Tờ Le Figaro (Pháp) đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia năng động nhất thế giới trong năm 2020. Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng dương ở mức 2,9% trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng đến kinh tế toàn cầu.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tại lễ kỷ niệm 75 năm thành lập Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 31-12-2020, năm 2020, quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt khoảng 343 tỉ USD, đứng trong tốp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và đứng thứ tư ASEAN; GDP bình quân đầu người đạt 3.521 USD đứng thứ 6 ASEAN.
Kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện đáng kể. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện; Hiệu quả đầu tư và năng suất lao động được nâng lên rõ rệt. Tăng trưởng kinh tế giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, mở rộng tín dụng; từng bước dựa vào ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định; bảo đảm vốn tín dụng cho nền kinh tế, tập trung cho lĩnh vực sản xuất, nhất là các ngành ưu tiên.
Đặc biệt, mặc dù năm 2020 ghi nhận những suy giảm mạnh về tăng trưởng và hầu hết các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của tất cả các nước trên thế giới, song âm hưởng chung hội tụ trong các đánh giá và dự báo về kinh tế Việt Nam là rất tích cực và nằm trong số hiếm hoi các nước vẫn giữ được mức tăng trưởng GDP dương, với GDP cả nước tăng 2,91%. Việt Nam được coi là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới và phục hồi kinh tế nhanh hình chữ V, với mức tăng trưởng dự báo từ hơn 6% tới 11,2% trong năm 2021.
Theo Báo cáo phát triển bền vững 2020, Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á duy nhất đạt được 5 mục tiêu hành động của Liên Hiệp Quốc (LHQ), trong đó có các biện pháp giảm khí thải CO2, thúc đẩy năng lượng tái tạo và nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.
Công cuộc giải nghèo liên tục được cải thiện: Năm 2020, cả nước có 16,5 nghìn lượt hộ thiếu đói, giảm 75,9% so với năm trước, tương ứng với 66,5 ngàn lượt nhân khẩu thiếu đói, giảm 76,1%. Tỷ lệ nghèo tiếp cận đa chiều năm 2020 ước khoảng 4,7%, giảm 1 điểm phần trăm so với năm 2019, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên về đích trước mục tiêu thiên niên kỷ của LHQ về giảm nghèo.
Đặc biệt, theo Báo cáo Phát triển con người toàn cầu năm 2020 do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố chiều 16-12-2020 tại Hà Nội, Chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2019 của Việt Nam là 0,704, lần đầu tiên đưa Việt Nam vào nhóm các nước phát triển con người cao và xếp thứ 117/189 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam nằm trong số các nước có tốc độ tăng HDI cao nhất trên thế giới, trong khi vẫn còn là nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp…
Theo kết quả đánh giá chỉ số quyền lực châu Á (Asia Power Index) năm 2020 của Viện Lowy công bố ngày 19-10-2020, Việt Nam tiếp tục tăng một bậc, từ 13 lên 12 trong số 26 quốc gia và vùng lãnh thổ, vượt lên trên cả New Zealand. Việt Nam cũng được đánh giá là quốc gia có sự tăng thứ hạng mạnh nhất với 1,3 điểm. Trong đó, chỉ số ảnh hưởng ngoại giao tăng 3 bậc do xử lý tốt đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó các chỉ số về cạnh tranh kinh tế và mạng lưới quốc phòng của Việt Nam cũng đều gia tăng.
Theo Brand Finance (Anh), hãng chuyên định giá thương hiệu quốc tế, trong năm 2020, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 319 tỉ USD, tăng 29% so với năm 2019 - mức tăng nhanh nhất thế giới. Nhờ đó, giá trị thương hiệu Việt Nam đã tăng chín bậc so với cùng kỳ và đạt thứ hạng 33 trên thế giới. Giá trị thương hiệu Việt Nam tăng mạnh nhờ vào việc phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả. Đặc biệt, Việt Nam nổi lên trở thành điểm đến hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á về sản xuất và nơi hấp dẫn các tập đoàn đa quốc gia, nhất là từ Mỹ đặt nhà máy sản xuất để tái định vị nguồn cung trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chưa hạ nhiệt.
Báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử năm 2020 vừa được LHQ công bố, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 86 trong 193 quốc gia thành viên LHQ, tăng 2 bậc so với năm 2018, trong đó chỉ số hạ tầng viễn thông tăng mạnh 31 bậc.
Năm 2020 cũng nghi nhận những mốc mới trong hội nhập quốc tế, với sự nâng cao một bước vị trí, uy tín và năng lực đảm nhận "trọng trách kép" trong năm 2020 khi đồng thời là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ và Chủ tịch ASEAN.
Trong "bầu trời u ám" kinh tế thế giới năm 2020, Việt Nam nổi lên như một điểm sáng đáng ghi nhận và tự hào, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Chưa bao giời Việt Nam có được vị thế và cơ đồ vững chắc như hiện nay". Những thành công đó là kết quả một quá trình phấn đấu lâu dài, không ngừng nghỉ của Đảng, Chính phủ và Nhà nước, cũng như toàn thể cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân Việt Nam; nhất là từ sự cộng hưởng những thành tựu và động lực tăng trưởng kinh tế từ năm 2019; sức chống chịu và thành công trong việc kiểm soát sự lây lan của dịch Covid-19; hiệu quả triển khai các biện pháp tài chính - tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; đẩy nhanh giải ngân đầu tư công và tiếp tục những cải cách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh; tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu; thúc đẩy tái cơ cấu về tổ chức và công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình hướng tới tăng trưởng nhanh, bền vững...
D.N
Nguồn: nld.com.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC