Theo AFP, bạo loạn xảy ra trong 4 đêm liên tiếp sau khi thiếu niên 17 tuổi tên Nahel M. bị bắn chết trong lúc bị cảnh sát kiểm tra vi phạm giao thông tại khu ngoại ô Nanterre của Paris. Nhiều người Việt không ra ngoài trong thời gian đó và thở phào nhẹ nhõm khi bình yên trở lại.
Bình tĩnh ở nhà
Chia sẻ với Thanh Niên, chị Ngọc Mỹ đã sống ở Pháp 6 năm nay. Chị ở TP Vitry-sur-Seine) gần thủ đô Paris.
Chị cho biết, trong ngày đầu tiên xảy ra bạo loạn, một vài ô tô gần chỗ chị sống bị đốt. Chị đi đường thấy nên tránh ra xa, không tiến lại gần. Những ngày đó, nếu có việc cần thiết chị mới ra khỏi nhà. Cuộc sống những ngày đó không có nhiều thay đổi. Hàng quán xung quanh vẫn mở bán bình thường. Ở những thành phố lớn như Paris, Lyon, Marseille, Nice tình hình diễn ra căng thẳng hơn.
Những ngày Pháp diễn ra biểu tình, chị Ngọc hạn chế ra ngoài
"Trong 3 – 4 ngày trước thì tàu bus hoạt động thưa hơn. Những chuyến tàu cũng kết thúc sớm. Bình thường tàu thường hoạt động đến 1 giờ sáng nhưng những ngày đó, 21 giờ tàu đã không chạy nữa. Tuy nhiên, hiện tại các phương tiện giao thông công cộng đã hoạt động như thường nhật, chính quyền không có khuyến cáo gì", chị chia sẻ.
Năm nào chị Ngọc cũng về Việt Nam thăm gia đình. Chị không quá lo lắng vì tình hình bạo loạn ở Pháp vì thường xuyên ở nhà. Mọi người xung quanh cũng bàn tán về vụ việc nhưng hiện tại cuộc sống đã trở lại bình thường.
Hiện cuộc sống mọi người đã trở lại bình thường
"Việc bạo loạn, đập phá ở đây xảy ra khá thường xuyên nên tôi không bất ngờ. Nhìn chung toàn thành phố vẫn bình thường, chính quyền cũng không đưa ra luật giới nghiêm với người dân", chị nói.
Cũng theo người phụ nữ, những lần trước xảy ra bạo loạn cũng không quá nghiêm trọng. Trước đây, biểu tình, bạo loạn chỉ tập trung ở một số thành phố lớn.
"Việc biểu tình, bạo loạn gây ảnh hưởng lớn đến người dân do phương tiện giao thông tắc nghẽn hoặc đình trệ, ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống. Việc gián đoạn chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nên không có gì đáng lo ngại", chị bộc bạch.
Không hoảng sợ
Chị Lê Nguyễn Châu Anh (24 tuổi, quê ở Hà Tĩnh) sang Pháp sinh sống 6 năm. 2 năm gần đây, chị chuyển đến thủ đô Paris để công việc diễn ra thuận tiện.
Chị Ngọc né ra khi thấy xe cộ bị bắn phá
Chị cho biết, những ngày diễn ra bạo loạn, trung tâm thương mại đóng cửa sớm hơn vài tiếng.
"Bình thường trung tâm thương mại 20 giờ đóng cửa nhưng những hôm xảy ra biểu tình, bạo loạn đóng cửa vào lúc 16 giờ 30. Họ cũng không để cửa kính như để hạn chế bị bắn vỡ", chị nói.
Thủ đô Paris có đặt lệnh giới nghiêm trong những ngày đó. Sau 21 giờ, các phương tiện công cộng ít hoặc không hoạt động để người dân tránh ra đường. Người dân được khuyến khích làm ở nhà. Tuy nhiên hiện mọi việc đã trở về bình thường.
Người Việt hạn chế ra ngoài, giữ bình tĩnh
"Những ngày diễn ra biểu tình chính quyền khuyến cáo người dân ở nhà, không đi đến những nơi nguy hiểm. Đường phố cũng có lực lượng đặc biệt họ sẽ kiểm tra không cần có lý do. Mấy hôm trước, tôi chọn phương án làm ở nhà để đảm bảo an toàn", cô gái cho hay.
Hàng quán vẫn mở bán nên chị không mua đồ ăn tích trữ. Ở đường phố, những nơi được chính quyền thông báo hạn chế tập trung sẽ vắng còn những nơi khác mọi người vẫn ra đường bình thường.
"Giờ mọi người xung quanh vẫn nhắc nhưng không còn quá nghiêm trọng. Nhà bạn mình còn có người đốt thùng rác trước nhà", chị nói thêm.
Anh Trần Văn Đồng (ở thủ đô Paris) chia sẻ, biểu tình chủ yếu xảy ra ở vùng Île-de-France. Các khu vực khác cũng xảy ra nhưng không ở mức báo động. Biểu tình diễn ra những ngày trước còn hiện tại cuộc sống đã yên bình trở lại.
"Nhiều người thường đốt thùng rác ở trước nhà, khu tôi sống không có nhiều lo ngại. Những người đi xe ô tô mới đáng lo còn tôi vẫn đi làm bình thường, không đến những nơi đông người", anh cho hay.
Nguồn: Thanh Niên
© 2024 | Thời báo ĐỨC