30 ngày đeo bám nhóm lao động "bị kẹt" ở Nga

Người thân của gần chục lao động quê Đồng Nai bị kẹt ở Nga đã tìm đến Báo Người Lao Động cầu cứu. Sau 1 tháng vào cuộc điều tra, phóng viên đã góp phần tác động đưa ít nhất 5 lao động về nước an toàn

132 1 30 Ngay Deo Bam Nhom Lao Dong Bi Ket O Nga

Ông Vũ Trọng H. (trái) cầm trên tay lá đơn cầu cứu khi trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động Ảnh: XUÂN HOÀNG

Trở lại sự việc cách đây đúng 1 tháng - chiều 16-3, với gương mặt âu lo, ông Vũ Trọng H. (57 tuổi; ngụ thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) đã tìm gặp phóng viên Báo Người Lao Động để nhờ lên tiếng về trường hợp vợ ông là bà Nguyễn Thị Ánh H. cùng con ông và một số người hàng xóm, đi lao động và bị "mắc kẹt" ở Nga, dù họ đang khẩn thiết muốn trở về Việt Nam ngay nhưng không được.

"Quý báo đã từng theo đuổi và giải cứu thành công những lao động ở miền Tây dính bẫy xuất khẩu lao động sang Nga nên nhiều người chỉ tôi tìm đến" - ông H. mở đầu câu chuyện.

Khi chồng xót vợ, thương con

Ông H. kể giữa tháng 11-2018, với sự môi giới của bà Phạm Thị Lệ B. (58 tuổi; ngụ phường Xuân An, thị xã Long Khánh), vợ ông cùng con là Vũ Đình Kh. và những người hàng xóm là Tr., T., S., Q., Th. đã theo một đường dây xuất khẩu lao động sang Nga làm việc. Theo đó, mọi thủ tục được công ty lo. Công việc theo hợp đồng thuộc ngành may mặc. Mức thu nhập theo giao kèo từ 500-700-1.000 USD/tháng.

Mức phí để được đi xuất cảnh là 2.000 USD/người, trong đó trước khi đi mỗi người trả trước 500 USD, số còn lại trừ vào lương trong quá trình làm việc.

"Những tưởng với 2 lao động làm việc ở Nga sẽ giúp gia đình cải thiện đời sống. Ấy vậy mà trong ngôi nhà chục năm chưa sửa tường thấm khắp nơi, hằng đêm tôi còn bị ám ảnh bởi tiếng kêu cứu của vợ con nơi xứ người…" - ông H. kể tiếp câu chuyện trong nấc nghẹn.

Sau thời gian chờ đợi, ngày 15-11-2018, vợ con ông H. cùng những người hàng xóm được làm thủ tục xuất cảnh đến nước Nga. Nhưng chưa đầy 1 tháng sau đó, vợ và con ông liên lạc về kêu cứu, bởi cuộc sống nơi "miền đất hứa" không như mô tả của người môi giới hay trong suy nghĩ của vợ con ông. "Họ đang sống trong địa ngục! Hãy lên tiếng để cứu lấy vợ con tôi cũng như cảnh báo những người muốn sang Nga lao động thông qua môi giới kiểu "rỉ tai" - ông H. thảng thốt.

Theo lá đơn kêu cứu tập thể mà ông H. gửi, chúng tôi lập tức tìm gặp ông Dương Viết H., có vợ là bà Phạm Thị S. (ngụ phường Xuân Bình, thị xã Long Khánh) đang ở Nga cùng với vợ con ông H. Vừa nghe chúng tôi giới thiệu, ông Viết H. đã nói: "Giờ chỉ có công luận lên tiếng và chất vấn kẻ môi giới hòng tác động cho chủ sở hữu lao động bên Nga thì vợ tôi mới mong sớm thoát được cảnh bị "giam lỏng" nơi xứ người".

Theo ông Viết H., cũng như những gia đình trót dại khác, vì quá tin viễn cảnh tốt đẹp mà người môi giới vẽ ra cũng như mong sớm có tiền sửa lại nhà mà vợ ông đã chạy vạy để vay mượn hòng được sang Nga lao động với mức thu nhập cao. "Nay thì tiền sửa sang nhà cửa đâu chưa thấy, chỉ thấy vợ thì cầu cứu, cả nhà ăn không ngon ngủ không yên, nợ vay để có tiền sang Nga thì đến ngày phải trả…

Lần này mà vợ về nước an toàn, tôi hứa có rau ăn rau, có cháo ăn cháo chứ không bao giờ để vợ đi kiểu này nữa…" - ông Viết H. nói.

Những tin nhắn, cuộc gọi khẩn thiết

Để có những bằng chứng xác thực về vụ việc, thông qua người thân của những lao động bị "mắc kẹt", cuối tháng 3, phóng viên bắt đầu tìm bằng chứng từ các nạn nhân bằng tin nhắn và cuộc gọi nhờ tính năng của mạng xã hội.

Nếu như ngày đầu thông tin qua lại giữa phóng viên và nạn nhân còn hạn chế vì các nạn nhân lo sợ bị "gài bẫy" thì ngay sau khi phóng viên chứng minh bằng hình ảnh gặp gia đình nạn nhân, các nạn nhân mới hoàn toàn tin tưởng. Thông tin chuyển về càng lúc càng nhiều với lời lẽ ngày càng khẩn thiết từ nạn nhân.

Cụ thể, qua trao đổi, bà Phạm Thị S., cho hay cả 6 lao động trong đợt đi chung với bà đang hết sức bất an. "Khi vừa qua, một phần thấy nhiều cái bị phạt vạ vô lý, một phần bị bắt làm việc với cường độ cao hơn bình thường nên cả 6 người chúng tôi đuối sức không thể kham được, riêng tôi đã ngã bệnh. Đặc biệt, vì bị phạt vạ vô lý nên nếu có làm đến kiệt sức thì phải đến 3 năm may ra mới trả hết nợ nần chi phí khi đi, vì vậy cả nhóm xin được về nước với lý do trái với những lời hứa ban đầu từ người môi giới" - bà S. nhắn.

