Tốt nghiệp ĐH Kinh tế Đà Nẵng, năm 2005, Huỳnh Đinh Hà Giang (Tyna Giang, SN 1982, quê Đà Nẵng) sang Paris (Pháp) học ngành khoa học kinh tế và MBA ngành khách sạn & du lịch tại trường Vatel (Pháp) tại Argentina.
Cô chọn mảnh đất Tây Nguyên Gia Lai – Kon Tum để khởi nghiệp, nghiên cứu phát triển mô hình nông nghiệp hữu cơ theo một triết lý riêng. Phần lớn các khu đất Tyna Giang thuê đều bị “bỏ hoang”, cây dại và cỏ mọc lung tung, thậm chí là còn trồng thêm nhiều loại cỏ dại, nông dân vẫn hàng ngày làm việc nhưng có vẻ như “không quan tâm ngó ngàng tới” đám cỏ,… Đó là những gì người dân quanh vùng nhận xét về dự án Nông nghiệp hữu cơ của BioPhap (Phú Hòa Farm) tại TT. Phú Hòa (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai). Tuy nhiên, dưới góc nhìn của những người làm kinh tế tại đây, cái mà họ mong muốn đạt được đó là “thành phẩm” thuần túy hữu cơ, và với riêng Tyna Giang – Giám đốc điều hành của Công ty TNHH BioPhap cùng 2 cộng sự của chị thì “phải làm cho họ thấy rồi mới nói được”.
Cách làm nông nghiệp “lạ lùng”
Theo chân người phụ nữ ấy cùng các cộng sự dưới cơn mưa phùn Tây Nguyên, mới thấy được cái sự “lạ” nhưng lại rất khoa học khi họ cần mẫn kiểm tra từng cành cây, ngọn cỏ, phân tích lượng mưa, mức sinh trưởng của cây… Sự ăn ý một cách nhịp nhàng của mỗi người khiến chúng tôi không khỏi trầm trồ về phong thái chuyên nghiệp của họ. Tâm sự với chúng tôi, Tyna Giang trăn trở: “Chị có 10 năm ở trời Tây, sinh sống và làm việc với nhiều nước như Pháp, Anh, Argentina, Tây Ban Nha… Vốn dĩ, chị học và làm việc trong ngành Quản lý khách sạn, nhà hàng. Tuy nhiên, trong một dịp làm chương trình thiện nguyện ở Kon Tum, chị đã yêu và “kết” mảnh đất, con người nơi này. Niềm đam mê với nông nghiệp có sẵn trong người, chị quyết định “về với đất mẹ”, xây dựng trang trại, gắn bó với sản xuất nông nghiệp hữu cơ…Và, BioPhap ra đời từ đây”.
Huỳnh Đinh Hà Giang cùng các cộng sự tại Phú Hòa Farm
Sau nhiều lần đi lại khảo sát, năm 2015, quyết định “mạo hiểm” chọn mảnh đất Gia Lai – Kon Tum để “xây dựng thương hiệu”, Huỳnh Đinh Hà Giang đã có những hành động khiến nhiều người kể cả chính quyền địa phương tỏ ra “ngán ngẩm” và “nghi ngờ” về khả năng đầu tư làm nông nghiệp của chị. Đất được thuê lại với thời hạn dài, diện tích thuê lớn nhưng lại… bỏ trống “không làm gì” cho cỏ mọc. Rất nhiều người dân địa phương khi được hỏi đến đã lắc đầu “ngán ngẩm” với cách đầu tư “ném tiền qua cửa sổ”, “nuôi cỏ” của công ty này. Một số cho rằng đây là sự phí phạm, số khác thì nghi ngờ về động cơ thuê đất. Tuy nhiên, với những người trong cuộc như Alexis Tavernier (SN 1977), Marc Binet (SN 1979, chuyên gia hữu cơ) – 2 cộng sự người Pháp, cùng với Huỳnh Đinh Hà Giang và những đồng nghiệp vẫn ngày đêm miệt mài với mảnh đất này thì “hãy cứ để họ nhìn thấy thành quả mà chúng tôi đạt được trong tương lai rồi hãy nói…”.
