Giá vé tàu điện Cát Linh-Hà Đông: 8.000 - 15.000 đồng/lượt

Vé tháng đối với nhóm hành khách thông thường là 200.000 đồng/tháng và 100.000 đồng/tháng đối với nhóm khách thuộc đối tượng ưu tiên.

HĐND TP Hà Nội đã thông qua phương án giá vé dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông để áp dụng, khi được phép khai thác thương mại.

Báo Kinh tế&Đô thị dẫn thông tin từ Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) cho biết, vé được chia thành nhiều loại khác nhau như: Vé tháng, vé ngày, vé lượt.

132 1 Gia Ve Tau Dien Cat Linh Ha Dong 8000   15000 Dongluot

Tàu Cát Linh - Hà Đông sẽ kết thúc 20 ngày chạy thử vào 31/12. Ảnh: TTXVN

Cụ thể, vé tháng có giá trị sử dụng 30 ngày kể từ ngày mua với 2 mức là 100.000 đồng/tháng (nhóm hành khách thuộc đối tượng ưu tiên theo quy định của TP) và 200.000 đồng/tháng (nhóm hành khách thông thường);

Vé ngày (30.000 đồng/vé, loại vé này không hạn chế số lần sử dụng dịch vụ trong một ngày);

Vé lượt tính theo chặng sử dụng, dao động từ 8.000 - 15.000 đồng/lượt tùy theo chặng. Trong đó, 7.000 đồng là giá mở cửa cộng thêm 600 đồng cho mỗi km tiếp theo; 15.000 đồng là giá vé toàn tuyến.

Trước đó, trao đổi báo chí, lãnh đạo Hanoi Metro cho biết, giá vé tàu Cát Linh-Hà Đông được TP Hà Nội trợ giá nên phù hợp với thu nhập người dân. Việc xây dựng chính sách giá vé đã được Hà Nội chuẩn bị trong vòng ba năm, có sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước.

Hanoi Metro đã từng khảo sát hơn 1.500 người dân sống gần tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông, kết quả đa số ý kiến chấp thuận giá vé đường sắt đô thị cao hơn giá vé xe buýt từ 30-37%; giá vé tháng cao hơn 15-20%.

Về vấn đề kết nối, báo Thanh niên dẫn thông tin từ Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.Hà Nội cho biết, có 50 tuyến buýt được lên kế hoạch để trung chuyển khách đi tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông và lên các kịch bản kết nối giữa các tuyến buýt hiện hữu với đường sắt đô thị trên cao.

Hà Nội cũng sẽ nghiên cứu bổ sung các điểm dừng xe buýt, phát triển thêm các điểm trung chuyển, tổ chức dịch vụ xe đạp công cộng… nhằm bảo đảm năng lực tổ chức kết nối với đường sắt đô thị để thu hút người dân dùng vận tải công cộng.

Sở GTVT cũng đề xuất thực hiện bổ sung 17 điểm dừng xe buýt, di chuyển 9 điểm dừng xe buýt trên dọc lộ trình tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Sau khi tổ chức lại, toàn tuyến có tổng số 65 điểm dừng (2 chiều) với cự ly bình quân giữa các điểm dừng khoảng 400m..., tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận dịch vụ dễ dàng.

Ngoài ra, Sở GTVT cũng đã tính toán đến phương án cần phải bố trí khu vực tổ chức dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy để hành khách gửi xe chuyển sang sử dụng đường sắt đô thị này.

Minh Thái (Tổng hợp)

Nguồn: baodatviet.vn


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày