6 điểm nhấn thị trường ôtô Việt Nam năm 2020

Thị trường ôtô Việt Nam đã có nhiều biến động năm 2020, hãy cùng nhìn lại 6 điểm nhấn nổi bật nhất trong số đó.  

Có thể nói, thị trường ôtô Việt Nam chưa bao giờ bước qua giai đoạn nào nhiều biến động như năm 2020. Dù đã có hàng loạt vấn đề xảy ra nhưng điều đó cũng kéo theo những cách giải quyết hợp lý, phần nào giúp cho doanh số xe cuối năm không quá thảm hại.

"Bóng ma" COVID-19 ảm ảnh thị trường

Có thể nói, dịch COVID-19 đã có ảnh hưởng sâu rộng đến toàn bộ nền kinh tế nước ta trong năm 2020 vừa qua. Thị trường ôtô cũng không nằm ngoài phạm vi tác động, gây nên những hệ quả nặng nề, trước hết về doanh số bán xe trong những tháng dịch.

Tháng 4 – tháng thực hiện giãn cách xã hội - được coi là thời điểm thị trường ôtô chịu tác động mạnh nhất từ dịch COVID-19. Theo báo cáo của Hiệp hội các Nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số ôtô bán ra trong tháng này chỉ đạt 11.761 chiếc, giảm 39% so với tháng trước đó và 44% so với cùng kỳ năm 2019.

Đồng cảnh ngộ, số lượng xe tính từ đầu năm 2020 đến hết tháng 4 chỉ đạt con số 64.100 chiếc bán ra, giảm 36% so với cùng kì năm 2019. Quãng thời gian này cực kỳ khó khăn dành cho các nhà sản xuất tại Việt Nam, dù chỉ vài tháng trước đó, họ vẫn "ăn nên làm ra" với mức tăng trưởng rất tốt.

132 1 6 Diem Nhan Thi Truong Oto Viet Nam Nam 2020

Thị trường ôtô bị ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19.

Theo VAMA, nhiều hãng xe tại Việt Nam đều ghi nhận mức tăng trưởng âm sau 4 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước đó, điển hình như: Ford (- 53%), Honda (- 41%) Thaco (- 34%), Toyota (- 29%)...

Trong khi đó, do khó khăn gây ra bởi dịch COVID-19, nguồn thu nhập của người tiêu dùng Việt Nam cũng không ổn định. Điều này đã khiến nhiều người phải tiết kiệm chi tiêu hơn mọi năm, hạn chế mua sắm những đồ giá trị lớn, đặc biệt là ôtô.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng đến tài chính rất nhiều, khiến họ phải xoay vòng vốn tốt hơn, không có điều kiện mua ôtô để phục vụ cho công việc như những năm trước đây.

Ảnh hưởng từ dịch COVID-19 vẫn còn khá lớn. Tính đến hết tháng 11/2020, doanh số ôtô toàn thị trường Việt Nam mới chỉ đạt 248.768 chiếc, thấp hơn 14% so với cùng kì năm 2019, khó lòng đạt được mức 300.000 chiếc.

Nhiều nhà máy ngừng sản xuất

Sẽ khó có sự kiện nào khiến nhiều nhà máy sản xuất ôtô phải đồng loạt tạm dừng dây chuyền hoạt động trong thời gian dài như năm 2020. Vào thời điểm dịch COVID-19 có những tác động mạnh nhất, Chính phủ Việt Nam đã ban hành chỉ thị đặc biệt về "giãn cách xã hội", hầu hết các hãng xe đã hưởng ứng bằng cách ngừng sản xuất tại các nhà máy lắp ráp ở nước ta.

Theo đó, Ford và Toyota là các hãng đầu tiên thông báo dừng sản xuất tại các nhà máy Hải Dương và Vĩnh Phúc lần lượt từ các ngày 26/3 và 30/3. Sau đó, đến ngày 31/3, liên tiếp TC Motor (với nhà máy lắp ráp ôtô Hyundai) và Honda Việt Nam (ôtô và xe máy) đã chính thức thông báo dừng hoạt động sản xuất từ ngày 1/4 và dự kiến đến hết ngày 15/4.

132 2 6 Diem Nhan Thi Truong Oto Viet Nam Nam 2020

Nhiều nhà máy dừng hoạt động trong tháng 4.

Hưởng ứng chỉ thị của chính phủ, các nhà máy của những hãng xe khác như: Yamaha, Mercedes-Benz, Nissan…cũng đều thông báo sẽ đóng cửa tạm thời trong khoảng thời gian trên hoặc đến khi có chỉ thị tiếp theo.

Trong dịp này, hãng xe nội địa của Việt Nam - VinFast - cũng quyết định dừng các dây chuyền sản xuất hàng ngày để triển khai nghiên cứu và chế tạo máy thở và máy đo thân nhiệt nhằm hỗ trợ cho công tác chống dịch của nước ta.

Việc tạm dừng dây chuyền sản xuất trong thời gian dài (hơn nửa tháng) chắc chắn có những ảnh hưởng không nhỏ đến tài chính, nhân sự,…của nhiều hãng xe ở Việt Nam. Tuy nhiên, điều này khó tránh khỏi khi cả nước đang đồng lòng thực hiện chủ trương chống dịch COVID-19 của chính phủ.

Hủy bỏ các triển lãm ôtô

Không chỉ khiến các nhà máy phải tạm dừng hoạt động, dịch COVID-19 còn gây ra nhiều ảnh hưởng khác, điển hình là việc các triển lãm ôtô phải hủy bỏ trong năm vừa qua.

Vào đầu năm 2020, ban tổ chức triển lãm ôtô lớn thứ hai tại Việt Nam - Vietnam AutoExpo 2020 - đã thông báo tạm dừng triển lãm vốn phải diễn ra vào tháng 5 năm nay, trong điều kiện làn sóng thứ hai của dịch COVID-19 vừa cơ bản được kiểm soát.

132 3 6 Diem Nhan Thi Truong Oto Viet Nam Nam 2020

Năm 2020 không diễn ra triển lãm ôtô nào tại Việt Nam.

Tiếp theo, đến tháng 8, triển lãm ôtô Việt Nam (Vietnam Motor Show) cũng được thông báo sẽ hoãn lại trong năm nay. Theo kế hoạch trước đó, sự kiện diễn ra tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC) sẽ có sự quy tụ của 15 thương hiệu. Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ dịch, nhiều nhà sản xuất đã lần lượt rút khỏi triển lãm, dẫn đến quyết định cuối cùng của đơn vị tổ chức - Liên danh Atfa - Vinalink.

Trong khi đó, nhiều hãng xe có ý định giới thiệu sản phẩm mới trong khuôn khổ các triển lãm này đã chuyển sang hình thức ra mắt trực tuyến, với đại diện điển hình như BMW, Audi, Mercedes-Benz, Honda. Đây cũng là cách hiệu quả nhất để truyền tải thông tin về sản phẩm mới đến người tiêu dùng trong mùa dịch.

Chính sách hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ cho ôtô

Nhằm kích thích tiêu dùng trong nước và hỗ trợ các doanh nghiệp trong giai đoạn dịch COVID-19 đang có nhiều ảnh hưởng, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 70/2020/NĐ-CP vào ngày 28/6, trong đó có quy định giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Chính sách này có tác dụng như một "ưu đại" dành cho toàn bộ các dòng xe lắp ráp nội địa, đặc biệt là ôtô dưới 9 chỗ ngồi. Trước đây, lệ phí trước bạ đăng ký cho loại ôtô này nằm ở mức 10% cho hầu hết các tỉnh, thành ở Việt Nam và cao nhất ở một số nơi như Hà Nội với 12%. Sau khi áp dụng mức thu mới, khách hàng sẽ tiết kiệm được hàng chục đến hàng trăm triệu đồng.

132 4 6 Diem Nhan Thi Truong Oto Viet Nam Nam 2020

Ôtô lắp ráp trong nước được giảm 50% lệ phí trước bạ.

Không những chỉ có tác động tới ôtô "nội", chính sách này còn khiến nhiều hãng chuyên nhập khẩu phải tăng cường ưu đãi hoặc hỗ trợ lệ phí trước bạ cho khách hàng để cạnh tranh tốt hơn với những sản phảm lắp ráp trong nước.

Cùng nhờ chính sách này, doanh số xe lắp ráp tại Việt Nam đã đạt 157.721 chiếc sau 11 tháng đầu năm 2020, chỉ giảm 7% so với cùng kỳ năm 2019, trong khi ôtô nhập khẩu mới bán ra được 91.047 chiếc bán ra cùng thời điểm, giảm 24% so với cùng kỳ.

Ôtô mới đồng loạt cập bến thị trường

Việc Việt Nam cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19 đã giúp thị trường trong nước trở nên màu mỡ, một nơi khai thác tốt cho các nhà sản xuất nhằm cứu vãn năm 2020. Cùng với đó, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước đã kéo nhiều mẫu xe về với Việt Nam hơn.

Kể từ đầu năm, nhiều hãng xe đã giới thiệu các sản phẩm mới của mình theo hình thức trực tuyến như BMW, Audi,...với nhiều mẫu ôtô nhập khẩu.

132 5 6 Diem Nhan Thi Truong Oto Viet Nam Nam 2020

Peugeot 2008 lần đầu ra mắt thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, giai đoạn nửa cuối năm 2020 chứng kiến sự bùng nổ khi nhiều mẫu xe hoàn toàn mới, các tân binh lần đầu xuất hiện ồ ạt tại thị trường Việt Nam và rất nhiều trong số đó được lắp ráp trong nước như: Kia Seltos, Peugeot 2008,...và nhiều mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc: MG HS, MG ZS, Toyota Corolla Cross,...

Trong khi đó, Toyota tích cực tung ra loạt xe mới, được nâng cấp từ những mẫu đã có trước đó như: Fortuner, Innova, Hilux, Wigo; cùng với đó là nhiều phiên bản nâng cấp và thế hệ mới của các hãng khác: Honda CR-V, Honda City thế hệ mới, Ford EcoSport, Hyundai Accent, Mitsubishi Pajero Sport, Porsche Taycan, Suzuki XL7, Mercedes GLB, Land Rover Defender....

Nhiều hãng xe quay trở lại Việt Nam

Năm 2020 cũng đánh dấu sự xuất hiện trở lại của nhiều hãng xe, đồng thời cũng có những cuộc chuyển giao thương hiệu tại thị trường Việt Nam.

Theo đó, MG, Renault và Jeep là các thương hiệu đã trở lại Việt Nam sau giai đoạn kinh doanh không tốt trong quá khứ với các nhà phân phối trước đây. So với hai hãng còn lại, Jeep dường như tập trung vào thị trường ngách ở Việt Nam trong lần tái xuất này với những sản phẩm khá đặc trưng của mình với giá cao, tập trung vào các nhu cầu off-road của tập khách hàng nhất định.

132 6 6 Diem Nhan Thi Truong Oto Viet Nam Nam 2020

MG trở lại thị trường Việt Nam với hai mẫu HS và ZS.

Mặt khác, MG với nhà phân phối Tan Chong, đã có kinh nghiệm lâu năm tại Việt Nam và hệ thống đại lý đang dần mở rộng, dự kiến sẽ có khả năng cạnh tranh mạnh sau khi tung ra thị trường hai mẫu crossover phù hợp với thị hiếu chúng của người tiêu dùng hiện này. Ngoài ra, Tan Chong cũng có kế hoạch sẽ chính thức lắp ráp các ôtô MG tại nhà máy ở Đà Nẵng trong năm 2021, điều này sẽ giúp hãng tự chủ được nguồn cung.

Renault chưa chính thức thông báo trên truyền thông về việc quay lại nhưng nhiều đại lý của hãng xe đang âm thầm bán ra hai mẫu Arkana và Captur. Nhà phân phối của thương hiệu này là cái tên quen thuộc đang chính thức bán ôtô Lamborghini, Bentley và Aston Martin tại Việt Nam.

Trong khi đó, hai cái tên Nissan và Rolls-Royce đã chuyển sang nhà phân phối mới trong năm 2020. Đối với Nissan, ngay sau khi kết thúc hợp tác cùng Tan Chong, hãng đã chuyển sang bắt tay với công ty VAD để lắp ráp và kinh doanh các dòng xe tại Việt Nam. Rolls-Royce cũng tìm được đối tác S&S Group - chuyên phân phối hàng xa xỉ - để tiếp tục "viết câu chuyện" ở nước ta.

Kỳ Huệ

Nguồn: tienphong.vn


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày