Tự hào với thương hiệu nước mắm Phú Quốc, Phan Thiết, Ba Con Cua… được bày bán nổi bật trên kệ hàng trong các siêu thị tại Mỹ, nhưng khi quan sát gần, những sản phẩm này lại có nguồn gốc xuất xứ từ Thái Lan, Hồng Kông (Trung Quốc)!
Nước mắm Việt trên đất Mỹ: “Có tiếng, không có miếng”
Với người Việt, nước mắm là một trong những gia vị cơ bản không thể thiếu trong mỗi bữa cơm. Sản xuất nước mắm cũng vì thế trở thành một ngành nghề thế mạnh, có truyền thống phát triển hàng trăm năm qua. Và cái tiếng của nước mắm Việt cũng đã vượt xa khỏi biên giới quốc gia. Nhưng, với những người Việt đang sinh sống tại Mỹ và nhiều nước châu Âu khác, họ đang phải dùng thứ nước mắm “giả danh” Việt của người Thái Lan, Hồng Kông…
Vì đâu nên nổi!?
Tiểu bang California, nơi có nhiều người Việt sinh sống, các siêu thị tại đây kinh doanh rất nhiều loại nước mắm có tên gọi đậm chất Việt, mang tên nhiều địa phương sản xuất nước mắm có tiếng của Việt Nam như: Nước mắm Phan Thiết, nước mắm Phú Quốc, nước mắm hiệu Con Gà, nước mắm Việt Hương, nước mắm Ba Con Cua… khiến nhiều người nhầm tưởng về sự xuất hiện của hàng Việt nơi xứ người.
Thực tế thì, hầu hết các sản phẩm nước mắm kể trên đều có xuất xứ từ Thái Lan và Hồng Kông; một số ít sản xuất tại Việt Nam, đóng gói tại Thái Lan… Ghi nhận tại các siêu thị, nước mắm mang danh Việt được sản xuất tại Thái Lan, Hồng Kông chiếm hơn 80% thị trường, nổi bật là: Nước mắm nhĩ Việt Hương (xuất xứ Hồng Kông), Nước mắm nhĩ Megachef (xuất xứ Thái Lan), Nước mắm nhĩ Phú Quốc (xuất xứ Hồng Kông)… Nhìn chung, các sản phẩm này được đánh giá cao về chất lượng, độ đạm ổn định và mùi vị tự nhiên.
Còn nước mắm chính gốc “Made in Việt Nam” chỉ có một vài tên tuổi như Nước mắm nhĩ Red Boat nhưng mức tiêu thụ rất khiêm tốn do không cạnh tranh được về giá.
Một tiểu thương sinh sống tại bang California cho biết: “Ngoài số ít các mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ Việt Nam, nhìn các mặt hàng mang địa danh nước mình nhưng xuất xứ từ nước khác đôi lúc cảm thấy rất thất vọng. Ngay chính sản phẩm truyền thống của mình, người Việt cũng phải vất vả theo sau người Thái. Nếu không có hướng giải quyết, không chỉ nước mắm mà còn nhiều thương hiệu ngành nghề, nhiều địa danh của Việt Nam bị mất vào tay người Thái, Hồng Kông…”.
Cũng theo vị tiểu thương này, không chỉ nước mắm, còn nhiều hàng hóa khác đang kinh doanh tại Mỹ có xuất xứ từ Thái Lan, Hồng Kông… thậm chí là sản xuất tại Mỹ nhưng lấy tên sản phẩm gắn liền với các địa danh nổi tiếng của Việt Nam; bao bì sản phẩm được ghi cùng lúc 3 thứ tiếng: Việt – Thái – Anh hoặc Việt – Trung – Anh, nổi bật là ngôn ngữ tiếng Việt… Chứng tỏ các nhà sản xuất này rất có chủ ý nhắm đến thị trường là cộng đồng người Việt tại Mỹ.
Một sản phẩm nước mắm có xuất xứ Thái Lan nhưng lấy tên địa danh sản xuất nước mắm nổi tiếng của Việt Nam làm thương hiệu.
Nước mắm Việt sẽ đi về đâu? Nhiều doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống đang gặp rất nhiều khó khăn để đưa sản phẩm tên tuổi của mình vào thị trường Mỹ.
Để xuất khẩu sang thị trường Mỹ và các nước phát triển khác, bắt buộc phải đăng ký bảo hộ thương hiệu sản phẩm, phải bảo đảm các yêu cầu khắt khe về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và nhiều yếu tố khác. Trong khi đó, đặc thù của nghề là sản xuất theo phương pháp thủ công là chính; các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, không có điều kiện đầu tư hay tổ chức kiểm nghiệm chất lượng.
Ông Lê Trần Phú Đức, Giám đốc Công ty Cổ phần Nước mắm Phan Thiết, cho biết:
“Một trong những khó khăn của nước mắm Việt Nam trong vấn đề xuất khẩu chính là hàng rào kỹ thuật trong xây dựng chỉ tiêu Histamin (chỉ tiêu quốc tế cho nước mắm). Vì vậy, muốn sản phẩm nước mắm xuất khẩu vào Mỹ thì phải có nghiên cứu, xác định các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế cho sản phẩm nước mắm truyền thống Việt Nam. Thái Lan đã đi trước chúng ta trong việc đăng ký bảo hộ, vì vậy các sản phẩm nước mắm Thái Lan mang tên gọi của các địa danh Việt Nam là không thể cấm cản. Hiện nay một số sản phẩm nước mắm Việt Nam đã được xuất sang thị trường Mỹ và đã tạo chỗ đứng khá tốt. Tuy nhiên các quy định, hàng rào kỹ thuật vẫn đang gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp nước mắm truyền thống”.
Cũng theo ông Đức, Việt Nam được nhiều nước trên thế giới biết đến với thương hiệu nước mắm nhĩ (nước mắm truyền thống không có chất bảo quản) nhưng chúng ta không biết bảo vệ thương hiệu ngành nghề của mình, để mất về tay người Thái. Chưa kể, tại thị trường trong nước, nước mắm truyền thống đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ khi gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt của các hãng sản xuất nước mắm công nghiệp. Rồi đây, nước mắm Việt sẽ đi về đâu?
Nguồn: vietnamnet
© 2024 | Thời báo ĐỨC