Bỏ tiền tỷ đi du học nhưng hàng chục nghìn văn bằng quốc tế không được Việt Nam công nhận

 Nhiều gia đình đã đưa con em mình đi du học ở các trường chất lượng không đảm bảo, không được cơ quan giáo dục ở nước sở tại cấp giấy chứng nhận kiểm định.

Cùng với sự hội nhập và phát triển của đất nước, ngày càng có nhiều người lựa chọn cho mình con đường du học để mở mang kiến thức. Thực tế, nhu cầu này rất chính đáng bởi khi ra với thế giới, các em học được những điều văn minh, những tiến bộ của các nước phát triển.

Tuy nhiên, bản thân việc du học cũng tiềm ẩn những rủi ro mà có thể người học chưa biết đó là hàng chục nghìn văn bằng quốc tế không được Việt Nam công nhận mặc dù người học mất chi phí rất lớn để sở hữu tấm bằng đó. Đây là thông tin từ Trung tâm công nhận văn bằng, Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và đào tạo.

Cục Quản lý chất lượng cho biết, do thiếu thông tin hoặc thậm chí bị lừa, không ít gia đình đã đưa con em mình đi du học ở các trường chất lượng không đảm bảo, không được cơ quan giáo dục ở nước sở tại cấp giấy chứng nhận kiểm định.

Cục Quản lý chất lượng cũng phát hiện không ít trường hợp đến xin được công nhận văn bằng quốc tế nhưng khi kiểm tra thông tin thì lại là bằng giả. Điều đáng lo ngại là những bằng này có thể mua dễ dàng ngay trên.

Bỏ tiền tỷ đi du học nhưng hàng chục nghìn văn bằng quốc tế không được Việt Nam công nhận - 0

Du học sinh khi về nước làm việc, đặc biệt là trong khu vực Nhà nước, cần phải gửi bản sao văn bằng có công chứng, bản gốc bảng điểm để Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (nay là Cục Quản lý Chất lượng), Bộ GGD&ĐT để xin giấy công nhận văn bằng. (Ảnh: Zing)

Được biết, việc công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp hiện nay được thực hiện theo quyết định số 77/2007/QĐ-BGDĐT (do Bộ GD-ĐT ban hành ngày 20.12.2007) và Thông tư số 26/2013/TT-BGDĐT (cũng của Bộ GD-ĐT, ban hành ngày 15.7.2013) sửa đổi, bổ sung một số điều của quyết định 77.

Theo đó, văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được công nhận trong các trường hợp:

  • Văn bằng được cấp bởi cơ sở giáo dục nước ngoài đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, thực hiện hoạt động giáo dục theo quy định trong giấy phép và được tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của Việt Nam, hoặc nước ngoài công nhận về chất lượng.
  • Văn bằng được cấp bởi cơ sở giáo dục nước ngoài thuộc phạm vi áp dụng của Hiệp định về tương đương văn bằng hoặc công nhận lẫn nhau về văn bằng hoặc Điều ước quốc tế có liên quan đến văn bằng mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc là thành viên (người có văn bằng thuộc trường hợp này không phải làm thủ tục công nhận văn bằng)
  • Văn bằng được cấp bởi các cơ sở giáo dục phổ thông, trường trung cấp chuyên nghiệp, cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài mà các chương trình giáo dục đã được cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục của nước đó công nhận hoặc được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước đó cho phép thành lập và được phép cấp bằng.
  • Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người học theo hình thức học từ xa chỉ được công nhận khi các chương trình giáo dục từ xa để cấp văn bằng đã được cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục công nhận và được Bộ GD-ĐT Việt Nam cho phép đào tạo hoặc liên kết đào tạo tại Việt Nam.

Bộ GD&ĐT không bắt buộc tất cả mọi công dân Việt Nam có văn bằng do nước ngoài cấp phải làm thủ tục công nhận văn bằng.

Việc làm thủ tục đề nghị công nhận văn bằng là do từng cá nhân có nhu cầu thực hiện, trên cơ sở yêu cầu của cơ quan sử dụng lao động. Có nhiều trường hợp, chính cơ quan sử dụng lao động, hoặc các cơ quan chức năng, sẽ đứng ra đề nghị với những trường hợp cần xác minh.

Theo ĐKN

 


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày