Ngày 27/10, PV Báo Giao thông tiếp tục có mặt tại huyện Can Lộc và thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Người dân nơi đây vẫn chưa hết bàng hoàng trước nghi vấn có người địa phương trong số 39 người tử vong trong container ở Anh và nhiều người khác đi Anh lao động cùng thời điểm này vẫn đang mất liên lạc.
PV Báo Giao thông trao đổi với anh Nguyễn Văn Tuấn
Bị đánh đập, tù tội
Để hiểu hơn hành trình đi đến với xứ “thiên đường” bằng con đường bất hợp pháp, PV đã liên lạc và xin gặp nhiều người đã từng đi lao động ở Anh, Đức... tuy nhiên tất cả đều từ chối kể lại. Sau rất nhiều lần thuyết phục, anh Nguyễn Văn Tuấn (tên nhân vật đã được thay đổi, trú ở thị xã Hồng Lĩnh) mới chấp nhận kể lại quá trình đi Đức, Anh của bản thân.
Theo lời anh Tuấn, vào những năm 2000, ở địa phương có nhiều người đi châu Âu làm ăn và giàu lên nhanh chóng. Ước vọng đổi đời nên đến năm 2003, anh quyết định vét toàn bộ gia tài, cộng với vay mượn thêm để sang Đức lao động. Để đến được Đức, trước tiên anh Tuấn phải đi Nga bằng hộ chiếu du lịch rồi tiếp tục vượt biên qua nhiều nước nữa. Hành trình này đều có người - môi giới - dẫn đường, đưa đi nhưng luôn phải chịu cảnh sống chui lủi, trốn tránh lực lượng chức năng và thậm chí là bỏ cả tính mạng nơi xứ người. “Từ Việt Nam và được đón về 1 nhà kho. Nhà kho này chứa được hàng trăm người của nhiều nhóm đưa người đi Đức lao động bất hợp pháp. Lao động có đủ các quốc tịch, lứa tuổi và giới tính. Mọi người ăn ở và sinh hoạt đều giới hạn trong nhà kho, cách ly hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Hộ chiếu, giấy tờ tùy thân đều bị thu giữ và tiêu hủy”, anh Tuấn kể.
Sau khi ổn định, các lao động sẽ được đưa sang Đức bằng nhiều hướng đi khác nhau. Nhưng không ai có quyền lựa chọn. Họ dẫn đi đâu phải đi đó, tất cả đều phải đi bộ vào ban đêm, tiếp tục bị “giam lỏng” và rất nhiều rủi ro khác.
Theo anh Tuấn: Để sang được Đức, các lao động phải đi bộ cắt rừng vào ban đêm từ Nga sang Ukraina rồi vượt qua Ba Lan. Căn cứ vào tình hình an ninh nơi sở tại, người lao động được đưa đi theo từng nhóm nhỏ 5 - 7 người và di chuyển hoàn toàn vào ban đêm. “Trước khi đi họ sẽ báo hiệu là đêm nào đi. Quá trình di chuyển đều hoàn toàn vào ban đêm và lịch trình thay đổi liên tục. Người đi không biết mình đang ở đâu, đi tới đâu. Lúc đi luôn có 1 người đi ngựa phía trước dẫn đường, 1 người đi ngựa phía sau chốt đoàn. Những ai sức khỏe yếu, đi bộ không kịp sẽ bị người đi ngựa phía sau dùng roi quất ngựa đánh đập thậm tệ”, anh Tuấn nhớ lại.
Đoàn người lao động đi từng chặng một, hết một chặng lại bị nhốt vào nhà kho và lại bị cách ly. “Sau mỗi chặng đi, đoàn chúng tôi lại bị nhốt vào trong nhà kho và bị cách li hoàn toàn với bên ngoài. Sau đó, người dẫn đường lại tiếp tục căn cứ vào tình hình an ninh sở tại để quyết định nằm chờ hay tiếp tục đi. Có khi công an sở tại làm căng, đoàn phải nằm chờ cả mấy chục ngày mới đi tiếp”, anh Tuấn cho biết.
Sau khi vượt qua được Ukraina, anh Tuấn tiếp tục di chuyển sang Ba Lan. Tuy nhiên, trong quá trình vượt biên thì bị công an phát hiện và bắt giữ. Theo anh Tuấn, quá trình ngồi tù các lao động thường xuyên bị cai tù đánh đập, hành hạ dã man. “Sau ba tháng rưỡi “hành quân” không thành, tôi bị trục xuất lại Ukraina và được những người môi giới chuộc lại, đưa đi bằng con đường từ Nga sang Tiệp rồi mới đến Đức”, anh Tuấn kể tiếp.
Hành trình từ Nga đi Đức của anh Tuấn, kể cả tù tội là hết hơn 9 tháng trời. Sau nhiều năm làm việc ở Đức, đến năm 2006, khi đã có một số vốn kha khá. Thấy nhiều người quen, bạn bè đi Anh làm ăn được, anh Tuấn lại quyết định “nhảy” sang một chân trời mới.
Có thể mất mạng bất cứ lúc nào
Dù đã nhiều năm từ Anh trở về, nhưng mỗi lần nhắc đến xuất ngoại là anh Tuấn đều rùng mình, ớn lạnh. Xuyên suốt cuộc nói chuyện, anh Tuấn nhiều lần nhắc lại: “Ngoài bị đánh đập, tù tội thì người lao động sang Đức và Anh bằng con đường bất hợp pháp có thể tử vong bất cứ lúc nào”.
“Từ Nga, chúng tôi đi bộ cắt rừng vào ban đêm để sang Ukraina rồi sau qua Ba Lan để vượt biên sang Đức. Biên giới giữa Ukraina và Ba Lan là 1 con sông rộng khoảng 50 - 60m, điểm sâu nhất là 16 - 17m. Một hôm tôi đang ở trong kho thì nhận được lệnh tối nay “vượt sông”. Cả ngày hôm đó cho đến đêm, tôi cứ thấp thỏm, hồi hộp không thể nào chợp mắt bởi trong quá trình vượt biên, chỉ cần môt sơ sót là có thể bỏ mạng bất cứ lúc nào”, anh Tuấn kể.
Để vượt sông, anh Tuấn không thể đi thuyền hay bơi qua bởi luôn có sự kiểm tra, sục sạo của cảnh sát và chó nghiệp vụ cùng hàng trăm thiết bị giám sát khác. Người ta nghĩ ra cách bỏ anh vào trong 1 túi ni-lon rồi cho thợ lặn mang bình oxy lặn dưới đáy kéo sang sông. Tuy nhiên, khi vừa sang đến bờ sông của Ba Lan thì cảnh sát đã chờ sẵn và ập vào bắt giữ.
Cũng theo anh Tuấn, anh còn may mắn khi sang đến bờ bên kia mới bị cảnh sát bắt giữ. Có trường hợp lúc đến giữa sông thì bị cảnh sát phát hiện, thợ lặn bỏ lại “túi người” chạy trốn thì người lao động chỉ có nước chết.
Cũng trong hành trình từ Ukraina đi Ba Lan, có những đoạn đường anh Tuấn được đi xe ô tô. Tuy nhiên, chiếc xe ô tô 5 chỗ ngồi thì bị nhồi nhét mười mấy, thậm chí là 20 mấy người. Ngoài ra, chiếc xe 12 chỗ ngồi được chế 2 lớp trần xe rồi nhét 5 người vào đó nằm bất động mười mấy tiếng đồng hồ.
“Chú cứ tưởng tượng 5 người bị nhét nằm bất động trong 1 cái hộp chật hẹp, tối om và trao đổi với không khí bên ngoài qua mấy cái khe bé tí. Ngứa hay mỏi cũng không thể gãi, trở hay lật được; thậm chí có người bí quá nhưng không biết làm sao đành phải đi vệ sinh lên mặt, lên người người khác. Nhiều người chịu không được phải bỏ mạng dọc đường, có người thì lại sợ quá bỏ cuộc, quay lại”, anh Tuấn nói.
Hành trình gian nguy đến Anh quốc
Theo anh Tuấn, hành trình vượt biên từ Nga sang Đức gian khổ, nguy hiểm là thế thì hành trình từ Đức sang Anh cũng không kém là bao.
Từ Đức để sang Anh, anh Tuấn và 1 người bạn ở cùng quê phải đi qua Pháp. Sau khi đến được biên giới Pháp - Anh, hai người thuê khách sạn nằm chờ đêm xuống để thuê người vượt biên sang Anh. “Đêm hôm đó, hai anh em ra thuê 2 đối tượng dẫn đường đến cảng Clas để vượt sang Anh. Tuy nhiên, sau một đoạn đường rừng tôi phát hiện 2 đối tượng dẫn đường có thể là cướp nên ra dấu hiệu với người đi cùng. Chờ lúc 2 đối tượng đó không để ý, tôi hét lên rồi 2 anh em bỏ chạy nhưng tôi bị 2 đối tượng bắt được. Hai đối tượng đó dí súng vào đầu tôi và đòi bóp cò. Tôi quỳ xuống van xin và đưa toàn bộ tiền, điện thoại và tài sản trên người cho chúng nhưng vẫn bị chúng dùng báng súng đánh đập dã man. Đến khi tôi giả ngất, bọn chúng mới bỏ đi…”, anh Tuấn kể.
Theo anh Tuấn, tại cảng Clas có 2 cách nhảy lên xe để xuống phà vượt sông sang Anh. Cách VIP là thuê người dẫn đi bằng cách họ sẽ soi hàng hóa trong container nào đi Anh rồi khi đêm đến sẽ mở container cho mình chui vào. Còn cách “cỏ” là tự mình chạy theo các xe container phủ bạt, nhảy lên xe rồi chui vào bên trong. Cách VIP thì tốn kém hơn, nhưng lại khá an toàn; còn cách “cỏ” không tốn kém nhưng lại rất nguy hiểm và rất dễ nhầm xe có hàng đi sang nước khác.
“Sau khi suy xét thiệt hơn, tôi chọn cách đi VIP với tổng chi phí là 8.000 euro. Khi đêm xuống, người dẫn đường đưa tôi lên chuyến xe container phủ bạt chở hàng điện tử đi London. Sau khi sang sông, vào đến nước Anh, tôi lấy con dao đã thủ sẵn từ trước rạch bạt xin tài xế chạy chậm để nhảy xuống. Nhưng không ngờ tài xế lại cho xe chạy nhanh hơn, nhảy xuống rất nguy hiểm nên chúng tôi đành ngồi trên xe cho đến trạm công an và bị bắt”, anh Tuấn kể tiếp.
Nói về những người vừa được phát hiện tử vong trong container ở Anh, anh Tuấn nhận định: Ngày nay, công nghệ giám sát hiện đại hơn không chỉ qua hơi thở mà còn có máy quét thân nhiệt. Có thể, do số lượng người trong container lạnh này quá đông, họ phải để nhiệt độ thấp để tránh máy quét thân nhiệt khiến những người này bị chết lạnh và ngạt.
Chia sẻ về ước vọng làm giàu qua con đường bất hợp pháp ở trời Âu, anh Tuấn tâm sự: Nếu được cho 100.000 USD để đi lại con đường năm xưa thì anh thà ở nhà chứ không đi lại nữa. Bởi vì nó quá khổ và anh quá sợ sẽ không có cơ hội sống sót.
Nguồn: Baogiaothong.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC