Ảnh minh họa việc binh sĩ sử dụng công nghệ trong chiến đấu - Ảnh: VECTEEZY
Theo tạp chí Economist, trong bối cảnh bị áp đảo về khí tài trước quân đội Nga, Ukraine đang tìm cách sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để mang lại lợi thế cho nước này.
Đa dạng cách ứng dụng AI để chiến đấu
Một sĩ quan Ukraine cao cấp phụ trách việc phát triển công nghiệp quốc phòng nước này khẳng định các đội ngũ thiết kế máy bay không người lái (drone) của Kiev thường tìm đến công cụ ChatGPT làm "điểm bắt đầu" cho quá trình lên ý tưởng.
Những chuyên gia này thường xuyên tham vấn ChatGPT để tìm ra những phương thức mới lạ trong việc ngăn drone bị quân đội Nga làm nhiễu tín hiệu liên lạc hoặc thậm chí áp chế điện tử.
Ngoài ra, AI còn được Ukraine tận dụng để phát hiện các mục tiêu Nga. Công ty tình báo Molfar (có trụ sở tại thành phố Dnipro và thủ đô Kiev) sử dụng một mô hình AI đặc biệt để phân tích các hình ảnh và văn bản được phát tán trên mạng xã hội.
Mô hình này tìm ra điểm chung giữa chúng và cung cấp manh mối về các địa điểm quân Nga có thể đang đóng quân hoặc che giấu vũ khí.
Ông Maksym Zrazhevsky, nhà phân tích của công ty, cho biết Molfar có thể phát hiện trung bình 2-5 mục tiêu đáng giá mỗi ngày. Toàn bộ thông tin tình báo trên sẽ nhanh chóng được chuyển cho phía quân đội Ukraine xử lý.
Tinh vi hơn, quân đội Ukraine còn sử dụng mô hình AI do Công ty SemanticForce cung cấp để phân tích nhuệ khí đối phương. Thông thường, dịch vụ thương mại của SemanticForce giúp các nhãn hàng theo dõi thái độ của người tiêu dùng với sản phẩm của họ dựa trên những nội dung được chia sẻ trên mạng.
Tuy nhiên, với "khách hàng" là quân đội Ukraine, SemanticForce sẽ sử dụng hình ảnh thu được từ drone trinh sát và do lính Nga đăng trên mạng để xác định những điểm đóng quân có thể có nhuệ khí thấp hoặc đang cạn dần nhu yếu phẩm. Những mục tiêu này thường phản kháng yếu ớt hơn trước những cuộc tấn công của Kiev.
Ngoài trên chiến trường, AI cũng được Kiev sử dụng tích cực trong lĩnh vực phản gián. Công cụ AI thường gửi cho các thuê bao điện thoại những lời mời chào, dụ dỗ người Ukraine cung cấp hình ảnh gắn thông tin vị trí địa lý về cơ sở hạ tầng hoặc mục tiêu quân sự của nước này để đổi lấy tiền.
Toàn bộ số này đều là đề nghị giả. Bất kỳ ai "cắn câu" và liên hệ với phía mời chào đều sẽ bị Cục An ninh Ukraine (SBU) xử lý.
Hiểm họa nếu ỷ lại vào AI
Một binh sĩ Ukraine đang tập sử dụng drone - Ảnh: REUTERS
Hiện tác động thực tiễn của việc áp dụng AI trên chiến trường vẫn chưa thật sự rõ ràng. Rất nhiều thành viên cấp cao trong giới chức Ukraine tin rằng đây là "điểm sáng" trong việc tăng cường khả năng chiến đấu của Ukraine.
Tuy nhiên, nhiều người khác lo rằng việc đổ nguồn lực vào AI sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến nguồn lực của Kiev cho nhiều lĩnh vực quan trọng khác. Ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng chỉ ra rằng nhiều mô hình AI trên thị trường đang bị thổi phồng và việc tin tưởng quá nhiều vào AI có thể dẫn đến rủi ro nghiêm trọng.
Thậm chí, ông John Arquilla, giáo sư danh dự tại trường đào tạo sau đại học của hải quân Mỹ tại bang California và là cố vấn cho nhiều lãnh đạo Bộ Quốc phòng Mỹ, còn cho rằng "cái mất" của việc quân đội Ukraine ứng dụng AI có thể nhiều hơn "cái được".
Ông Arquilla chỉ ra rằng những thắng lợi lớn nhất của Ukraine tập trung vào giai đoạn đầu cuộc chiến, khi các đơn vị chiến đấu bị phân tán và được khuyến khích tự ý hành động.
Tuy nhiên, việc Ukraine ứng dụng nhiều AI đang "tập trung hóa việc đưa ra quyết định" và triệt tiêu yếu tố sáng tạo "tại những vùng chiến sự xa". Điều đó khiến các quyết định trên chiến trường của Kiev có thể dễ bị "bắt bài" hơn, dẫn đến các tổn thất lớn trên chiến trường.
NGỌC ĐỨC
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2024 | Thời báo ĐỨC