Ngân hàng Trung ương Đức cho biết việc hồi hương vàng gửi ở nước ngoài đang diễn ra nhanh hơn so với kế hoạch. Nguyên nhân vì đâu?
Trong Chiến tranh Lạnh, Đức gửi ở nước ngoài 3.378 tấn vàng vì tình hình địa chính trị trong khu vực vô cùng bất ổn. Số vàng tương đương 150 tỷ USD trở thành biểu tượng cho sự đi lên của nền kinh tế Đức và cũng trở thành người bảo vệ cho sự ổn định của nó.
Tuy nhiên, người Đức đang đẩy nhanh quá trình rút số vàng này về nước trong bối cảnh đồng euro bấp bênh và kinh tế châu Âu trì trệ.
Theo Ngân hàng Trung ương Đức, sau khi đã chuyển 583 tấn vàng khỏi New York và Paris, Đức sẽ đưa về Frankfurt một nửa số vàng họ gửi ở nước ngoài vào cuối năm 2017, nhanh hơn 3 năm so với thời hạn 2020. Phần còn lại sẽ tiếp tục được người Đức gửi tại kho chứa của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tại New York và NHTW Anh ở London.
Cụ thể, người Đức sẽ để lại 1.236 tấn vàng ở New York và 432 tấn vàng ở London. Số còn lại được giữ trong kho chứa của Bundesbank tại Frankfurt. Toàn bộ số vàng Đức gửi tại Paris, Pháp sẽ được đưa về nước. Năm 2015, để làm an lòng người dân, Bundesbank đã phải công bố danh sách dài 2.300 trang về chi tiết các thỏi vàng mà họ đang sở hữu ở trong và ngoài nước.
Ở thời điểm hiện tại, châu Âu liên tiếp phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng, điều khiến công chúng Đức cảm thấy khó chịu khi gửi vàng của mình ở nước ngoài. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng quốc gia dự trữ vàng lớn thứ 2 thế giới cần sử dụng đồng tiền riêng của mình thay vì dùng đồng tiền chung euro như hiện nay.
Trong khi đó, ứng viên Tổng thống Pháp Marie Le Pen và Phong trào 5 sao ở Italy đang công khai vận động để đưa đất nước họ rời khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), động thái khiến đồng euro bị đe dọa nghiêm trọng. Trước đó, sự ra đi của Anh cũng đã làm suy yếu mạnh mẽ Liên minh châu Âu (EU).
Ngày 12/2, với 931/1.239 phiếu ủng hộ, cựu Ngoại trưởng Frank-Walter Steinmeier đã được bầu làm Tổng thống Đức. Ông Steinmeier được cho là người có quan điểm chống lại Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, việc Đức rút vàng về nước không liên quan tới quan hệ giữa hai quốc gia vốn là đồng minh lâu năm.
Carl-Ludwig Thiele, quan chức Bundesbank, cho biết:
“Chúng tôi có rất nhiều cuộc thảo luận với Tổng thống Trump về những tác động tới chính sách tiền tệ, kinh tế vĩ mô… nhưng chúng tôi luôn tin tưởng Ngân hàng Trung ương Mỹ. Ông Trump không phải nguyên nhân của việc thay đổi lượng vàng gửi tại New York của Đức”.
TTT/Reuters
© 2024 | Thời báo ĐỨC