Phát thuốc cho F0 tại nhà ở quận Đống Đa (Hà Nội) - Ảnh: HÀ QUÂN
Tại TP.HCM, ghi nhận từ ngày 12 đến 18-2, số ca mới là 2.934 ca, tăng gấp 3 lần so với 7 ngày trước (ngày 5 đến 11-2), đồng thời số ca nhập viện cũng có khuynh hướng tăng nhẹ.
Tuy nhiên, số bệnh nặng vẫn đang giảm và số ca tử vong vẫn ở mức thấp. Ngày 19-2 ghi nhận 2 ca tử vong nhưng là bệnh nhân từ tỉnh thành khác chuyển đến TP để điều trị.
Hiện tượng số ca mắc mới tăng ở cả 22/22 quận, huyện và TP Thủ Đức đã được dự báo trước khi thành phố khôi phục các hoạt động lao động sản xuất, học tập cũng như các sinh hoạt xã hội.
Bên cạnh đó, TP.HCM cũng đã phát hiện những ca bệnh mang biến chủng Omicron trong cộng đồng.
CDC TP.HCM cho biết theo nghiên cứu trên thế giới, sự lưu hành đồng thời cả 2 biến chủng Delta và Omicron sẽ làm cho số ca mắc mới tăng nhanh chóng, theo đó là số ca nhập viện và bệnh nặng cũng có thể gia tăng.
Những biện pháp dự phòng không dùng thuốc như 5K và tiêm chủng (bao gồm cả tiêm nhắc lại) vẫn là những biện pháp được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng nhằm làm chậm lại tốc độ lây lan của dịch.
"Do đó người dân cần tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng bệnh theo 5K. Thực hiện các biện pháp bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ và tiêm vắc xin COVID-19 khi đến lượt" - thông báo của CDC TP.HCM tối 19-2 cho biết.
Tiêm vắc xin Pfizer mũi 3 cho người dân ở quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Sở Y tế đã chỉ đạo CDC TP.HCM phối hợp với các trung tâm y tế triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại cộng đồng, trường học, theo hướng:
1. Hướng dẫn các cơ sở giáo dục vệ sinh khử khuẩn các lớp học, điều tra dịch tễ, theo dõi sức khỏe các trường hợp F1 để phát hiện sớm F0, hạn chế thấp nhất sự lây lan dịch COVID-19;
2. Lấy mẫu ngẫu nhiên nhóm ca bệnh để giải trình tự gene;
3. Xét nghiệm cho toàn bộ F1, theo dõi sức khỏe theo quy định;
4. Thông báo đến các trường có học sinh ở tại một tu viện tại quận Gò Vấp (đây là một ổ dịch mới phát hiện) theo học để được điều tra dịch tễ, xét nghiệm các trường hợp F1.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
TP.HCM: Phụ huynh lo lắng khi xuất hiện nhiều F0 trong trường học
Đội đặc nhiệm kiểm dịch của CDC TP.HCM vừa giám sát công tác phòng chống dịch trong trường học tại xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ sau khi phát hiện chùm ca bệnh trên địa bàn xã đảo này.
Một học sinh mầm non có triệu chứng sốt nhẹ trong giờ học tại xã đảo nên đã được thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên và cho kết quả dương tính. Từ ca mắc này, trường học và y tế xã đảo đã triển khai điều tra, truy vết các tiếp xúc gần F1 và tiến hành xử lý dịch trong trường học theo hướng dẫn của y tế.
Sau khi vệ sinh khử khuẩn các lớp học, học sinh vẫn đi học bình thường, được theo dõi chặt tình hình sức khỏe và thực hiện xét nghiệm vào ngày thứ 3, thứ 7 và thứ 14.
Các F1 đã tiêm đủ 2 mũi được tiếp tục đi học, các trường hợp chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi thì thực hiện cách ly tại nhà 14 ngày. Riêng lớp mầm non ghi nhận ca bệnh, toàn bộ học sinh được nghỉ học và thực hiện cách ly theo quy định.
Từ ca bệnh chỉ điểm, ngành y tế xã đảo phát hiện thêm chuỗi lây nhiễm tại các hộ gia đình khi tiến hành điều tra dịch tễ và cũng thực hiện xử lý dịch tại hộ gia đình.
Những ngày gần đây, nhiều phụ huynh khá lo lắng về tình trạng xuất hiện F0 trong lớp học của con em mình. Một phụ huynh cho biết có con đang học lớp 3 tại một trường tiểu học của TP.
Bé mới đi học được vài buổi thì cô giáo đã thông báo trong lớp có một bạn F0. Sau đó, cô giáo thông báo tất cả các bạn còn lại là F1, tạm cách ly tại nhà. Tuần sau, cả lớp lại trở về học trực tuyến.
Nhiều phụ huynh cũng băn khoăn khi chỉ còn vài tháng nữa là đến hè, lớp học mấy chục học sinh mà cứ xuất hiện F0 lại chuyển sang học trực tuyến thế này thì chắc phần lớn thời gian còn lại sẽ phải học trực tuyến.
Bệnh viện điều trị COVID-19 - Ảnh: NAM TRẦN
Từ 21-2 áp dụng giá xét nghiệm mới
Mức giá xét nghiệm COVID-19 mới mà Bộ Y tế vừa ban hành sẽ được áp dụng từ ngày mai 21-2. Theo đó, mức giá test nhanh mẫu đơn mới bảo hiểm y tế chi trả được xây dựng bao gồm chi phí trực tiếp và chi phí tiền lương cộng chi phí sinh phẩm xét nghiệm theo quy định, mức thanh toán tối đa không quá 78.000 đồng/xét nghiệm.
So với mức cũ áp dụng từ giữa tháng 11-2021 là 109.700 đồng/xét nghiệm, giá mới giảm 30%.
Với xét nghiệm COVID-19 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR:
- Trường hợp mẫu đơn, giá dịch vụ bao gồm chi phí trực tiếp và chi phí tiền lương cộng chi phí sinh phẩm xét nghiệm, mức thanh toán tối đa không quá 501.800 đồng/xét nghiệm. So với mức trần cũ là 518.400 đồng/xét nghiệm, mức mới có giảm nhưng rất ít.
Test nhanh COVID-19 ở Đà Nẵng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành
- Hà Nội tối 19-2 thông báo trong 24 giờ ghi nhận 4.869 ca COVID-19 mới, trong đó có 1.206 ca cộng đồng. Hiện có gần 168.000 ca đang điều trị, theo dõi, trong đó có 801 ca nặng, nguy kịch. Đến nay, Hà Nội ghi nhận 196.416 ca COVID-19 với 893 ca tử vong. Tỉ lệ tử vong chiếm 0,46% tổng ca mắc.
Tới hết ngày 18-2, toàn TP có 167.194 ca đang điều trị, theo dõi (tăng gần 24.000 ca so với ngày trước đó). Trong đó, gần 161.400 F0 điều trị tại nhà (tăng 23.000 ca so với hôm 17-2) và 1.101 ca (tăng hơn 100 ca) điều trị tại khu cách ly, hiện gần 97% F0 ở Hà Nội mắc COVID-19 thể nhẹ hoặc không có triệu chứng. Hơn 3% còn lại (hơn 4.600 ca) phải nhập viện điều trị.
Trong số các bệnh nhân phải nhập viện điều trị có 2.855 ca mức độ trung bình, tăng hơn 26% so với trung bình 7 ngày trước. 810 ca nặng/nguy kịch (tăng hơn 26%), trong đó có 705 ca thở oxy mask, gọng kính; 46 ca phải thở máy không xâm lấn, 36 ca thở máy...
- Hà Nam trong ngày 19-2 ghi nhận 236 ca COVID-19. Trong số đó có 195 F0 phát hiện qua sàng lọc y tế và 31 F0 ghi nhận tại khu vực phong tỏa, cách ly tại nhà. Hiện Hà Nam ghi nhận 9.365 ca COVID-19.
Trong ngày 19-2, Hà Nam cũng ghi nhận 2 bệnh nhân COVID-19 tử vong. 2 bệnh nhân này đã 92 tuổi và 84 tuổi, chưa tiêm vắc xin, có tiền sử bệnh nền. 11 bệnh nhân tử vong tại Hà Nam đến thời điểm này đều là người cao tuổi (từ 68 đến trên 92 tuổi), có nhiều bệnh nền và đa số chưa được tiêm vắc xin COVID-19 do sức khỏe không bảo đảm.
- Quảng Bình ngày 19-2 ghi nhận thêm 861 ca COVID-19, trong đó có 766 ca cộng đồng, 95 ca trong khu cách ly; 4 ca tử vong. Đến nay tổng số ca COVID-19 của Quảng Bình là 14.195 ca; tổng số ca khỏi là 9.404; số đang điều trị tại bệnh viện là 412 ca; có 20 ca tử vong.
- Ngày 19-2, Quảng Trị ghi nhận thêm 518 ca COVID-19, cao nhất từ trước đến nay, nâng tổng số người mắc bệnh này lên 10.129 ca; trong đó 14 ca tử vong. Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, số ca mắc COVID-19 ở Quảng Trị liên tục tăng cao.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2024 | Thời báo ĐỨC