Mấy ngày nay dù trời rét đậm, rét hại, nhưng anh Lương vẫn cố gắng dậy thật sớm để đón được nhiều khách. Đeo bao tay, mặc nhiều lớp áo, kín đầu và cổ, anh vẫn cảm nhận rõ cái lạnh cắt da cắt thịt. Chở khách rong ruổi khắp Hà Nội, anh nói, vất vả thế đấy bù lại còn có đồng ra đồng vào, không như công việc trước đây của anh.
Ba tháng trước, anh Lê Minh Lương (27 tuổi) là giáo viên dạy tiểu học, gõ cửa phòng hiệu trưởng xin cho thôi hợp đồng. Hiệu trưởng động viên, nói anh Lương chờ một năm nữa biết đâu vào được biên chế. Anh nghỉ trường cũng tiếc vì anh có chuyên môn lại hiền lành.
Anh Lương nói như khóc: “Xin thầy cho em nghỉ. Lương thấp quá, em chịu hết nổi rồi”. Thầy hiệu trưởng ái ngại nhìn anh. Thầy hiểu lý do vì sao anh quyết định vậy nên dù không đành lòng nhưng cũng phải ký giấy để anh nghỉ.
Ra khỏi phòng họp, anh ngắm nhìn ngôi trường lần nữa. Anh thở dài và thề với lòng mình không bao giờ đi dạy. Như trút được gánh nặng bấy lâu, anh vui vẻ xuống lớp chào tạm biệt học trò.
Những đứa trẻ mắt tròn xoe nhìn thầy. Một vài đứa có ý hỏi vì sao thầy lại xin nghỉ?
Anh không nói gì, chỉ cười nhưng trong lòng có chút tiếc nuối bởi dù gì đây cũng là cả thanh xuân của anh. Thời gian sau, người dân trong xóm không còn thấy hình ảnh thầy Lương đẹp trai mặc sơ mi trắng đi dạy. Thi thoảng có người vào nội thành, họ thấy bóng dáng anh mặc đồng phục Grab đứng đón khách hoặc đi ship hàng.
Bỏ nghề dạy, công việc đầu tiên anh nghĩ đến đó là đi chạy xe ôm Grab. Tuy thu nhập từ công việc này không cao nhưng cũng gấp 10 lần mức lương anh từng nhận khi là giáo viên.
Để đưa ra quyết định từ bỏ nghề giáo, anh nhiều đêm mất ăn mất ngủ. Bởi từ nhỏ, anh đã ước mơ trở thành giáo viên. Mỗi ngày đi học, anh ao ước một ngày nào đó sẽ được đứng trên bục giảng như thầy cô đang giảng bài cho mình.
18 tuổi, bỏ qua nhiều lời khuyên ngăn của gia đình, Lương thi vào trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây. Năm 2016, anh tốt nghiệp với tấm bằng giỏi, xin về dạy tiểu học tại ngôi trường gần nhà.
Anh nhận lương 1,3 triệu đồng. Anh rất vui vì đó là tháng lương đầu tiên nhưng trăn trở phải sống thế nào trong tháng tiếp theo.
Từ ngày trở thành giáo viên hợp đồng, anh hạn chế mọi cuộc vui với bạn bè vì không có tiền. Bố mẹ thấy anh như vậy cũng sốt ruột. Họ từng hy vọng anh có thu nhập tốt hơn để còn tính chuyện dựng vợ, gả chồng.
Nhiều đêm thức trắng để hoàn thành sổ sách, giáo án, anh nghĩ đời dạy học của mình sẽ đi về đâu? Trong lứa sinh viên tốt nghiệp cùng anh chỉ có 4 người theo nghề, mà thu nhập của họ cũng chẳng khá hơn anh là mấy.
Đôi khi thấy bạn bè đồng trang lứa xây được nhà, mua được xe anh thấy chạnh lòng. Khổ nhất là những tháng nhiều đám cưới xin, tiền lương chẳng thấm vào đâu. Mới lấy lương hôm trước, hôm sau anh rỗng túi. Chẳng còn cách nào khác, anh phải ngửa tay xin tiền bố mẹ. Nghĩ lại cảnh này, anh chua xót: “Nó đau và nhục lắm. Mình được học hành tử tế, đàng hoàng mà đi làm vẫn phải xin tiền bố mẹ”.
Thầy giáo trẻ bỏ nghề đi chạy xe ôm. (Ảnh:V.N)
Sau lần đó, anh đi làm thêm để có thu nhập. Có thời điểm anh xin phụ hồ vì lương phu hồ một tuần bằng lương của anh một tháng. Thi thoảng khi đi làm công trình anh còn gặp phụ huynh, học sinh. Thời gian đầu anh cũng ngại nhưng sau thành quen. Gặp đồng nghiệp, học sinh đi ngang qua, anh cười và chào rõ to.
Được cái tính anh hiền lành và có chuyên môn nên cả trường yêu mến. Đó cũng là lý do khiến anh quyết định gắn bó với nghề giáo viên thêm 4 năm nữa.
Dù lương thấp, vất vả nhưng anh vẫn kể về nghề đầy hăng say và tự hào. Anh cho rằng giáo viên là nghề cao quý. Bởi đằng sau mỗi người thầy là nhiều thế hệ học sinh. Các em luôn muốn trở thành những hình ảnh đẹp đẽ của thầy cô trên bục giảng. Duy chỉ có điều anh cảm thấy không hài lòng là mức lương của giáo viên khi mới ra trường quá thấp, không sống nổi.
Anh Lương hạnh phúc với công việc mới. (Ảnh:V.N)
Gắn bó với nghề được 4 năm. Một khoảng thời gian không dài cũng không ngắn giúp anh hiểu nỗi vất vả truân chuyên của nghề này. Ngôi trường cũ có tất cả 12 giáo viên hợp đồng. Người trẻ thì đi dạy 1 năm. Người thâm niên gắn bó 15, 16 năm. Tất cả đều nhận mức lương trên dưới 1 triệu đồng. Có thầy cô thậm chí chỉ được mời thỉnh giảng 20.000 đồng/ tiết.
Tổng kết lại quãng đời đi dạy, anh Lương cho rằng đó là kỷ niệm đẹp nhưng buồn. “Đừng gọi tôi là thầy giáo vì đấy là chuyện cũ rồi. Mặc dù không biết vài năm nữa tôi có đi lạy trở lại không nhưng tôi luôn tự hào vì 4 năm được đứng trên bục giảng”, anh cười nói.
Nguồn: VTC
© 2024 | Thời báo ĐỨC