôi. Trong suy nghĩ của chị, anh Peter là người nước ngoài nhưng có nét châu Á, cảm giác vừa thân thuộc, cởi mở nhưng cũng vô cùng truyền thống.
Học xong ở Việt Nam thì anh quay về nước. Chị cũng quyết tâm kiếm học bổng để đi nước ngoài. 6 tháng tìm kiếm, cuối cùng chị cũng có học bổng thạc sĩ tại Phần Lan. Cuối cùng, 2 anh chị đã gặp được nhau lần đầu tiên. 3 năm chị học tại Phần Lan, mỗi năm anh chị gặp nhau được 1-2 lần. Anh chị kết hôn năm 2015 thì đến 2016 bắt đầu hành trình đặc biệt này.
Yêu xa, chị và anh Peter thích làm những điều lãng mạn theo kiểu truyền thống. Anh chị gửi cho nhau những lá thư tay, cùng nhau xem phim qua Skype… Yêu xa, cũng nhớ, cũng buồn và muốn gục ngã, nhưng tự nhủ rằng rồi sẽ được gặp nhau nên lại cố gắng”.
13 quốc gia, những câu chuyện văn hóa và trắc trở đường đi
Để kể về hành trình đạp xe của mình, có lẽ phải mất cả ngày để chị Linh có thể chia sẻ hết câu chuyện của mình. Chị chỉ gói gọn trong vài con số cụ thể:
“11,000km, 13 quốc gia, 6 chuyến bay, 4 chiếc xích và nghìn lẻ câu chuyện đường, chuyện đời”.
Mỗi gương mặt, mỗi vùng đất và bao câu chuyện văn hóa, cả anh Peter và chị Linh đều không bao giờ quên.
Còn đó câu chuyện tại Iran mà chị Linh vẫn không thể nào quên: “Trước khi đi, có 2 người nhắn tin cho chị và nói rằng Iran rất nguy hiểm. Thực ra, Iran rất an toàn và mọi người thân thiện. 60 ngày ở Iran, chị gần như không phải tiêu tới tiền. Mỗi ngày chị dừng ở đâu đó, người dân sẽ ra và hỏi chị có cần gì không. Rồi họ đưa anh chị về nhà, cho ăn uống, cả đồ ăn cho ngày hôm sau, tiền, quà tặng, đặc biệt là cả trang sức nữa vì biết bọn chị đang đi nghỉ trăng mật”.
Tại Ấn Độ, 2 người đã có những trải nghiệm văn hóa không thể nào quên. Đó là những chặng đạp xe khó khăn nhất khi hai người phải chịu đựng giao thông đông nghẹt, nóng nực và ô nhiễm tiếng ồn. Anh Peter nhớ lại.
“Văn hóa Ấn Độ rất đa dạng. Đất nước này gồm 27 bang khác nhau nhưng có khoảng 1000 loại ngôn ngữ. Chỉ đi khoảng 20-30 km mà đã thấy ngôn ngữ khác, đồ ăn khác, trang phục khác. Trong suốt 2 tháng ở Ấn Độ, anh không thể tìm món ăn lần thứ hai, mặc dù có nói đúng tên thì người ta cũng không tìm ra được.
Rào cản ngôn ngữ cũng là điều khá phiền toái, bên cạnh việc người dân Ấn Độ khá tò mò. Mỗi lần chị dừng mua nước xong, quay ra thấy đông người xung quanh. Họ chỉ nhìn thôi, không làm gì khác nhưng khiến mình có cảm giác cũng e sợ”.
Còn tại Nepal, đó là những chặng đạp xe yên bình của cả 2 người, sau những ngày mệt mỏi tại Ấn Độ:
“Ở Nepal, chị đã thấy phần nào dãy núi Himalaya, nó rất đẹp và khiến chị cảm thấy mình vô cùng nhỏ bé. Mọi thứ ở đất nước này đều bình yên hơn.
Người dân có cách cư xử tốt hơn, họ lịch sự và không chạm vào xe đạp của mình mọi lúc mọi nơi. Tuy nhiên, cuộc sống ở Nepal còn nghèo khổ lắm. Anh chị đã thấy một ngôi trường còn không có gạch để xây. Họ quây tường bằng tôn và nó rất nóng. Chị cảm thấy rất buồn và muốn giúp đỡ họ.
Tuy nhiên, chị không thể ở lại lâu hơn vì vấn đề visa”.
Trước khi về Việt Nam, Trung Quốc cũng để lại cho 2 người những kỷ niệm khó quên:
“Anh chị gặp phải nhiều khó khăn khi ở Trung Quốc. Mọi người đều không hiểu chị nói gì. Tiếng Trung của họ rất khác với mình, mà ngôn ngữ cơ thể cũng vậy. Chị giơ tay mà họ không hiểu vì cách họ giơ ngón tay khác chúng tôi rất nhiều.
Khi ở Trung Quốc, người ta cứ mặc định chị là người Trung Quốc. Họ nghĩ là không thể nào có một người với khuôn mặt giống người Trung Quốc mà lại không nói được câu tiếng Trung.
Nếu như vậy, chắc chắn người đó có vấn đề về trí tuệ. Khi chị nói chị không biết tiếng Trung thì họ nghĩ chị là người dân tộc thiểu số. Họ nghĩ chị là người Trung Quốc mà chị đang giả vờ không nói thôi. 3 tháng ở đất nước này, ngày nào cũng như ngày nào.
Bọn chị rất khó khăn khi tìm được biên giới Việt Nam. Sau khi qua phần biên giới Trung Quốc, chị đã không tìm được đường về biên giới Việt Nam.
Cái cửa khẩu đó họ làm một khu tham quan với tấm biển ghi: “Lối vào khu tham quan”. Hóa ra, đó cũng chính là lối vào cửa khẩu”.
Hành trình trải nghiệm lòng tốt của con người
Khi được hỏi về quan điểm của bản thân về du lịch bụi, chị Linh có chia sẻ: “Quan niệm du lịch của mỗi người khác nhau. Cách người Việt nhìn nhận đôi khi khác với ý nghĩa ban đầu của du lịch bụi. Du lịch bụi là du lịch chủ động, mình tự chủ được hành trình chuyến đi, cũng như tiết kiệm chi phí. Nhưng giờ đây, nó giống như một cuộc đua, mọi người luôn cố gắng có được chuyến đi rẻ tiền nhất. Đó không phải cách mọi người tận hưởng mà chỉ cố để đi được rẻ dù phải nhịn ăn nhịn mặc. Tại sao cứ phải ganh đua mà quên đi mất ý định ban đầu là gì?”.
Tôi tò mò muốn biết, ý định ban đầu của anh chị là gì.
“Đối với anh chị, chuyến đi này là cách để trải nghiệm về lòng tốt của con người. Trước đây, anh chị có thuê căn hộ để sống và có thừa phòng khách nên anh chị thường đón khách du lịch đến. Nhiều lúc chị nghĩ, bây giờ mình đang giúp người ta thì không biết lúc đi du lịch mình có được như vậy không?
Nghĩ thì nghĩ vậy thôi nhưng chị vẫn làm vì muốn giúp người khác chứ không cầu báo đáp. Với chị, cách tốt nhất để học về một đất nước là tiếp xúc với người dân địa phương, còn đọc trên sách báo thì đôi khi không chân thực vì mỗi người sẽ có cái nhìn khác nhau”.
Suốt hành trình dài qua 13 quốc gia, hai người đã học được rất nhiều bài học cho bản thân. Đó là bài học về những trải nghiệm du lịch mà ở đó tiền không phải là điều quan trọng nhất, là bài học về sự tử tế, lòng mến khách và nhận ra lòng tốt của con người thực sự vô cùng lớn lao mà chị Hương Linh phải đồng ý rằng: họ đã nhận được nhiều hơn là cho đi.
“Có rất nhiều câu chuyện về lòng tốt mà chị vẫn ấn tượng.
Ở Almenia, một nước nghèo ở châu Âu, người dân ở đấy thường xin đi tị nạn tại các nước giàu hơn. Hôm đó chị có đến một gia đình mà anh con trai và vợ vừa từ Đức về. Anh con trai cũng xin đi tị nạn nhưng không được chấp nhận nên đành về lại quê hương.
Gia đình họ nghèo lắm, bố mẹ có nghề duy nhất là đi hái dưa hấu thuê. Họ được trả công bằng dưa hấu chứ không bằng tiền. Khi bọn chị đến, anh ấy chạy lại và hỏi xem có cần giúp đỡ không thì đến nhà anh ấy. Người đàn ông tử tế đó đã cho mình ăn và tìm cho mình chỗ ngủ. Lúc đến thì anh ấy nói là trong tủ lạnh có gì thì lấy hết ra, nấu nướng lên cho hai vợ chồng mình ăn. Gia đình anh chỉ ăn dưa hấu.
Anh ấy nói rằng:
“Thôi hai anh chị ăn trước đi, nhà tôi thích ăn muộn hơn”. Nhưng mà chị hiểu rằng họ sẽ ăn trước, còn thừa bao nhiêu thức ăn thì họ sẽ ăn. Lúc đấy, anh chị không đành lòng ăn bữa cơm.
Có những gia đình nhà thì dột nát xung quanh. Với họ, tài sản lớn nhất là con bò nên nó được ở trong nhà kiên cố rất đẹp. Khi mình đến xin cắm trại, họ cho mình ở cạnh con bò, cạnh thứ quý giá nhất trong nhà rồi còn mang cho mình đồ ăn. Chính lúc đó chị mới nghĩ, người nghèo nhất là người chia sẻ nhiều nhất trong cuộc sống.
