Liên hệ mẹ con của chị Kim Hoàn và con trai rất phức tạp. Hồ sơ được dân biểu đưa cả lên Quốc hội, sau cùng mới giải tỏa. Luật sư Hoa Kỳ do Thủy quân lục chiến (TQLC) Mỹ yêu cầu đã biện hộ cho bà mẹ Việt Nam. Xin được tóm tắt lại câu chuyện:
Ngày 3 tháng 12 năm 2004, một hạ sĩ quan TQLC Mỹ gốc Việt đã hy sinh tại Trung Đông để cứu đồng đội. Anh đã xông ra cổng trại, hạ sát tài xế đang lái xe bom lao vào căn cứ. Bom nổ , anh bị thương nặng, cưa 1 chân, nhưng vẫn không cứu được.
Trước khi chết, hạ sĩ Lê Ngọc Bình trăn trối rằng hãy liên lạc với mẹ anh – Nguyễn Thị Kim Hoàn còn ở Việt Nam.
Bạn của Lê Bình kể rằng, mong ước lớn nhất của anh hạ sĩ trẻ gia nhập thủy quân lục chiến Hoa Kỳ là trở thành công dân Hoa Kỳ và đoàn tụ với mẹ tại Mỹ. Giờ đây, mong ước ấy đã thành sự thực, nhưng họ lại phải gặp nhau ở nghĩa trang Arlington, VA.
Cho con đi du học Hoa Kỳ
Cô Kim Hoàn lấy chồng họ Trần và sinh hạ được con trai duy nhất, đặt tên là Trần Ngọc Bình.
Câu chuyện của họ bắt đầu từ giấc mơ Mỹ quốc. Cô em chồng họ Trần lấy anh chàng họ Lê vừa trúng số di dân được phép nhập cư vào Mỹ. Vợ chồng anh Lê không có con bèn nhận cháu Bình làm con nuôi. Như vậy là Bình từ họ Trần chuyển qua họ Lê để được đi du học theo diện tỷ phú Việt Nam.
Thằng bé gầy ốm, ngoan ngoãn, nay bỗng chốc trở thành con người ta và sống xa cách nửa vòng trái đất. Tờ giấy viết tay đồng ý cho con nuôi, ký trong nước mắt.
Giấc mộng đoàn tụ dưới 3 thước đất
Ngay lúc chia tay ở phi trường, cùng với bao gia đình giàu có tiễn con đi Mỹ, Kim Hoàn cố vui trong niềm hy vọng ở tương lai. Cô tin chắc rằng cậu con trai yêu quý sẽ có một tương lai xán lạn và trở về đón cô qua đoàn tụ.
Ở với cô dượng, nhưng Bình vẫn nhớ mẹ ngày đêm. Năm 12 tuổi, cậu bé được cô dượng cho về thăm nhà. Trải qua 5 năm ở Mỹ nhưng Bình vẫn còn là con trai của mẹ Kim Hoàn. Đứa bé 12 tuổi vẫn giữ mãi quyết tâm trở thành công dân Mỹ để đoàn tụ cùng mẹ nơi miền đất hứa.
Chẳng bao lâu khi Lê Bình đi thì đời sống vợ chồng cô Kim Hoàn sóng gió. Hai vợ chồng ly hôn. Từ đó gia đình cô em chồng bên Mỹ cũng như nhà chồng ở Việt Nam tuyệt giao không còn liên lạc với Kim Hoàn. Mẹ Kim Hoàn hoàn toàn không có tin tức gì về đứa con trai thân yêu trong 4 năm dài.
Trong khi đó, suốt thời gian ở trung học Lê Bình tỏ ra rất xuất sắc. Cháu là thành viên của ban nhạc thiếu nhi trong nhà thờ. Bình tập chơi tất cả các nhạc cụ trumpet, key board và drump. Em còn gia nhập đội Thiếu sinh quân trong trường và trở thành tiểu đoàn trưởng đơn vị Eagle. Con đường này sau này đã dẫn em theo binh nghiệp.
Sau khi tốt nghiệp Edison High School ở Fairfax, Bình trở về Việt Nam tìm mẹ. Khi này, cậu bé 7 tuổi đã trưởng thành và rắn rỏi hơn nhiều. Bình giấu mẹ gia nhập Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ và lập tức được gửi qua Trung Đông đánh trận Iraq năm 2003. Mãi đến sau này, cậu mới email cho mẹ biết mình đi lính, bởi vì vào quân đội là con đường để sớm đạt mục đích đoàn tụ nhất.
Nhưng tiếng bom nổ ở trại lính bên Trung Đông đã làm tan nát giấc mơ đoàn tụ của hai mẹ con họ. Lời trăn trối của hạ sĩ truy thăng Lê Ngọc Bình lập tức được thi hành. Trong một ngày, tòa lãnh sự Mỹ tại Sài Gòn làm giấy tờ và lấy vé máy bay cho người nhà anh qua Mỹ.
Vì không còn là mẹ chính thức của tử sĩ anh hùng Lê Ngọc Bình nên hồ sơ xin ở lại Mỹ của Kim Hoàn không hợp lệ. Thủy quân lục chiến phải tìm một luật sư tình nguyện và thỉnh cầu dân biểu địa phương trình một dự luật đặc biệt để người mẹ xấu số có được thẻ xanh.
Giấc mộng đoàn tụ bây giờ mới thực sự có kết quả. Hai mẹ con cuối cùng cũng được gặp nhau trên đất Mỹ. Không nghề nghiệp, không Anh ngữ, không kinh nghiệm, cô Kim Hoàn phải làm bất cứ nghề gì để sinh tồn… Sau cùng, cô đi học công việc sơn móng tay. Có được nghề làm nail nuôi sống bản thân, hàng tuần, hàng tháng cô đều đến thăm mộ con trai.
Cô khấn vái đứa con yêu thương, phải chi năm 7 tuổi mẹ không cho con đi Mỹ. Mẹ không bỏ con. Mẹ chỉ muốn con có tương lai. Nhưng tương lai ấy cay đắng quá…
Gía như năm 20 tuổi, con đừng đi lính. Con quyết định đi lính, là để sớm đoàn tụ với mẹ. Nhưng giấc mộng đoàn tụ này nghiệt ngã quá…
Người mẹ hôn đứa con nằm dưới ba thước đất, trong lòng nghĩa trang Arlington.
Bài viết kể về một câu chuyện hoàn toàn có thật.
Nguồn: Dkn.tv
© 2024 | Thời báo ĐỨC