“Đất cũng cần phải thở”
Bằng một tâm thế trân trọng thiên nhiên, vẫn cứ thầm lặng, nhẫn nại với công việc của mình chị nói: “Phải cho đất sống thì cây cối mới sống được!”. Thoạt nhìn thấy “bãi đất hoang” toàn cỏ là cỏ, nhưng sau khi khảo sát thực địa, chúng tôi mới biết được đó là cả một thảm thực vật, một hệ sinh thái được tái sinh. Chị Giang cho biết thêm: Chúng tôi đang cố gắng cho mảnh đất này được “thở” và nghỉ ngơi. Vì vậy, chúng tôi cố gắng xây dựng mô hình “đa dạng sinh học” nhằm mục đích cải tạo đất thường xuyên, đất sống thì mọi thứ sẽ sống chứ không riêng gì cây cối được xuống giống. “Đa dạng sinh học” tồn tại trong diện tích đất sản xuất có sẵn chuỗi thức ăn tự nhiên, chúng sẽ tự tạo hệ thống “thiên địch” kiềm chế lẫn nhau để tồn tại và rồi chúng sẽ “không quan tâm” đến cây trồng của mình… Trong khu đất sản xuất nông nghiệp của BioPhap, đủ loại thực vật tùy ý sinh trưởng, khu nào cây cỏ quá cao sẽ dùng máy “chấn” cỏ, để vẫn giữ được độ ẩm cho đất, không cần phân bón, mà đất vẫn có thể duy trì tốt độ tơi xốp, phì nhiêu. Những cây họ đậu, các loại cỏ dại thậm chí cả các loại dược liệu được trồng đan xen nhau, tồn sinh trên khu đất này, kéo theo đó là côn trùng các loại.
Nói về việc tại sao lại dùng máy để “chấn” cỏ mà không phải là cắt phăng đi, anh Alexi Tavernier, kỹ sư nông nghiệp, người đồng sáng lập BioPhap cho biết: Thay vì chúng ta cắt phăng cỏ để chúng chết héo thì chỉ cần dùng loại máy này để khiến cỏ gãy rạp xuống nhưng sẽ không chết hẳn. Quá trình này khiến một phần ngã rạp dưới đất sẽ phân hủy, tạo chất mùn giúp đất tơi xốp, đồng thời vẫn giữ lại nguồn thức ăn cho các loài ăn cỏ để chúng “không có cớ” hủy diệt cây trồng của mình. Khu vực trồng Bưởi BioPhap, bên cạnh những hố cây Bưởi là các cây hương thảo – loại dược liệu có tác dụng đưa hương, xua đuổi côn trùng và hệ thống tưới nhỏ giọt giúp tiết kiệm nguồn nước. Thông qua chị Giang chúng tôi được biết, muốn xây dựng sản phẩm thuần túy hữu cơ, BioPhap đã phải bỏ nhiều hơn mọi công sức để hoàn thiện một quy trình nông nghiệp chất lượng cao, mà ở đó từng khâu phải chắc chắn, chính xác ngay từ bước đầu, kể cả vấn đề độ ẩm, lượng mưa… Xuyên suốt trong chuỗi quy trình sản xuất hữu cơ của BioPhap là nhất quyết nói không với thuốc trừ sâu cũng như các hóa chất giúp tăng năng suất. Thay vào đó là xây dựng hệ thống “thiên địch” kiềm chế lẫn nhau, tận dụng cả những cây dược liệu, vừa mang lại hiệu quả kinh tế lại có thể thay thế thuốc bảo vệ thực vật.