Người Iran thì vô cùng hiếu khách. Họ để lại cả căn nhà cho mình, còn họ sang nhà hàng xóm. Chị không hiểu sao họ lại tốt như vậy. Chủ nhà có nói rằng trong tôn giáo của họ, khách không mời mà tình cờ đến, là những người bạn thân nhất của Chúa trời, do Chúa trời gửi đến. Do đó, chủ nhà sẽ mang cái gì tốt nhất tiếp đãi người khách”.
Chạm dừng chân cuộc đời
Bỏ lại rất nhiều thứ phía sau, công việc và cuộc sống, tôi tự hỏi, anh chị có thấy những điều ấy xứng đáng với thành quả của chuyến đi không?
“Chắc chắn rồi, anh chị sẽ làm lại nếu có tiền. Không có gì là vĩnh viễn cả. Nếu bạn chỉ dám thực hiện ước mơ của mình sau khi đã nghỉ hưu thì nếu lúc đó đã quá muộn thì sao? Bạn đâu còn thời gian và nhiều sức khỏe? Tương lai là không biết chắc được, nên anh chị sẽ theo đuổi giấc mơ của mình. Cả hai sẵn sàng từ bỏ một vài thứ để theo đuổi thứ quan trọng trong cuộc đời”.
Nhiều người trẻ giờ muốn bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân nhưng lại quá sợ hãi. Anh chị có lời khuyên gì cho các bạn trẻ hay không?
“Chị nghĩ chúng ta có thể làm mọi thứ nếu đủ tự tin và bản lĩnh. Cuộc sống ở nhà rất khác biệt. Bên ngoài kia không có mẹ nấu ăn cho, không có quần áo giặt sạch sẽ mỗi ngày. Bạn phải tự làm mọi thứ, phải có khả năng học hỏi và sẵn lòng học hỏi điều mới. Nếu bạn đã chuẩn bị sẵn sàng cho mọi điều, chắc chắn bạn cũng có thể làm được.
Nếu muốn đi du lịch thì phải có kiến thức cơ bản, không chỉ xách ba lô lên và đi. Như vậy chỉ đi được những quãng ngắn mà thôi. Tất nhiên là không nên dấn thân vào những điều quá nguy hiểm nhưng cũng đừng quá sợ hãi, nếu không chuyến đi chẳng còn ý nghĩa gì nữa.
Nhiều người sang Ấn Độ mà không dám ăn bốc bằng tay vì sợ bẩn, nhìn không đẹp, không văn minh, nhưng đó lại là nét ăn hóa của người dân đất nước này. Đó là những cái mà mình cần tôn trọng. Có nhiều sự hy sinh sẽ thấy khiến chúng ta không thoải mái, nhưng dần dần sẽ thích nghi và hiểu ra mọi điều trong cuộc sống đều có nguyên do của nó”.
Đời người là sự chuyển dịch. Liệu sau lần chuyển dịch này, anh chị còn muốn tiếp tục khám phá Việt Nam trước. Nhật Bản, Đài Loan. Anh Peter chia sẻ rằng mình cũng muốn đi đến Tây Tạng và chinh phục vùng đất này.
Nán lại đôi phút, có lẽ tôi cũng chỉ muốn nghe anh chị chia sẻ về những ngày tháng bình yên tại Việt Nam.
“Đến hôm nay thì đã tròn hai tuần anh chị về nhà. Thực ra chị vẫn chưa hòa với cuộc sống bây giờ. Mình chỉ cảm giác đang dừng chân ở một chỗ nào đó và chờ để đi tiếp. Khi đạp xe trên những cung đường chỉ có hai người, chị cảm giác cả thế giới xoay tròn quanh mình. Nhưng giờ đây, xung quanh là hàng xóm bạn bè, người thân, cái không gian ấy quá lớn khiến mình cảm thấy choáng ngợp.
Cả anh và chị sẽ cần nhiều thời gian để quay lại cuộc sống bình thường. Anh Peter sẽ học tiếng Việt, còn chị cũng muốn có những buổi nói chuyện với sinh viên, các em học sinh cấp 2 cấp 3 và định hướng cho các em. Bọn chị tính ở đây tới Tết và lúc đó sẽ bàn xem đi đâu và làm gì tiếp theo.
Có thể là sẽ quay trở lại Hungary, để lại ấp ủ cho một hành trình khác. Nói vậy thôi, anh chị cũng muốn có một thời gian ổn định với cuộc sống này”.
Khép lại cuộc trò chuyện với chị Linh và anh Peter, tôi chỉ tò mò muốn biết anh chị có định ra sách không. Hai người chỉ cười và nói rằng chưa tính tới chuyện đó. Chị có nói với tôi rằng, dự định đạp xe của chị không phải để nổi tiếng hay xuất hiện khắp đây đó, chị chỉ muốn hoàn thành ước mơ cuộc đời và nguyện ước tình yêu còn dang dở.
Và như thế, anh chị đã thực hiện được điều mình muốn, trọn vẹn và viên mãn.
Theo Skye / Trí Thức Trẻ
© 2024 | Thời báo ĐỨC