Vì sao?
Ủy ban của chính phủ Đức đã lên lộ trình đóng cửa tất cả các nhiệt điện than đang hoạt động, dự tính sẽ hoàn toàn “chia tay” với nhiệt điện than trong 20 năm nữa (cuối năm 2038). Lý do là để giảm lượng khí thải carbon, giảm tác hại tới môi trường trong dài hạn cho sản xuất nhiệt điện gây ra.
Hiện nay Đức đang dùng than để sản xuất gần 40% lượng điện, và đã không thể đạt được mục tiêu của thỏa thuận tại Hội nghị Paris 2015.
Đây không phải là quyết định dễ dàng, chính phủ Đức sẽ phải bù đắp cho các công nhân bị ảnh hưởng khi nhiệt điện than ra đi, ví dụ như sắp xếp cho họ công việc mới, các dự án cơ sở hạ tầng mới, cũng như bù đắp tài chính cho các công ty bị ảnh hưởng.
Nhưng cái người Đức được lợi chính là nhiều ngôi làng sẽ được nguyên vẹn và người dân sẽ không phải tái định cư để phục vụ cho các mỏ than mới. Khi không khí sạch hơn, họ có thể tiết kiệm tiền cho nhiều loại chi phí khác.
Theo Cục Môi trường của Đức, ô nhiễm không khí từ các nhà máy nhiệt điện than ở nước này nói riêng có thể lên tới 150 tỷ Euro trong dài hạn.
Đức cũng đã lên kế hoạch đóng cửa toàn bộ nhà máy điện hạt nhân vào năm 2022, quyết định này được đưa ra sau khi họ thấy rõ hậu quả của thảm họa hạt nhân tại Fukushima, Nhật Bản năm 2011.
Những thay đổi ở Đức không diễn ra một sớm một chiều, các nhóm vận động môi trường đã làm việc tích cực trong nhiều năm, và có sự phối hợp giữa các ngành, ủy ban thương mại và các tổ chức khoa học.
Quan trọng là hiện nay tỷ lệ người dân ủng hộ loại bỏ nhiệt điện than ở Đức là gần 75%, theo một khảo sát do đài ZDF công bố vào tháng 1/2019.
Bộ trưởng tài chính của Đức – Olaf Scholz đã hoan nghênh đề xuất này của ủy ban, nhấn mạnh rằng nước Đức cần giữ giá điện ổn định đồng thời tạo ra công ăn việc làm mới cho các nhân viên ngành than.
“Nếu chúng ta cùng nỗ lực và không rời mắt khỏi mục tiêu chung, chúng ta có thể phát triển nước Đức thành một hình mẫu trong chính trị năng lượng,” ông cho biết.
Những vấn đề đặt ra
Hai điều mấu chốt nhất của kế hoạch là chi phí tài chính và ngày tháng cụ thể của việc từ bỏ nhiệt điện than, đồng thời các công ty năng lượng cũng đòi hỏi chính phủ hỗ trợ để duy trì giá điện ổn định.
Chỉ riêng 3 bang Đông Đức nơi đang có ngành khai thác than, các nhà quản lý ở đây đã thông báo số tiền sẽ phải chi ra để bù đắp cho ngành khai thác than và nhiệt điện than là vào khoảng 60 tỷ Euro (69 tỷ USD).
Ngành khai thác than cũng đòi hỏi phải có cam kết tài chính chắc chắn để giúp họ tái cấu trúc khi rời xa nhiên liệu hóa thạch.
Kế hoạch của ủy ban cũng đã tính đến khoản đền bù cho nhà đầu tư và một vài hỗ trợ cho cả người tiêu dùng.
Quá trình “chia tay” sẽ bắt đầu ngay lập tức
Trong 4 năm tới, các công ty vận hành nhà máy nhiệt điện của Đức như RWE và Uniper sẽ được yêu cầu giảm ngay 12 gigawatt công suất ở bước đầu tiên, tương đương với 24 đơn vị vận hành lớn.
Chi phí sản xuất điện ở Đức (đơn vị cent/kWh) (ảnh chụp màn hình/DW)
Ủy ban cho biết khoản tiền chính phủ cần dành cho cho việc “chia tay” sẽ là 40 tỷ Euro (45,65 tỷ USD), ít hơn số tiền mà 3 bang Đông Đức đưa ra. Như vậy chính phủ sẽ còn cần thương lượng thêm nữa.
Các nhà phê bình thì cho rằng chính phủ sẽ phải chi khoản tiền khổng lồ thì mới có thể mua lại toàn bộ ngành năng lượng để tắt nó đi.
Kế hoạch này vẫn cần sự chấp thuận chính thức của chính phủ Đức và các bang độc lập, bởi họ mới là người sẽ chịu trách nhiệm thực hiện nó.
Nhưng ít ra, người Đức đang có những thay đổi mang tính bước ngoặt.
Còn tại Việt Nam, lộ trình nhập nhiệt điện than đang đi từng bước tiến đến 2030. Hiện nay Việt Nam đang có 26 nhà máy nhiệt điện và đến năm 2030 sẽ là 54, đại đa số là nhiệt điện than.
Về tình hình và kế hoạch phát triển nhiệt điện than của Việt Nam, bạn đọc có thể tham khảo một bài viết rất chi tiết: Những con số tử thần và bóng dáng Trung Quốc quanh những dự án nhiệt điện than.
Theo DW.com
Phong Trần tổng hợp
© 2024 | Thời báo ĐỨC