Foto: Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám ở Hà Nội. Ảnh: DPA
Đài phát thanh Quốc tế Đức Deutsche Welle ngày 23/1 đã thông tin chi tiết về chuyến thăm của Tổng thống nước này cùng phái đoàn doanh nghiệp tới Việt Nam.
Theo Deutsche Welle, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier tới Việt Nam ngày 23/1 khi Berlin đang tìm cách thúc đẩy chiến lược "giảm thiểu rủi ro" với Trung Quốc.
Cùng đến Hà Nội với ông Steinmeier có Bộ trưởng Lao động Hubertus Heil và một phái đoàn gồm các lãnh đạo doanh nghiệp từ các công ty công nghiệp hàng đầu của Đức, những người sẽ cùng ông thực hiện chuyến công du 4 ngày tới Đông Nam Á.
Cụ thể, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Đức đã tham gia phái đoàn do Tổng thống Đức Steinmeier dẫn đầu đến Việt Nam khi Berlin tìm cách đa dạng hóa hoạt động kinh tế của mình. Deutsche Welle đưa tin, Đức và Việt Nam đang hướng tới một thỏa thuận nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự trao đổi về công nhân lành nghề.
Florian Feyerabend, đại diện tại Việt Nam của Quỹ Konrad Adenauer, tổ chức tư vấn Đức, cho biết chuyến thăm "nhấn mạnh sự quan tâm của Đức trong việc hướng ra ngoài Trung Quốc và đa dạng hóa quan hệ kinh tế".
Về chương trình nghị sự của Tổng thống Steinmeier tại Việt Nam: Ông Steinmeier được Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đón tiếp bằng nghi thức ngoại giao cấp cao. Tiếp đó, hai nhà lãnh đạo sẽ hội đàm và dự kiến sẽ ký biên bản ghi nhớ về tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi lao động có tay nghề từ Việt Nam sang Đức.
Sang ngày 24/1, Tổng thống Steinmeier và Đoàn sẽ thăm và khảo sát một số dự án của Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực lân cận thời gian qua. Đoàn sẽ có một số hoạt động văn hóa và ngoại giao nhân dân trong khuôn khổ chuyến thăm. Sau đó ông Steinmeier có 2 ngày đến thăm Thái Lan.
Về thành phần doanh nghiệp Đức: Trong số các công ty Đức tham gia phái đoàn đến Hà Nội có Herrenknecht, công ty thống trị thị trường máy khoan hầm toàn cầu và đã bán các công cụ xây dựng tàu điện ngầm tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Các công ty tham gia khác bao gồm "gã khổng lồ" vật liệu xây dựng Knauf và nhà sản xuất chất kết dính Tesa, cả hai đều đã hoạt động tại Việt Nam.
Nhà phát triển trang trại điện gió PNE AG cũng tham gia phái đoàn của Tổng thống Steinmeier vào thời điểm Việt Nam đang tìm cách mở rộng lĩnh vực điện gió ngoài khơi.
Phòng thương mại Đức tại Việt Nam cho biết các công ty Đức đã đầu tư hơn 3 tỷ USD (2,8 tỷ euro) vào trung tâm sản xuất, trong đó tập đoàn Bosch là nhà đầu tư chính.
Đức là đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU), trong khi Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất của Đức trong các nước ASEAN.
Tổng thống Steinmeier đã từng hai lần thăm Việt Nam (tháng 3/2008 trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao và tháng 10/2016 trên cương vị Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao. Ông có nhiều đóng góp cho quan hệ hai nước, quan tâm tới sự phát triển và hội nhập của cộng đồng người Việt Nam tại Đức.
Chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng thống Steinmeier diễn ra trong bối cảnh quan hệ song phương đang tiếp tục đi vào chiều sâu và có những bước phát triển thực chất trên nhiều lĩnh vực.
Càng ý nghĩa hơn nữa, khi đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Steinmeier trong năm 2024 và là trao đổi đoàn cấp cao đầu tiên giữa hai nước trong năm mới 2024 - năm bản lề hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2025.
Đây cũng là chuyến thăm thứ hai của một Tổng thống Đức tới Việt Nam trong lịch sử quan hệ hai nước kể từ khi nước Đức thống nhất. Trước đây 17 năm, Tổng thống Đức Horst Kohler đã tới thăm Việt Nam vào tháng 5/2007.
Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo DW)
© 2024 | Thời báo ĐỨC