Khoảng 1h30 ngày 26/3, John, dân địa phương ở Baltimore, bang Maryland, bất ngờ nghe thấy âm thanh kinh hoàng "như tiếng sấm lớn".
"Sau đó là rung chấn khiến ngôi nhà của anh chao đảo, tưởng chừng sụp đổ. Hệt như động đất vậy", John kể lại.
Đó là tiếng va chạm khi tàu container Dali đâm vào cây cầu thép Francis Scott Key bắc qua sông Patapsco, khiến các nhịp cầu lần lượt đổ sập, kéo theo ít nhất 20 người và nhiều phương tiện xuống nước. Cú đâm mạnh khiến cây cầu 4 làn xe, dài 2,5 km, được đưa vào sử dụng từ năm 1977, sụp xuống dòng sông.
"Tôi đã ở khu phố này 57 năm, kể từ khi giới chức bắt đầu xây cầu. Không thể tin rằng cây cầu đã biến mất, không thể tin là có người trên cầu khi nó đổ sập. Thật điên rồ", ông John nói.
Cảnh sát, cứu hỏa, tuần duyên Mỹ lập tức có mặt tại hiện trường để tìm kiếm cứu nạn. Họ vớt được hai người bị thương lên khỏi mặt sông, nhưng 6 người mất tích. Đến sáng, họ tuyên bố kết thúc chiến dịch cứu nạn, cho hay 6 nạn nhân này "được coi là đã thiệt mạng".
Tàu hàng đâm sập cầu ở Mỹ
Khoảnh khắc tàu hàng đâm sập cầu Francis Scott Key ở thành phố Baltimore, bang Maryland, Mỹ rạng sáng 26/3. Video: X/HaywerdJablomi
Tàu Dali khởi hành từ Baltimore, bang Maryland đến Colombo, Sri Lanka. Con tàu đã gặp sự cố với động cơ, mất điện hoàn toàn và chết máy, dẫn đến mất điều khiển và đâm vào trụ cầu.
Tiếng động lớn từ cú đâm khiến nhiều người sống quanh đó tỉnh giấc. "Chúa ơi, cầu Francis Scott Key đã biến mất", Bobby Gattus thốt lên khi quay video và chia sẻ trên mạng xã hội.
Nancy, một nhân chứng khác, cho biết khúc sông nơi có cầu Francis Scott Key giờ đây trở thành "bãi chiến trường". "Tôi bàng hoàng trước những gì chứng kiến", cô nói.
Người dân Maryland sốc nặng khi đọc tin tức vào sáng hôm sau, nhiều người không tin rằng thảm họa đã xảy ra.
Khi một người bạn gọi điện lúc sáng sớm để thông báo cầu Key đổ sập, Michael Brown tưởng bạn đang đùa. "Tôi sống ngay gần cây cầu, chuyện này giống trò chơi khăm Cá tháng Tư. Nhưng khi xuống xem, tôi cũng không thể tin nổi vào mắt mình", Brown nói.
"Tôi chưa từng nghĩ điều này sẽ xảy ra. Thực sự không thể tin nổi", Jim Fischer, một trong những kỹ sư xây cầu Francis Scott Key những năm 1970, cho hay. "Cầu sụp đổ nhanh chóng làm tôi kinh ngạc".
Một người khác cho hay vừa đi qua cây cầu chưa đầy 10 tiếng trước đó. "Khi biết mình đã ở trên cây cầu đó chiều qua, tôi rùng mình", người này nói.
Hiện trường vụ tàu container đâm sập cầu Francis Scott Key ở Baltimore, Mỹ. Ảnh: AP
Giới chức giao thông bang Maryland đã phong tỏa tàu thuyền ở cảng Baltimore cho đến khi có thông báo mới. Vụ tai nạn nguy cơ tác động đáng kể tới nền kinh tế địa phương, khi hoạt động vận tải ra vào cảng bị ngừng.
Cầu Francis Scott Key đón hơn 12,4 triệu phương tiện đi qua trong năm 2023, tương đương 34.000 phương tiện mỗi ngày. "Các tuyến đường sẽ bị ùn tắc. Đường vành đai sẽ thành 'bãi đậu xe'", một người dân địa phương giấu tên nêu lo ngại.
Hàng triệu tấn hàng hóa trị giá hàng tỷ USD cũng đi qua các cảng dọc sông Patapsco. Cảng Baltimore dẫn đầu toàn nước Mỹ về vận chuyển ôtô, xe tải cỡ nhỏ trong 13 năm qua.
Trước khi hoạt động vận tải khu vực được nối lại, giới chức sẽ cần trục vớt phần còn lại của cầu lên khỏi mặt nước và dọn sạch lòng sông. Nhưng ngay cả khi hoàn thành thách thức này, người dân thành phố nói "mọi thứ sẽ không bao giờ như trước".
"Khi bình minh lên và chứng kiến cây cầu hàng thập kỷ không còn ở đó, nhiều người đã rất đau lòng", Lupe Lucas nói khi cùng con trai nhìn ra mặt sông sáng nay.
Đức Trung (Theo NY Post, CBS News, Washington Post)
Nguồn: VNEXPRESS.NET
© 2024 | Thời báo ĐỨC