Ổ dịch Hải Dương lây lan nhanh, mạnh, phức tạp hơn Đà Nẵng
Báo cáo chi tiết các ca lây nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng tại Hải Dương và Quảng Ninh, Bộ Trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trường hợp mắc Covid-19 ở Hải Dương được phát hiện ngày 27/1 sau khi Bộ Y tế được nhận thông tin từ phía Nhật Bản về ca mắc nhập cảnh vào Osaka.
Giải trình tự gene đã xác định đây là chủng mới virus SARS-CoV-2 tại Anh xuất hiện từ cuối năm 2020, với khả năng lây lan 70%.
Cụ thể, tại ổ dịch Hải Dương, trong 138 trường hợp được lấy mẫu, xét nghiệm đêm 27/1, đã có 72 ca dương tính. Đây là những trường hợp tiếp xúc gần, làm cùng phân xưởng, cùng nơi ở với bệnh nhân 1552.
Bộ trưởng Y tế cũng báo cáo thông tin, theo phán đoán dịch có thể xuất hiện, khởi phát tại Hải Dương vào khoảng ngày 14-15/1.
Ngay từ trưa 27/1, Bộ Y tế đã cử ngay các đoàn công tác gồm lãnh đạo và chuyên gia chống dịch của 3 đơn vị, bao gồm Cục Y tế dự phòng, Cục Quản lý Môi trường y tế và Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương tới Hải Dương hỗ trợ địa phương triển khai điều tra, giám sát dịch tễ và các biện pháp khẩn cấp đáp ứng phòng, chống dịch.
Bộ Y tế và tỉnh đã lập tức vào cuộc thần tốc. Sau đêm 27 đến sáng 28/1, các lực lượng y tế và lực lượng chức năng đã khoang vùng, xác định các đối tượng lấy mẫu. Xác định đây là biến chủng virus, với tốc độ lây lan nhanh, nên mức độ khoanh vùng, truy vết và lấy mẫu được tiến hành rộng hơn và mạnh hơn. Bộ Y tế đã cử gần như toàn lực xuống hỗ trợ Chí Linh, Hải Dương, tương tự như cuộc chi viện cho Đà Nẵng.
Như vậy, đến thời điểm này, Bộ Y tế đã điều động một lực lượng lớn để khoanh vùng, cách ly, truy vết thần tốc và dập dịch trên diện rộng. 5 đoàn công tác, trong đó có đội "ứng cứu" của bệnh viện Bạch Mai đã được đưa xuống địa bàn.
Tại khu nhà máy POYUN (có địa chỉ thường trú tại Kim Điền, xã Hưng Đạo, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương), nơi bệnh nhân 1552 làm việc, lực lượng chống dịch đã lấy 2.340 mẫu để xét nghiệm vì xác định khả năng dịch lây lan trong khu công nhân và cộng đồng dân cư rất lớn. Toàn bộ công nhân viên nhà máy POYUN đã được cách ly tập trung, nhà máy và khu vực lân cận được phong tỏa tuyệt đối.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cập nhật những thông tin mới liên quan đến chùm ca bệnh Covid-19 mới phát hiện trong cộng đồng.
Theo đề xuất của Bộ Y tế, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch bệnh, chiều 28/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã ký ban hành chỉ thị phong tỏa toàn bộ thành phố Chí Linh, Hải Dương. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 nhấn mạnh, hướng xử lý với ổ dịch tại đây áp dụng như với Đà Nẵng trong lần bùng phát dịch hồi tháng 7, tháng 8/2020 nhưng làm nhanh hơn, mạnh hơn.
Nhận định chung, tình hình dịch tại Hải Dương lây lan nhanh và mạnh hơn, thậm chí phức tạp hơn tại Đà Nẵng nên yêu cầu đặt ra là phải dồn lực dập dịch.
Việc giãn cách xã hội thực hiện giữa xã/phương với xã/phương, thôn xóm với thôn xóm, gia đình với gia đình. Người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà (trong những trường hợp thực sự cần thiết như đi khám chữa bệnh, mua thuốc men, thực phẩm…). Mọi hoạt động vui chơi, giải trí, tập trung đông người phải tạm dừng, các cơ sở kinh doanh dịch vụ như quán bar, nhà hàng, karaoke… phải đóng cửa.
Phương án lập bệnh viện dã chiến tại Hải Dương cũng đã được tính đến, để đảm bảo năng lực điều trị cho các bệnh nhân tại chỗ, chỉ trường hợp bệnh nặng, diễn biến phức tạp mới chuyển tới Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.
Dừng đón các chuyến bay từ nước ngoài về Việt Nam
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề xuất tạm dừng các chuyến bay từ nước ngoài về Việt Nam.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cảnh báo, tình hình dịch diễn biến nhanh, nghiêm trọng cho thấy dịch bệnh có thể không chỉ "khuông" trong địa bàn Hải Dương và Quảng Ninh. Phó Thủ tướng đề nghị truy vết, khoanh vùng trên diện rộng, trước hết là truy về những người từ ổ dịch đến các địa phương khác, thực hiện giãn cách xã hội cũng phải cao hơn "chuẩn".
Phó Thủ tướng cũng lưu ý tiếp tục kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh, đề xuất dừng các chuyến bay quốc tế, nhưng phải tính toán có kế hoạch.
Ngoài ra, tất cả các bệnh viện trong thời điểm này phải rà soát lại năng lực phòng chống dịch. Không chỉ Hải Dương, Quảng Ninh mà các địa phương đều phải khởi động lại quy trình phòng chống dịch, tăng cường trang thiết bị y tế chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.
Tán thành quan điểm này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng, với các chuyến bay từ nước ngoài về, dù một số đã được lên kế hoạch nhưng cũng cần cân nhắc việc dừng ngay. Những chuyến bay đã có "lịch" trong tuần này có thể thực hiện nốt, nhưng nên điều hướng về các tỉnh phía Nam và tổ chức kiểm soát thật chặt chẽ.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 chốt lại tinh thần, tổ chức đón nốt những chuyến bay đã lên kế hoạch, sau đó dừng hẳn hoạt động bay đưa người từ nước ngoài về Việt Nam. Mở rộng diện xét nghiệp tới các trường hợp F3. Kích hoạt lại kịch bản ứng phó với tình huống có hàng chục nghìn người nhiễm bệnh.
Theo Dân trí
© 2024 | Thời báo ĐỨC