 132 2 30 Ngay Deo Bam Nhom Lao Dong Bi Ket O Nga

Kể từ khi sang Nga, nhóm lao động ở Đồng Nai không được bước chân ra khỏi xưởng, ăn uống kham khổ và mọi sinh hoạt chỉ ở trong căn phòng nhỏ hẹp này. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Theo bà S., kể từ khi chủ xưởng biết được ý định của nhóm bà cũng là lúc cả nhóm rơi vào cảnh bị "giam lỏng", với việc lo sợ nguy hiểm có thể xảy đến bất cứ lúc nào. "Đến giờ ăn thì họ cho ăn, tất cả thời gian còn lại trong ngày chúng tôi không được rời xưởng dù là nửa bước. Mọi di chuyển của chúng tôi đều bị giám sát chặt chẽ. Chúng tôi sợ lắm…" - bà S. lo lắng.

Tương tự, khi trao đổi với chúng tôi, bà H. và 4 người còn lại nói rằng khi mới vào làm, họ bị người của chủ xưởng bắt phạt liên tục vì cho là không hoàn thành công việc.

Đến khi thấy sức khỏe đi xuống, khả năng trả nợ chi phí kéo dài không lối thoát bà H. xin được về nước thì mọi việc càng trở nên tồi tệ. Bằng chứng là từ các hình ảnh do nạn nhân chụp và quay clip gửi về, cho thấy cảnh ăn ở, sinh hoạt của các lao động này đang trong môi trường hết sức tồi tàn.

"Ở lại thêm ngày nào, chúng tôi càng sợ hãi ngày ấy. Đó là chưa kể, chủ xưởng còn khẳng định những ngày ở lại đây, chúng tôi phải gánh chịu tất cả chi phí phát sinh. Tôi cầu cứu các anh (tức PV) cùng chính quyền địa phương, ban ngành ở Đồng Nai can thiệp, giúp đỡ để chúng tôi được về nước với gia đình" - các nạn nhân khẩn cầu thông qua cuộc gọi trao đổi với phóng viên.

Kẻ môi giới... phủi tay!?

Quay lại những buổi tiếp xúc với gia đình các nạn nhân, chúng tôi nhận thấy đa phần họ không hề biết rõ về đường dây lao động xuất khẩu sang Nga mà người thân họ tham gia. Theo họ, tất cả đều do người môi giới và đơn vị sử dụng lao động lo. "Chúng tôi tin tưởng bà B. là chỗ quen biết, nói có công ty của người quen bên Nga đang tuyển dụng lao động. Bà này cũng nói là công ty này sẽ lo hỗ trợ hết các thủ tục, chúng tôi chỉ việc đóng tiền. Thế là chúng tôi gom góp kinh phí, lo cho vợ và con, cháu xuất ngoại làm ăn để cải thiện cuộc sống..." - những người trong gia đình các lao động đang ở Nga trình bày.

Khi trao đổi với phóng viên, các nạn nhân khẳng định toàn bộ việc đi xuất khẩu lao động của đường dây này là do bà B. lo. "Bà B. cho biết ngày đi là chúng tôi đi.

Còn visa và vé máy bay tất cả tới sân bay chúng tôi mới nhận. Trong thời gian chờ đợi xuất cảnh, chúng tôi có hỏi bà B. là chúng tôi có phải đi phỏng vấn không nhưng bà bảo không cần vì công ty là của cháu bà, còn tất cả giấy tờ thì khi sang Nga chúng tôi sẽ ký như bà B. đã hứa" - bà S. khẳng định.

Thế nhưng, khi phóng viên liên lạc được với bà Phạm Thị Lệ B. thì bà này cho hay bà và những người lao động trên quen biết nhau nên bà mới giới thiệu cho họ sang Nga làm việc.

Tuy nhiên, bà B. cho rằng bà không phải là người môi giới để lấy tiền huê hồng. "Tôi chỉ làm ơn, giúp hai bên chứ không ăn tiền. Những người tôi giới thiệu toàn thân quen, việc ký hợp đồng là do hai bên. Giờ họ đòi về thì phải đền bù hợp đồng. Khi đền bù hợp đồng, họ phải đền đủ tiền và cần có thời gian làm thủ tục theo quy định mới có thể về nước được…" - bà B. nói và khẳng định mình vô can(!?). 

Những lời hứa từ địa phương

Để hỗ trợ các lao động đang "mắc kẹt" tại Nga sớm về nước, ngay sau khi xác minh sự việc là có thật, chúng tôi đã liên hệ với chính quyền địa phương. Thông qua phóng viên, lãnh đạo các địa phương hứa sẽ hỗ trợ thủ tục để thúc đẩy việc "giải cứu" công dân về nước.

"Chúng tôi sẽ hỗ trợ người dân trong phạm vi trách nhiệm của mình. Chúng tôi sẽ tiếp nhận thông tin từ gia đình của các lao động" - lãnh đạo các xã, phường nơi các lao động bị "mắc kẹt" cho biết.

"Sau khi biết mình mắc bẫy, chúng tôi đã tìm cách liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam tại Nga để nhờ can thiệp nhưng lại nhận được câu trả lời đây chỉ là vấn đề quan hệ lao động nên phải tự thỏa thuận, giải quyết" - bà Phạm Thị S. hiện đang "mắc kẹt" ở Nga nói. 

 

Nguồn: NHÓM PHÓNG VIÊN/ nld.com.vn


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày