Trong cuộc phỏng vấn với BBC tại London, PGS Bác sĩ Huỳnh Wynn Trần, từ Sài Gòn sang Hoa Kỳ định cư vào năm 1999, cũng bình luận về đề xuất đổi tên Trường Đại học Y dược Tp HCM thành 'Đại học Sức khỏe'.
BBC: Bác sĩ nghĩ gì về thực trạng người dân tại Việt Nam và người Việt tại nước ngoài dùng tràn lan thực phẩm chức năng?
Đây là chủ để rất nóng. Người Việt tại California nói riêng và ở Việt Nam nói chung rất thích cái này. Chúng ta đều biết là thực phẩm chức năng là không có cơ quan nào kiểm duyệt. Tại sao, vì nó không phải là thuốc. Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) không kiểm duyệt và kiểm soát. Khi đã không phải là thuốc thì ai sản xuất cũng được. Do đó dẫn tới tình trạng rất bát nháo là nhà nhà làm, người người bán và thiên hạ thì mua tùm lum.
Thị trường tôi thấy "màu mỡ nhất" là ung thư. Đối với tôi người mắc ung thư là bệnh nhân đáng thương nhất. Mà những ông bán thực phẩm chức năng có thể làm những việc gọi là lừa đảo và họ nhắm vào thị trường này nhiều nhất. Và việc đó là không có gì tàn nhẫn hơn. Cá nhân tôi trong chuyến về Việt Nam năm ngoái nói tại một diễn đàn về ung thư thì có câu chuyện của một bác này nói phải bán nhà bán đủ thứ để mua thực phẩm chức năng. Và tôi biết là bác đó khó mà sống được lâu mà sao phải làm vậy. Thế thì có cái gì tệ hơn thế nữa.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại là thực phẩm chức năng có tác dụng về tâm lý. Đối với bệnh nhân ung thư và không chữa được nữa chẳng hạn thì đôi khi một chút tâm lý đó là cái mà họ cần. Cho nên tôi nói với bệnh nhân là nên nói chuyện với bác sĩ xem có nên uống cái này hay không.
Vì những nghiên cứu cho thấy nó không có tác dụng về mặt lâm sàng, nhưng tinh thần thì có. Chữa ung thư không chỉ là bệnh nhân mà còn người trong gia đình. Nên người con mua được món quà đắt tiền biếu cha mẹ mình đang mắc bệnh thì cả hai phía đều thấy thế là được. Thì cái hay của thực phẩm chức năng là nó nằm ở chỗ đó.
BBC: Bác sĩ có thể chia sẻ về kinh nghiệm học ngành y tại Hoa Kỳ?
Điểm đặc biệt nhất của ngành y tại Hoa Kỳ là chú trọng nhiều về bác sĩ nội trú. Tức là đào tạo sau đại học rất dài. Tức là bên Hoa Kỳ nhấn mạnh vào việc thực hành. Cái thứ hai là kỹ năng giao tiếp, chúng tôi được học từ trong trường cho tới lúc học nội trú. Bác sĩ thực ra là người tư vấn cho bệnh nhân, tức là phục vụ và làm tròn trách nhiệm của mình. Lấy chất lượng phục vụ làm thước đó. Chẳng hạn đối với bệnh phức tạp như ung thư thì bệnh nhân và bác sĩ có cái quyền quyết định chung. Nói cách khác đi là bệnh nhân có quyền quyết định. Tức là không thế ép bệnh nhân làm những việc họ không muốn.
Khi còn ở Việt Nam thì tôi học kiến trúc. Khi qua Mỹ tôi học tiếp kiến trúc và khi ra trường rồi và làm việc được hai năm thì mình mới thấy hình như mình không thích kiến trúc lắm. Khi nộp đơn vào trường y thì tôi không được vô liền. Đây là bài học tôi đúc kết trong cuốn sách của tôi ra mắt tại Việt Nam vào tuần này. Cuốn sách có tên là "Từ kiến trúc sư thành bác sĩ tại Hoa Kỳ' ra mắt ở Sài Gòn vào ngày 6/10 và Los Angles ngày 20/10/2019.
Trong cuốn sách tôi nói về việc học kiến trúc như thế nào và sau đó ra trường đi làm một thời gian và tôi không thích và tôi mới chuyển qua học bác sĩ. Tôi gặp thất bại nhiều lắm và tôi có thể nói 'Thất bại là bà nội của thành công chứ không phải là mẹ nữa'. Bài học tôi muốn chia sẻ với các bạn là một khi mình thích cái gì thì mình nên làm tới cùng.
Tôi hay nói với sinh viên của tôi rằng tôi không phải là người quá thông minh và xuất sắc. Nhưng cái tôi có là tôi lì lắm. Tôi mà thích cái gì là tôi sẽ làm và làm tới cùng. Bài học mà tôi muốn chia sẻ với các bạn ở Việt Nam là khi các bạn thấy ai thành công thì hãy nhớ rằng họ thất bại nhiều lắm và bạn đừng bỏ cuộc. Hy vọng các bạn sẽ tìm thấy hình ảnh của mình trong cuốn sách đó. Tôi viết sách không phải là về tôi đâu mà là về các bạn. Tôi nghĩ cuốn sách sẽ mang lại động lực cho các bạn. và nếu bạn đa mê học thuật và thích tìm hiểu thì bạn sẽ tìm thấy mình trong cuốn sách của tôi
Đôi khi mình bị lung lay và mệt mỏi thì mình chỉ cần một sự khuyến khích hoặc thúc đẩy của ai đó. Thế thì tôi hy vọng là cuốn sách của tôi sẽ giúp các bạn điều đó và các bạn sẽ thành công.
BBC: Bác sĩ bình luận gì vềviệc lãnh đạo ngành y tế Việt Nam đề xuất đổi tên Trường Đại học Y dược Tp HCM thành 'Đại học Sức khỏe'?
Thực ra hướng đi thì là đúng vì đa số trường y tại Mỹ là trường có nhiều ngành trong đó, tức là dạy chung bác sĩ với dược sĩ, nha sĩ...Tôi nghĩ cái tên không quan trọng mà chất lượng mới quan trọng, mô hình đào tạo thế nào mới quan trọng. Thì cái đó là cái tôi ủng hộ và Việt Nam nên làm vì Campuchia và Lào đã làm cái đó rồi. Thì đúng là người ta đang nghe quen như vậy thì nghe khác đi thì sẽ có phản đối. Nhưng tôi thấy cái tên mà nó có cái chữ y trong đó thì nghe hay hơn và "sang chảnh" hơn.
Nguồn: BBC
© 2024 | Thời báo ĐỨC