Ca nhiễm đầu tiên của Việt Nam được phát hiện vào 23/1/2020. Sau một năm với nhiều biến động, Việt Nam ghi nhận 1.548 ca mắc Covid-19, 35 người tử vong. Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định thành tích chống Covid-19 của Việt Nam “độc nhất vô nhị”, vào loại hàng đầu thế giới. Các chuyên gia cho biết thành quả này là công sức tổng hòa của toàn xã hội.
Đại dịch lớn nhất trong 100 năm qua
“Một năm kể từ khi tiếp nhận, điều trị cho 2 cha con người Trung Quốc và cũng là bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên tại Việt Nam, thật khó tưởng tượng rằng đó chính là thời điểm mở màn cho cuộc chiến vô cùng gian nan và phức tạp. Đây có lẽ là một năm đáng nhớ nhất trong cuộc đời hành nghề của y của tôi”, tiến sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), chia sẻ với Zing.
Theo tiến sĩ Hùng, cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam đạt được thành công đáng khích lệ mà nhiều quốc gia trên thế giới ngưỡng mộ.
Hai người đầu tiên nhiễm SARS-CoV-2 tại Việt Nam. Ảnh: Trương Khởi.
Trước tiên, Việt Nam có đợt ra quân quy mô lớn chưa từng có. Sự đoàn kết, chung tay, chung sức, chung lòng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân cùng thực hiện mới có thể đạt hiệu quả này.
Trong nước, tiến sĩ Hùng ấn tượng bởi ATM gạo cùng rất nhiều hình ảnh đẹp về sự sẻ chia của mọi tầng lớp trong xã hội để cùng nhau vượt qua khó khăn. Điều này cho thấy người Việt Nam luôn yêu thương, đùm bọc lẫn nhau.
Bên cạnh đó, sự nhịp nhàng, đồng bộ trong từng giai đoạn phòng, chống dịch cho thấy sự tin tưởng của người dân về đường lối, chính sách của nhà nước.
Với quốc tế, mặc dù có sự giảm sút về kinh tế, Việt Nam là một trong những quốc gia hiếm hoi trên thế giới đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế dương.
“Sự thành công trong công cuộc phòng, chống đại dịch lần này giúp chúng ta nổi bật trong mắt bạn bè quốc tế về một Việt Nam an toàn trong đại dịch và đang trở thành điểm đến lý tưởng cho nhiều công ty đa quốc gia. Điều đó mở ra tương lai tương sáng trong công cuộc phát triển đất nước”, tiến sĩ Hùng nói.
Quân chủng hóa học khử khuẩn đường phố trong đợt bùng phát tại Đà Nẵng. Ảnh: Hoàng Giám.
Nhận định về những điều mà Việt Nam đã làm được trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 trong năm vừa qua, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết chống dịch Covid-19 là cuộc ra trận lớn nhất của toàn xã hội từ trước đến nay trong lịch sử Việt Nam, sau 2 cuộc chiến tranh lớn.
Đợt ra trận này là sự phối hợp của nhiều lực lượng, từ hệ thống chính trị, công an, quân đội, bộ đội biên phòng, các trường đại học y, người dân. Sự phối hợp này từ ý chí quyết tâm, đồng lòng, đoàn kết, hỗ trợ ở nhiều mũi giáp công để có thể đạt được thắng lợi hôm nay.
“100 năm nay chưa có dịch bệnh nào nguy hiểm và lây lan dữ dội như Covid-19. Từ việc ảnh hưởng toàn diện mọi mặt của đời sống, một số nước tiên tiến phải tái áp dụng phong tỏa - biện pháp cuối cùng không ai mong muốn. Thành quả hôm nay của Việt Nam là nỗ lực lao động không ngừng từ đầu năm, thời điểm cập nhật thông tin rời rạc về những ca bệnh đầu tiên ở Vũ Hán (Trung Quốc)”, Thứ trưởng Sơn nói.
Bên cạnh thành quả đạt được, các chuyên gia nhận định Covid-19 để lại nhiều vấn đề đáng suy ngẫm.
Để ngăn chặn dịch, Việt Nam đã phải đổ ra nhiều sức người, sức của. Tốc độ tăng tưởng kinh tế sụt giảm đáng kể, kéo theo những ảnh hưởng to lớn về kinh tế của từng ban, ngành, cơ quan công sở cho tới kinh tế của từng gia đình.
Đặc biệt, công tác điều trị Covid-19 gặp phải không ít khó khăn, thách thức. Trong đó, nốt trầm buồn nhất là nỗi đau khi 35 người tử vong do tình trạng quá nặng.
Thay đổi và thách thức
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh thời gian qua, chúng ta đã trải qua không ít thăng trầm trong cuộc chiến ngăn chặn đại dịch. Hiện tại, Việt Nam có những điểm tựa quan trọng cho giai đoạn mới trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Những điểm tựa này bao gồm nhân lực, kinh nghiệm thực tế về xây dựng khu cách ly, bệnh viện dã chiến, hoàn thiện phác đồ điều trị, đặc biệt là sự chung tay, vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Tiến sĩ Lê Quốc Hùng chia sẻ: “Sau một năm chống dịch, cảm giác của tôi có nhiều đổi khác. Một năm qua là thời gian y bác sĩ, nhân viên y tế chúng tôi tích cực tìm tòi, học tập, trao đổi kinh nghiệm về quản lý, điều trị Covid-19 với đồng nghiệp trong và ngoài nước. Giờ đây, chúng tôi tự tin hơn nhiều so với giai đoạn trước”.
Việt Nam sẵn sàng cho những thách thức mới từ đại dịch. Ảnh: Hoàng Giám.
Ông cho biết sự chung tay hỗ trợ của Nhà nước, toàn xã hội cũng giúp ngành y tế có trong tay nhiều thiết bị hiện đại, phù hợp để phòng, chống dịch và điều trị bệnh. Thời gian qua, Bệnh viện Chợ Rẫy tự xây dựng cho từng chuyên ngành, từng khoa, phòng trong bệnh viện những kịch bản khác nhau để sẵn sàng ứng chiến trong mọi tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh.
“Nhân viên y tế đối diện với dịch bệnh trong tâm thế chủ động. Nó hoàn toàn khác với lúc khởi đầu”, tiến sĩ Hùng nói.
Ngoài ra, chuyên gia này chia sẻ trong năm qua, sau mỗi đợt dịch, ngành y tế lại nhanh chóng rút ra nhiều kinh nghiệm quý báo để thực hiện việc phòng, chống dịch ngày càng hiệu quả hơn.
Đến nay, Bộ Y tế đã chỉnh sửa, bổ sung 6 lần về quy trình phòng, chống và điều trị bệnh Covid-19. Bên cạnh đó, các ban, ngành, đoàn thể khác trong toàn xã hội cũng hiểu rõ vai trò của mình và xây dựng những chiến lược hỗ trợ tối đa cho ngành y tế, hoàn thành nhiệm vụ ngăn chặn đại dịch quy mô trên toàn quốc.
Một năm sau đại dịch, Covid-19 vẫn hoành hành khắp thế giới và diễn biến vô cùng nặng nề, phức tạp. Số bệnh nhân nhiễm mới ngày càng gia tăng. Khi khởi đầu vụ dịch, thế giới mất 3 tháng để có một triệu ca bệnh. Hiện nay, cứ 2-3 ngày, chúng ta đã có thêm một triệu ca mắc mới.
Bên cạnh đó, việc virus biến đổi tạo những chủng siêu lây nhiễm đặt ra nhiều thách thức cho thế giới trong việc ngăn chặn, kiểm soát đại dịch. Điều này đòi hỏi Việt Nam cần thay đổi nhiều hơn để kịp thời ứng phó thách thức mới.
Bích Huệ
Nguồn: zingnews.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC