Không quân Ấn Độ (IAF) hôm 29/3 nộp tài liệu điều tra lên Tòa án cấp cao Delhi, trong đó lần đầu tiết lộ nguyên nhân vụ phóng nhầm tên lửa diệt hạm siêu thanh BrahMos sang lãnh thổ Pakistan hồi tháng 3/2022. "Các đầu cắm điện của bộ phận chiến đấu trên quả đạn vẫn được nối với hộp nối dây trong bệ phóng, dẫn tới sự cố phóng nhầm", báo cáo có đoạn viết.
Ủy ban điều tra thuộc IAF cho biết sự việc xảy ra khi khẩu đội BrahMos cơ động đến địa điểm diễn tập để kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu.
"Chỉ huy đơn vị không kiểm tra liệu toàn bộ đầu cắm điện trên các quả đạn đã được ngắt khỏi bệ phóng trước khi diễn tập hay chưa. Kíp vận hành biết tình trạng của đầu cắm chiến đấu, nhưng không tìm cách ngăn chỉ huy khẩu đội phát lệnh phóng gây mất an toàn", tài liệu có đoạn.
Hiện trường tên lửa BrahMos rơi tại thành phố Mian Channu đêm 9/3/2022. Ảnh: BQP Pakistan
IAF đã sa thải 3 sĩ quan liên quan đến vụ phóng nhầm vì vi phạm quy định tác chiến được ban hành hồi tháng 3/2021. "Sự việc gây hiểm họa tiềm tàng với người, khí tài trên không và dưới mặt đất, làm tổn hại uy tín của không quân Ấn Độ và đất nước, cũng như gây thiệt hại 2,98 triệu USD với ngân sách quốc gia", ủy ban điều tra IAF cho hay.
Tên lửa siêu thanh BrahMos bất ngờ phóng từ căn cứ quân sự bí mật tại miền bắc Ấn Độ ngày 9/3/2022, rơi xuống khu vực không có cư dân sinh sống gần thành phố Mian Channu ở miền đông Pakistan, cách biên giới khoảng 124 km. Sự cố không gây ra thiệt hại về người và tài sản.
Quân đội Pakistan cho biết tên lửa đạt tốc độ hơn 3.700 km/h và độ cao hơn 12 km trước khi xâm nhập vào sâu trong không phận nước này. Islamabad chỉ trích sự cố và gửi công hàm phản đối đến New Delhi, cho rằng vụ phóng tên lửa có thể gây nguy hiểm cho các máy bay dân sự.
Giới chức Ấn Độ lập tức nhận trách nhiệm, gọi đây là "sự cố vô cùng đáng tiếc" và hứa điều tra ở cấp cao nhất. Pakistan yêu cầu điều tra chung, đặt câu hỏi về các quy trình bảo đảm an toàn tên lửa và hạt nhân của Ấn Độ.
Ấn Độ và Pakistan là hai quốc gia láng giềng luôn trong tình trạng căng thẳng do yếu tố lịch sử. Anh rút khỏi thuộc địa Ấn Độ vào năm 1947, khiến nơi này chia tách thành hai quốc gia gồm Ấn Độ, nơi đa số người theo đạo Hindu sinh sống và Pakistan, nơi đa số người Hồi giáo sinh sống.
Giới chuyên gia quân sự từng cảnh báo nguy cơ sự cố hoặc tính toán sai lầm dẫn tới xung đột vũ trang giữa hai quốc gia sở hữu hạt nhân ở Nam Á. Ấn Độ và Pakistan đã trải qua ba cuộc chiến tranh lớn và nhiều đụng độ quy mô nhỏ, gần nhất là trận không chiến giữa hàng chục máy bay trên bầu trời Kashmir năm 2019.
Vũ Anh (Theo India Times)
Nguồn: VNEXPRESS.NET
© 2024 | Thời báo ĐỨC