Các kỹ sư nông nghiệp của BioPhap kiểm tra tình trạng sâu bệnh và độ tăng trưởng của cây trồng
Dựa trên sự chặt chẽ này, đến thời điểm hiện tại, BioPhap mới chỉ cho ra đời một vài sản phẩm nông nghiệp ngắn ngày, thiên về gia vị, dược liệu như: Bụp giấm, gừng, nghệ, ớt… Còn đối với những các loại cây công nghiệp, cây ăn trái vẫn đang trong giai đoạn theo dõi sinh trưởng. Điểm đặc biệt trong sản phẩm của Biophap đó là tất cả đều có chỉ dẫn địa lý, điều này giúp người tiêu dùng phần nào an tâm trong việc sử dụng. Thực tế, vùng trồng trọt chỉ đang trong quá trình thiết lập, thế nhưng, những hiệu quả bước đầu đã cho thấy được hướng phát triển trong tương lai của sản phẩm Nông nghiệp hữu cơ của Biophap…
Nguồn lực tự có là giá trị cốt lõi
Nếu như ở trang trại hữu cơ ở huyện Kon Rẫy (Kon Tum), BioPhap được ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đồng ý hỗ trợ 70% tổng vốn đầu tư để chia sẻ bài toán vốn đối với doanh nghiệp, đóng góp tích cực vào quá trình cơ cấu lại nền nông nghiệp Việt Nam, tạo dựng thương hiệu thì với Phú Hòa Farm (Chư Păh), 100% nguồn vốn là nguồn lực nội tại của Công ty và của địa phương. Điều này thể hiện rõ trong quá trình sản xuất, phát triển quy mô các trang trại, thay vì sử dụng sức lao động phổ thông, BioPhap phát triển theo hướng liên kết tạo “làng hữu cơ” và “nông dân thông thái”, giúp bà con nông dân, đặc biệt là các hộ đồng bào Dân tộc thiểu số nắm được quy trình, phương thức canh tác của BioPhap. Sau đó, BioPhap đầu tư miễn phí vật tư đầu vào, nông dân tự đầu tư đất và trực tiếp tham gia sản xuất dưới sự hướng dẫn của đội ngũ kỹ thuật thuộc Công ty Biophap. Bằng cách này, người nông dân từng bước cải thiện tư duy sản xuất, canh tác, đồng thời không cần lo lắng về đầu ra sản phẩm mình làm được. Bên cạnh đó, BioPhap đang đầu tư vào chế biến sản phẩm, đảm bảo quy trình khép kín từ khâu sản xuất đến thành phẩm tung ra thị trường đến tay người tiêu dùng. Ngoài ra, BioPhap cũng xây dựng hệ thống thông tin công nghệ cao, chỉ dẫn địa lý với từng loại cây trồng. Mỗi cây trồng trong trang trại đều được mã hoá và hiển thị trong những con tem QR code.
Khách hàng trên toàn thế giới chỉ cần dùng smartphone, tablet quét và có thể truy xuất toàn bộ thông tin từ vật tư đầu vào và qua các giai đoạn trong chuỗi giá trị. Điều này góp phần tạo dựng sự tin tưởng với người tiêu dùng, khẳng định thương hiệu của BioPhap, từng bước tạo dựng giá trị cốt lõi. Công ty TNHH BioPhap (BioPhap) được Huỳnh Đinh Hà Giang (SN 1982) và Marc Binet (SN 1979) đồng sáng lập năm 2015, sau đó có thêm một cộng sự khác là Alexi Tavernier (SN 1977). Công ty có trụ sở chính thức tại TP. Kon Tum (tỉnh Kon Tum), là nhà trồng trọt, sản xuất và cung cấp thực phẩm hữu cơ theo 3 tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế USDA (Mỹ), JAS (Nhật Bản) và AB (Châu Âu). Các dự án của BioPhap bao gồm nông nghiệp hữu cơ, nông lâm kết hợp, nghỉ dưỡng, chế biến các sản phẩm hữu cơ… Các dự án Nông nghiệp đều được BioPhap mở rộng hợp tác cùng người nông dân bản xứ, nhằm hướng tới không chỉ giá trị bền vững mà còn hướng đến việc thức tỉnh, đổi mới phương thức canh tác.
Mô hình canh tác hữu cơ nông – lâm kết hợp của Tyna Giang là dự án đầu tiên tại Việt Nam đạt được hạng cao nhất trong cuộc thi “100 dự án chống lại biến đổi khí hậu” do Bộ Môi trường, Năng lượng và Biển của Pháp tổ chức năm 2016. Giữa tháng 2/2018, BioPhap là một trong bảy doanh nghiệp trong Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam (VOAA) tham dự Hội chợ – Triển lãm ngành hàng thực phẩm hữu cơ hàng đầu thế giới Biofach được tổ chức tại Đức.
Kim Yến/thuonghieucongluan.com.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC