Ukraine triển khai khí cầu tự sát trên chiến trường

Quân đội Ukraine bắt đầu sử dụng khí cầu mang theo thiết bị nổ để tập kích lực lượng Nga trên tiền tuyến, song hiệu quả có thể không cao.

Mash, tài khoản Telegram ủng hộ quân đội Nga và có 2,8 triệu người theo dõi trên Telegram, ngày 27/3 đăng ảnh một quả khí cầu mắc trên cành cây sau khi bị bắn rơi, cho biết đây là vũ khí tự sát mới mà lực lượng Ukraine gần đây triển khai nhằm bí mật tập kích lực lượng Nga. "Đây là lần đầu tiên quân đội Nga bắn hạ loại khí cầu này từ đầu xung đột", tài khoản trên cho biết.

Theo Mash, nó được thiết kế giống như khí cầu thời tiết để tránh bị đánh chặn bởi hệ thống phòng không hay pháo binh. Khí cầu được trang bị thiết bị định vị GPS, bộ điều khiển, chấn lưu, thiết bị nổ và nguồn điện. Tổ vận hành nhập sẵn tọa độ mục tiêu vào bộ điều khiển trên khí cầu trước khi triển khai nó ra tiền tuyến.

1 Ukraine Trien Khai Khi Cau Tu Sat Tren Chien Truong

Khí cầu tự sát Ukraine bị bắn hạ trong bức ảnh đăng ngày 27/3. Ảnh: Telegram/Mash

Giới chuyên gia Nga nhận định gần như không thể tấn công mục tiêu một cách chính xác bằng phương pháp này, song vẫn cho rằng đây là "mối đe dọa nghiêm trọng", vì khí cầu tự sát có thể bay ở độ cao rất lớn nên khó bị bắn hạ. Họ cũng cho biết loại khí cầu này đã vô tình làm rơi chất nổ khi bay qua các ngôi làng ở khu vực biên giới, khiến một số người bị thương nặng.

Bộ Quốc phòng Ukraine và Nga chưa bình luận về thông tin.

Khí cầu quân sự từng được sử dụng phổ biến trong thời kỳ Thế chiến I với nhiệm vụ quan sát hoạt động di chuyển của đối phương, chỉ thị mục tiêu cho pháo binh và phát hiện sớm các cuộc tập kích của kẻ thù. Khí tài này cũng được dùng để vận chuyển hàng hóa, thư từ và cả con người trên chiến trường.

Sau Thế chiến I, khí cầu quân sự dần biến mất, khi máy bay và các công nghệ khác xuất hiện. Tuy nhiên, nó vẫn được sử dụng cho một số mục đích cụ thể, như quan sát khí tượng hay huấn luyện phi công. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ từng triển khai hàng trăm khí cầu tầm cao tới khu vực Đông Âu để thu thập thông tin tình báo về năng lực hạt nhân của các quốc gia tại đây.

Quân đội một số nước ngày nay vẫn tiếp tục sử dụng loại khí tài này. Truyền thông Israel hồi đầu năm cho biết Lực lượng Phòng vệ nước này (IDF) đã triển khai Sky Dew, khí cầu do thám lớn bậc nhất thế giới, tới khu vực biên giới với Lebanon để giám sát lực lượng Hezbollah.

2 Ukraine Trien Khai Khi Cau Tu Sat Tren Chien Truong

Khí cầu Sky Dew của Israel. Ảnh: IDF

Không quân Ukraine tháng 2/2023 cho biết lực lượng Nga đã triển khai khí cầu lắp thiết bị phản xạ radar, kết hợp với máy bay không người lái (UAV) để tập kích ba tỉnh Kharkov, Dnipro và Poltava.

Các khí cầu này được dùng để đánh giá chủng loại radar mà đối phương sử dụng, đồng thời có thể đóng vai trò mồi bẫy trong tác chiến, tạo ra nhiều mục tiêu giả trên radar, bảo vệ khí tài có giá trị cao hoặc gây khó khăn cho nỗ lực đánh chặn của lực lượng phòng không Ukraine.

Phạm Giang (Theo Avia Pro, Jerusalem Post, TWZ)

Nguồn: VNEXPRESS.NET


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày