Vỡ mộng sang Trung Quốc đổi đời, phải vượt núi đá tai mèo nhập cảnh 'chui' về lại Việt Nam

'Sang đó có việc làm' - tin lời hứa, 11 người dân rủ nhau rời bản ở Lai Châu, vượt biên trái phép sang Trung Quốc. 40 ngày sau, họ lại vượt núi đá tai mèo, nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

Tết đến, hoa đào nở rộ biên cương phía Bắc. Gác nỗi niềm riêng, cán bộ chiến sĩ biên phòng căng mình tuần tra kiểm soát đường mòn, lối mở ngăn người nhập cảnh trái phép trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc.

21h đêm 4-1, ôtô đưa Lò Văn Ơn (33 tuổi, tên các nhân vật đã được đổi) cùng 10 người khác rời Trung Quốc. Đến khu vực giáp biên giới Việt Nam - Trung Quốc, người lái xe chỉ hướng về Việt Nam, đoàn người xuống xe vượt dãy núi đá tai mèo nhọn hoắt, men theo đường mòn, lối mở tìm đường trở về.

132 1 Vo Mong Sang Trung Quoc Doi Doi Phai Vuot Nui Da Tai Meo Nhap Canh Chui Ve Lai Viet Nam

Rạng sáng 5-1, có 11 người nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc về Việt Nam được phát hiện và đưa về khu cách ly theo quy định - Ảnh: NAM TRẦN

Lợi dụng đêm tối, sương mù nhập cảnh trái phép

Đến 5h sáng hôm sau (5-1), cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng Xín Cái (Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Giang) phát hiện và đưa 11 người về khu cách ly theo quy định...

Giáp tết, Hà Giang - tỉnh địa đầu Tổ quốc - là khu vực nóng nhất về tình trạng nhập cảnh trái phép. Thời tiết khắc nghiệt, sương mù đóng dày đặc và càng mù mịt về đêm đã gây khó khăn cho lực lượng bộ đội biên phòng trong quá trình tuần tra, kiểm soát trên biên giới.

40 ngày trước thời điểm bị lực lượng chức năng phát hiện, tin vào lời hứa "sang đó (Trung Quốc) có việc làm, lương cao", Ơn cùng mấy người trong làng rủ nhau vượt biên trái phép trong đêm. Nay cũng lợi dụng đêm tối, mưa rét, họ hồi hương bằng đường nhập cảnh "chui".

Không biết đường đi, đoàn người dìu nhau vượt núi đá, leo đồi cao, men theo lối mòn mà về. "Mỗi người đi mất 1.800 tệ (gần 7 triệu đồng - PV), tiền xe năm nay đắt quá. Mình đi ban đêm, anh em đi cùng nhau. Người ta nói sang đó chặt mía, có công ăn việc làm nên đi. Sang được 40 ngày, cuộc sống vất vả quá, không đủ tiền tàu xe về. Mình biết về thì phải cách ly chứ, nhưng phải về nhà ăn tết thôi" - Ơn khai nhận.

"Chưa sang Trung Quốc bao giờ, cực lắm" - người đàn ông lớn tuổi nhất đoàn cúi gằm mặt, tay ôm chặt balô, lí nhí nói bập bẹ tiếng phổ thông. 43 tuổi, Lò Văn Nhờ bàn với vợ đánh liều một chuyến sang Trung Quốc làm thuê kiếm tiền cũng bởi cuộc sống ở bản đã nghèo, năm nay dịch COVID-19 bùng phát lại càng khó khăn.

Cả 11 người bị phát hiện hôm đó cùng sống chung một bản làng, đều là lần đầu tiên vượt biên mang theo mong ước về một tương lai tốt đẹp hơn. Không ngờ cuộc sống nơi xứ người cực khổ hơn gấp bội. 

"Sáng 5h30 xe chở đi làm, đến 18h trời tối mịt xe mới đưa về. Ăn cơm trên nương luôn, không được ngủ nghỉ" - Nhờ kể lại công việc chặt mía. Sau thời gian làm thuê, về đến Việt Nam, "gia sản" lớn nhất của Nhờ chỉ là chiếc balô đựng mấy bộ quần áo kèm số nợ lúc vượt biên.

132 2 Vo Mong Sang Trung Quoc Doi Doi Phai Vuot Nui Da Tai Meo Nhap Canh Chui Ve Lai Viet Nam

Những người nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc về Việt Nam được cách ly và kiểm tra y tế theo đúng quy định tại khu cách ly số 2 do đồn biên phòng Xín Cái quản lý.

"Về đến biên giới mới biết Hà Giang"

Ôm mộng đổi đời, 2 năm trước Chu Văn Định (30 tuổi, quê Nam Định) "đầu tư" học tiếng Trung rồi cùng mấy người bạn sang Trung Quốc kiếm mối làm ăn. "Làm đồ chơi trẻ em, làm đèn ông sao, mỗi ngày được 120 tệ, tính ra cũng được 300.000 - 400.000 đồng. 

Nhưng dịch bệnh xảy ra, cuộc sống khó khăn quá, phải về thôi. Lúc về thì visa hết hạn, mấy người bạn ở bên đó giúp tôi đi về qua đường tiểu ngạch, nhập cảnh trái phép. Chi phí mất 2.000 tệ, hơn 7 triệu đồng" - Định khai.

Với giá 2.000 tệ, Định được người ở Trung Quốc tìm giúp xe từ thành phố San Thầu (Quảng Đông, Trung Quốc). Đi mất 2 ngày trời mới về đến biên giới, Định mới biết đây là địa phận tỉnh Hà Giang.

Tại khu cách ly số 2 do đồn biên phòng Xín Cái quản lý, bà Đặng Thị Mùi (55 tuổi, quê Lào Cai) được cán bộ chiến sĩ biên phòng "ưu ái" cho ở giường tầng 1, kiểm tra sức khỏe thường xuyên trong 14 ngày cách ly. Trước thời điểm bị phát hiện nhập cảnh trái phép, bà Mùi đi 3 ngày trời, vừa đi bằng xe vừa đi bộ vừa vượt núi đá. Đặt chân đến biên giới Việt Nam, đôi chân run rẩy vì kiệt sức, bà bật khóc: "Mẹ về đến Việt Nam rồi".

Một năm trước, bà sang Trung Quốc xin dọn dẹp ở xưởng cá, do tuổi cao, sức khỏe yếu nên người ta chỉ trả 80 tệ tiền công/ngày. Để về được Việt Nam, bà phải xoay xở vay mượn đóng phí 2.000 tệ.

"Không có tiền, phải vay tiền về, về nhà kiếm tiền trả cho người ta thôi. Ở đây được bộ đội chăm sóc, sức khỏe hồi phục rồi, không đi sang đó nữa đâu" - bà Mùi rưng rưng.

Được bộ đội cưu mang

Thiếu tá Mua Mí Cáy, chính trị viên đồn biên phòng Xín Cái (Hà Giang), nhớ mãi hai mẹ con quê Cà Mau được bộ đội biên phòng cưu mang gần 3 tháng trời.

Cô ấy sang Trung Quốc làm dâu xứ người nhưng cuộc sống nhà chồng quá cực khổ, sợ người chồng bắt con nên cô ôm con bỏ trốn về Việt Nam.

"Người mẹ ôm con trắng tay trở về, trên người chỉ độc bộ quần áo. Cô có quốc tịch Việt Nam nhưng đứa bé lại mang quốc tịch Trung Quốc nên rất khó xử lý, phải trình cấp trên hướng giải quyết. Hai mẹ con ở tạm đơn vị gần 3 tháng trời, các chú bộ đội bố trí một phòng riêng. Cháu bé lúc về không biết nói tiếng Việt, ở đồn với các chú đã bi bô tập nói được một số câu tiếng Việt" - thiếu tá Cáy chia sẻ.

Ngày rời đồn địa đầu Tổ quốc về đất mũi Cà Mau, đơn vị kêu gọi các nguồn hỗ trợ mua quần áo, sữa cho cháu bé. Mỗi cán bộ chiến sĩ còn góp thêm 300.000 đồng/người mua quần áo, vé tàu xe từ Hà Giang về Cà Mau cho hai mẹ con. Lúc rời đơn vị, người mẹ xúc động bật khóc cảm ơn các chú bộ đội: "Biết về như thế này là sai, nhưng may mắn mẹ con em được các chú bộ đội quan tâm lo lắng".

Đảm bảo "nhiệm vụ kép"

Theo thông tin từ Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 (Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng), chỉ trong 2 tuần đầu năm 2021, cả nước phát hiện 4.502 công dân Việt nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Có ngày phát hiện gần 600 trường hợp nhập cảnh trái phép qua đường mòn, lối mở.

Thượng tá Hoàng Ngọc Định, phó chỉ huy trưởng - tham mưu trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Giang, cho biết từ lúc bùng phát dịch COVID-19, đơn vị duy trì 61 chốt chặn cố định trên tuyến biên giới Việt - Trung.

"Ngoài quán triệt "chống dịch như chống giặc", dịp Tết Nguyên đán này chúng tôi tập trung thực hiện nhiệm vụ kép, không phải kép đôi mà là cả ba - vừa quản lý bảo vệ biên giới trong trạng thái thường xuyên, vừa phòng chống dịch COVID-19, đồng thời phòng chống xuất nhập cảnh trái phép" - thượng tá Định nói.

HÀ THANH - MINH PHƯỢNG - NAM TRẦN

Nguồn: tuoitre.vn


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày