6h10 sáng.
Trong bộ đồ phòng hộ kín mít, điều dưỡng Nguyễn Thị Phượng mải mê sửa lại tập bệnh án trên tay. Vài giấy tờ mới thêm vào bị rời ra ngoài, Phượng cố gắng dùng băng dính miết lại thật chặt. “Phải dán như vậy để không bị rách. Bệnh nhân này mới chuyển tới đây mấy hôm thôi”, Phượng giơ lên trước mặt một tập bệnh án dày cộp, ước chừng gấp 5,6 lần bệnh án thông thường.
“Đây là đặc thù hồi sức cho bệnh nhân Covid-19 nặng. Chúng tôi phải liên tục theo dõi, đánh giá các chỉ số, làm xét nghiệm, từ đó lên phương án can thiệp, điều chỉnh thuốc, chế độ ăn,… Tất cả đều cần ghi chép lại, bởi vậy mà bệnh án luôn rất dày”, Phượng nói thêm.
“Đi buồng thôi”. Nghe tiếng bác sĩ Toàn vang ngoài hành lang, Phượng nhanh chóng sắp xếp lại giấy tờ, cùng tham gia đi buồng. Kíp trực sáng nay vẫn gồm 2 bác sĩ, 4 điều dưỡng ở Hải Dương và bác sĩ Vương Xuân Toàn, điều dưỡng Bạch Văn Hoàn, chuyên gia hỗ trợ từ Bệnh viện Bạch Mai.
- Bác Đ. co chân lên cháu xem. Bác còn đau không? Bác cố gắng đi lại, đừng nằm nhiều nhé!
- Ông N. tổn thương phổi còn nhiều. Ông cố gắng nhé! Các bạn điều dưỡng cố gắng tập vỗ rung, hỗ trợ hô hấp cho bệnh nhân.
Bác sĩ Toàn động viên người bệnh sau khi thăm khám, xem xét tất cả chỉ số. Sau đó, kíp bác sĩ thảo luận chuyên môn, đưa ra chỉ định can thiệp, chỉ định thuốc và làm xét nghiệm. Các điều dưỡng phối hợp cho thuốc theo chỉ định, theo dõi sát và chăm sóc bệnh nhân.
Những tập bệnh án cứ thế dày thêm nhiều trang.
“Buồn quá. Quê mình lại thêm 1 ca nhiễm”, điều dưỡng Nguyễn Đức Dương chạy lại phía điều dưỡng Phượng, thủ thỉ về tin mới. Dương và Phượng cùng quê huyện Thanh Hà, cùng xa nhà đã 2 tuần nay. Dương vừa cưới vợ được 2 tháng, còn Phượng có hai con nhỏ, đứa út mới 19 tháng tuổi.
Chỉ nghe tiếng nữ điều dưỡng thở dài khe khẽ. Rất nhanh sau đó, họ lại tập trung vào công việc.
Đợt “cao điểm” nhất, Khoa hồi sức tích cực, Bệnh viện dã chiến số 2 Hải Dương cùng lúc điều trị 9 bệnh nhân Covid-19 nặng, trong đó có 4 trường hợp nguy kịch.
“Nếu đợt đó bạn đến phỏng vấn, chúng tôi cũng không thể trả lời câu nào đâu vì luôn chân luôn tay, không có cả thời gian dừng lại’, bác sĩ Vũ Tuấn Anh chia sẻ.
Bệnh nhân Covid-19 nặng đặc thù diễn tiến rất nhanh, chủng SARS-CoV-2 mới có vẻ còn làm cho diễn tiến bệnh nhanh hơn nhiều phần. Áp lực lớn nhất với bác sĩ Tuấn Anh là đánh giá tiên lượng ca bệnh, kịp thời xử trí trong tình huống gấp. Nếu không can thiệp kịp thời, bệnh nhân sẽ có nguy cơ tử vong rất cao.
Trường hợp nặng nhất điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực là ông H., nam bệnh nhân 60 tuổi, chuyển tới từ Trung tâm Y tế Kinh Môn 11h30’ trưa ngày 17/2. Khi nhập viện, người bệnh đã suy hô hấp rất nặng, thở nhanh, oxy trong máu xuống vô cùng thấp, chỉ còn 70% (ở người bình thường, chỉ số này khoảng hơn 95%).
22h đêm cùng ngày, kíp của bác sĩ Tuấn Anh bắt đầu ca trực, được thông tin về tình hình ca bệnh. Đến khoảng 23h30’, ông H. đột ngột tăng khó thở, lơ mơ dần. Bác sĩ Tuấn Anh lúc này đang thay quả lọc để lọc máu cho bệnh nhân, vội cùng kíp trực thiết lập cấp cứu khẩn cấp.
Bác sĩ chỉ định một điều dưỡng tiếp tục thay quả lọc, một người liên tục bóp bóng cung cấp oxy, người tiêm thuốc an thần, giãn cơ để chuẩn bị đặt ống nội khí quản. Không khí căng thẳng tột độ vì đây là trường hợp đầu tiên phải thở máy xâm nhập tại Khoa.
Chuẩn bị xong, bác sĩ Tuấn Anh bắt đầu đặt ống nội khí quản, cho bệnh nhân thở máy. Ngay sau đó, các chuyên gia Bệnh viện Bạch Mai có mặt để hỗ trợ cấp cứu cho bệnh nhân.
Trường hợp này được Bộ Y tế đánh giá nguy kịch, đã tính đến phương án can thiệp ECMO nếu diễn tiến tiếp tục xấu. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực của các y bác sĩ, bệnh nhân sau đó dần hồi phục.
Những ngày có ca bệnh trở nặng là khoảng thời gian vất vả nhất của đội ngũ y bác sĩ. Khi ấy, họ phải theo dõi sát bệnh nhân từng phút. Trong lúc người này làm thủ thuật hoặc chăm sóc bệnh nhân, người kia sẽ đi lại liên tục để không bỏ sót từng diễn biến.
“Nhiều lúc hết ca làm việc, ra nghỉ rồi mới thấy mệt. Trong buồng bệnh, mải làm quá nên không còn cảm giác mệt nữa”, điều dưỡng Phượng thủ thỉ.
Bệnh nhân hồi sức đa số rất yếu, kíp điều dưỡng của Phượng phải chăm sóc toàn diện mọi sinh hoạt cá nhân cho người bệnh, từ vấn đề tắm giặt, gội đầu, cho ăn uống, cho đi vệ sinh, thậm chí những việc nhỏ nhất như cắt móng chân, móng tay. Với những ca phải thở máy, việc nghiêng trở người bệnh để thay ga hay hút đờm trước khi cho ăn cũng là thách thức không nhỏ, đòi hỏi sự cẩn thận.
Nghe loa thông báo đã có đồ ăn trưa cho bệnh nhân, điều dưỡng Phượng nhanh nhẹn xuống sảnh quy định để lấy đồ, đem lên phát cho từng người. Đến nay, các bệnh nhân trong Khoa đa số đã ổn định sức khỏe, có thể tự ăn thay vì phải đặt ống xông hay đút ăn như trước.
“Tôi không ăn. Nay tôi quyết định tuyệt thực. Nói với các y bác sĩ là tôi khỏe rồi mà không cho tôi về, cứ bắt ở đây mãi”, một bệnh nhân 86 tuổi nói giọng giận dỗi, không chịu ăn. Chị Phượng kể, cụ ông vừa có kết quả lần đầu âm tính, nhưng đã xin về mấy hôm nay do nhớ nhà.
“Ông ơi, ông nghe cháu. Bây giờ ông chưa khỏi nên bọn cháu không để ông về được. Ông cố gắng dậy ăn hết chỗ cháo này để nhanh khỏe ông nhé”, điều dưỡng Phượng kiên nhẫn thuyết phục cụ ông. Sau vài chục phút động viên, cụ ông cuối cùng cũng đồng ý ăn chút sữa.
“Vài giờ làm việc liên tục, tấm kính chắn giọt bắn của chúng tôi thường mờ tịt thế này do sự hấp hơi khi đeo khẩu trang N95. Tầm nhìn bị cản trở, các thao tác vì thế cũng gặp khó khăn hơn”, điều dưỡng Bạch Văn Hoàn chỉ cho tôi về tấm kính chắn trước mặt anh.
Điều dưỡng Hoàn và bác sĩ Vương Xuân Toàn là y bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai. Hai chuyên gia được cử về Bệnh viện dã chiến số 2 hỗ trợ đơn vị này điều trị bệnh nhân nặng. Nếu như các y bác sĩ địa phương thay nhau làm việc theo ca 8 tiếng, chuyên gia Bạch Mai có nhiệm vụ trực chiến 24/24, ngoài giờ hành chính, bất cứ lúc nào bệnh viện cần hỗ trợ đều có mặt ngay lập tức.
Điều dưỡng Hoàn chia sẻ, nhân viên y tế trong viện luôn trêu đùa rằng anh rất được quan tâm, vì cả ngày lẫn đêm đều có người gọi video hỏi han. Thực tế, anh là người hướng dẫn các y bác sĩ địa phương mọi vấn đề xử trí về máy móc hay lúng túng khi chăm sóc bệnh nhân. “Đang ăn cơm hay buổi đêm đang ngủ cũng phải vào viện để xử trí là chuyện bình thường”, anh Hoàn nói.
Khi có trường hợp diễn biến đặc biệt, chuyên gia Bạch Mai phải ở lại trực chiến gần như cả ngày. Nếu quá mệt, họ chọn một góc an toàn, cởi đồ bảo hộ để chợp mắt vài ba phút trước khi tiếp tục công việc.
Ông H., bệnh nhân Covid-19 nặng nhất Hải Dương chia sẻ đã rơi nước mắt trong khoảnh khắc tỉnh lại, nghe thấy câu nói của các y bác sĩ: “Bác ơi, bác qua cơn nguy kịch rồi”. Từng vật lộn trong ngưỡng “tranh sáng tranh tối”, thậm chí bị nhiều người lan truyền tin đồn tử vong, ông H. nay đã có thể tự đi lại, tự ăn uống và thoải mái nói chuyện.
“Hôm nay tôi ổn lắm, sáng đi từ giường ra đầu nhà rồi quay về, đi được tận 2 vòng như thế đấy”, ông H. rạng rỡ khoe với các bác sĩ về “thành công to lớn” của bản thân.
“Nhìn bệnh nhân của mình khỏe mạnh trở lại sau quãng thời gian “thập tử nhất sinh” là món quà ngọt ngào nhất với chúng tôi”, điều dưỡng Bạch Văn Hoàn chia sẻ. Anh Hoàn khoe thêm món quà khác, là dòng tin nhắn cảm ơn của một bệnh nhân nặng từng điều trị trong Khoa, nay đã ổn định, có 2 lần âm tính và được chuyển xuống Khoa Nội tiếp tục theo dõi.
12h30’, kíp y bác sĩ bắt đầu chia làm 2 nhóm để thay phiên nhau ăn trưa.
Nhóm của điều dưỡng Phượng, bác sĩ Tuấn Anh và điều dưỡng Dương ăn sau cùng, khi đồng hồ đã điểm quá 13h. Chị Phượng tâm sự, nhiều hôm công việc còn dang dở, các anh chị phải làm thông tới khi kết thúc ca trực mới ăn. “Có những ngày, bữa trưa diễn ra khoảng 15h chiều. Cũng có khi, mệt quá nên tôi về nghỉ luôn, không ăn nữa”, điều dưỡng Phượng chia sẻ.
Sát khuẩn cẩn thận, cởi đồ bảo hộ, nữ điều dưỡng giơ lên đôi tay nhăn nheo như vừa ngâm nước rất lâu. Tình trạng này luôn lặp lại sau mỗi ca làm việc bởi mồ hôi tay khi đeo găng 8 tiếng. Nữ điều dưỡng bảo, nhiều đồng nghiệp của chị còn thường xuyên bị ngứa hoặc tróc da tay do dị ứng với bột trong găng tay cao su.
Bác sĩ Tuấn Anh thì chỉ lên mái tóc, thủ thỉ: “Trước khi đi, tôi đã cắt đầu đinh vì biết ngày về sẽ rất xa, nhưng giờ tóc dài bằng chừng này rồi”. Trên vầng trán, vành tai nam bác sĩ in hằn vết tỳ đè của khẩu trang N95.
14h, các y bác sĩ trong kíp trực buổi chiều có mặt. Kíp của bác sĩ Tuấn Anh, điều dưỡng Phượng bàn giao lại công việc trước khi về lại phòng trọ nghỉ ngơi.
Guồng quay công việc của họ vẫn sẽ tiếp tục như thế, cho tới khi Hải Dương còn bệnh nhân Covid-19 nặng…
Bài và ảnh: Nguyễn Liên
Thiết kế: Nguyễn Huệ
Nguồn: vietnamnet.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC