Theo phản ánh của bà Bùi Thị Yến Phi qua Cổng TTĐT Chính phủ, bà Phi là thực tập sinh tại Nhật Bản, đã hoàn thành hợp đồng 3 năm vào ngày 26/6/2020, đến nay đã hết hạn visa nhưng vẫn chưa được về Việt Nam.
Tình trạng sức khoẻ hiện giờ của bà không được tốt, bị sưng phù toàn thân, đã đi khám điều trị ở bệnh viện nhưng vẫn không hết. Ở Việt Nam, bà còn có 3 con nhỏ. Bà Phi đề nghị cơ quan chức năng xem xét giải quyết cho bà sớm được trở về Việt Nam với gia đình và để chữa bệnh.
Bà Huỳnh Thị Hoài Thương (Trà Vinh) cũng là một thực tập sinh tại Nhật Bản. Do dịch Covid-19, bà bị kẹt lại Nhật Bản đến nay đã gần một năm. Nơi bà Thương ở không thuận tiện, không có phương tiện đi lại nên khó khăn trong việc tiếp cận các chuyến bay giải cứu.
Bà Thương đề nghị cơ quan chức năng xem xét, có thêm nhiều biện pháp xử lý để những người Việt Nam đang gặp khó khăn như bà sớm được về nước.
Về vấn đề này, Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao có ý kiến như sau:
Theo chỉ đạo của các cơ quan chức năng trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19, các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài sẽ là đầu mối lên danh sách những công dân có quốc tịch Việt Nam đang ở nước ngoài có nguyện vọng về nước, phân loại theo thứ tự được ưu tiên và gửi về trong nước để trình các cơ quan liên quan đề nghị thu xếp máy bay Việt Nam sang đưa công dân về nước (công dân tự trả tiền vé máy bay) hoặc tư vấn lựa chọn chuyến bay thương mại thích hợp nếu có thể thu xếp được. Trường hợp chưa thu xếp được ngay chuyến bay, cơ quan đại diện có thể đề nghị nước Bạn hỗ trợ cho phép công dân Việt Nam được gia hạn thị thực…
Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao xin chia sẻ với hoàn cảnh của công dân hiện nay. Cục Lãnh sự đang lên kế hoạch tổ chức các chuyến bay đón công dân trên các nước trên thế giới đợt tiếp theo. Công dân theo dõi phương tiện thông tin đại chúng và đăng ký với cơ quan đại diện nơi có chuyến bay gần các nước mà công dân đang sinh sống nhất và từ đó có thể bắt chuyến bay sang nước đó (chú ý tìm hiểu chính sách của nước bay đến xem có bị cách ly không) và đăng ký với Đại sứ quán để họ tập hợp danh sách về nước.
Hiện nay, những trường hợp công dân Việt Nam thực sự có nguyện vọng cần về nước thuộc 4 đối tượng sau đây được ưu tiên giải quyết trước:
(1) Học sinh dưới 18 tuổi, sinh viên các trường, ký túc xá đã đóng cửa;
(2) Người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên);
(3) Người đang điều trị bệnh/có tiểu sử bệnh lý nền (tim mạch, tiểu đường, ung thư...);
(4) Lao động hết hợp đồng, thăm thân, du lịch bị kẹt tại địa bàn;…
Vì vậy, để giải quyết nguyện vọng của công dân, đề nghị công dân có nhu cầu cấp thiết, thật sự cần thiết về nước trong giai đoạn hiện nay liên hệ trực tiếp với Đại sứ quán Việt Nam tại nơi công dân đang cư trú hoặc Đại sứ quán kiêm nhiệm địa bàn để được tư vấn, hỗ trợ và đăng ký danh sách xin về nước (những số này được đăng tải công khai trên trang mạng chính thức của các cơ quan đại diện).
Nguồn: baochinhphu.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC