Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sau 13 năm xây dựng cho tới thời điểm hiện tại đang tiến hành chạy thử, nếu được cấp phép sẽ được đi vào sử dụng trong năm 2021. Trước thông tin này chắc hẳn những người dân tại Hà Nội "thở phào" khi tuyến đường sắt sau từng ấy năm cuối cùng cũng hoàn thiện phục vụ nhân dân.
Trong những ngày này những chuyến tàu liên tục xuất bến với tần suất 287 lượt mỗi ngày với hành trình từ ga Yên Nghĩa (Hà Đông) và điểm cuối là ga Cát Linh (Đống Đa), từ phía dưới khi ai nấy cũng mệt mỏi với cảnh tắc đường thì phía trên tàu điện chạy một cách nhanh chóng, khiến nhiều người liên tưởng đến hình ảnh tàu điện chẳng kém gì những nước đang phát triển.
Trên những ngôi nhà cao tầng dọc theo lộ trình di chuyển của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông ta có thể dễ dàng nhìn thấy những con tàu mang tone màu xanh hiện đại di chuyển ra vào bến, nói là "đường sắt" nhưng khác hoàn toàn với những tuyến đường sắt truyền thống, những con tàu đô thị lướt đi một cách vô cùng nhẹ nhàng.
Đứng trên những tòa nhà thuộc khu vực Hoàng Cầu, ngã tư Khuất Duy Tiến, đường Nguyễn Trãi... cảnh tượng về một mạng lưới giao thông hiện đại hiện khiến nhiều người bất ngờ. Tại nút giao Vành đai 3 bên dưới là hầm chui, phía trên là ngã tư rồi tuyến Vành đai 3 trên cao và trên cùng là tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông hiện đại.
Nếu như trên những bộ phim của Nhật Bản, Hàn Quốc những người làm việc văn phòng thường đi làm hàng ngày bằng tàu điện, thì sắp tới tại Việt Nam cũng sẽ chẳng kém gì. Còn nhớ một số reviewer về du lịch khi đến Hà Nội cũng hết lời khen vẻ đẹp của tuyến đường sắt này, công trình hấp dẫn ở mọi góc nhìn, từ phía dân mạng mới đây cũng kháo nhau rần rần rằng chuẩn bị diện vest để đi tàu điện. Câu nói vui vậy nhưng lại vô cùng đúng, bởi thay cho việc đi xe máy như đánh vật trên những con đường tắc vào nội đô thì việc đi phương tiện công cộng xịn xò này khiến cho mọi người đến nơi làm việc trang phục vẫn vô cùng tươm tất.
Không chỉ có một dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông mà tuyến đường sắt đô thị thí điểm số 3 (đoạn Nhổn - Ga Hà Nội) cũng đang được xây dựng. Trong giai đoạn 2021-2025 tuyến số 5 đoạn Văn Cao - Hòa Lạc, tuyến số 3 đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai, tuyến Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo; tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi tiếp tục đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt đô thị.
Tưởng hiện đại như thế thì vé cũng phải đắt lắm, ai ngờ đâu giá vé dự kiến lại không thể hợp lý hơn khi đi cả tháng chỉ từ 200.000 đồng, vé ngày không giới hạn số lượt là 30.000 đồng, di chuyển toàn tuyến tối đa là 15.000 đồng/ lượt/ người. Đi quãng đường ngắn nhất là 8.000 đồng/ người. Vé lượt có thể thanh toán bằng tiền mặt hoặc thẻ.
Năm 2017 lần đầu tiên người dân Hà Nội được lên tham quan công trình đường sắt đô thị hiện đại đầu tiên tại Thủ đô, khiến nhiều người vô cùng háo hức.
Đoàn tàu có những lợi thế vượt trội hơn các phương tiện khác như có tốc độ trung bình là 35km/giờ (thiết kế 80km/giờ), thời gian đi từ ga đầu tại Yên Nghĩa đến ga cuối là ga Cát Linh dài 12,5km hết 30 phút, với sức chứa hơn 900 người. Đây là một điều vô cùng vượt trội so với việc di chuyển truyền thống qua các tuyến đường vào giờ cao điểm trên cùng một quãng đường có thể mất tới hàng giờ.
Tuyến đường sắt đô thị hoạt động cũng là một trong những hình ảnh mới, hấp dẫn du khách. Đã có nhiều quán cà phê, studio được mở ra có view nhìn thẳng xuống tuyến đường sắt này được nhiều người quan tâm.
Chí Hiếu
Nguồn: phapluatbandoc.giadinh.net.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC