Thủ tướng Đức Olaf Scholz (Ảnh: AFP).
Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã bị chỉ trích vì làm lộ thông tin tình báo sau khi ông dường như có ý ám chỉ binh lính Anh và Pháp đã giúp Ukraine bắn tên lửa tầm xa mà London và Paris cung cấp cho Kiev.
Ông Scholz đưa ra những bình luận này khi giải thích sự chần chừ của Đức khi Ukraine đề xuất được viện trợ tên lửa hành trình tầm xa Taurus do Berlin sản xuất, điều mà ông cho rằng có nguy cơ khiến nước này trực tiếp tham gia vào cuộc chiến.
Theo ông Scholz, tên lửa có tầm tấn công tới 500km này sẽ cần có sự hỗ trợ của binh sĩ Đức trên thực địa thì Ukraine mới có thể sử dụng.
Theo ông Scholz, Đức không thể làm "những điều như Anh và Pháp đã thực hiện cho Ukraine" với tên lửa tầm xa Storm Shadow và SCALP mà 2 nước trên viện trợ trước đó.
Giới quan sát nhận định, phát ngôn của ông Scholz dường như có ý ám chỉ rằng binh sĩ Anh và Pháp có thể đã hỗ trợ cho Ukraine vận hành các tên lửa tầm xa tấn công vào mục tiêu Nga trong thời gian qua.
Các nguồn tin quốc phòng nói với The Telegraph rằng bình luận của ông Scholz đã làm gia tăng mối lo ngại về sự an toàn của các nhân viên quân sự và ngoại giao của Anh và Pháp (tại Nga).
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace đã chỉ trích phát biểu của ông Scholz với những từ ngữ khá mạnh. Ông Wallace cáo buộc phát biểu của ông Scholz đã đề cập tới thông tin không đúng và có thể tác động tới an ninh của châu Âu.
Tobias Ellwood, cựu chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Anh, cáo buộc ông Scholz đã "sử dụng thông tin tình báo nhằm đánh lạc hướng sự do dự của Đức trong việc trang bị cho Ukraine hệ thống tên lửa tầm xa".
"Chắc chắn điều này sẽ được Nga sử dụng để leo thang tình hình", ông cáo buộc.
Người phát ngôn của chính phủ Đức nói với Business Insider rằng họ không đưa ra bình luận về vụ việc.
Trong khi đó, một người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Anh cho biết: "Việc Ukraine sử dụng Storm Shadow và các quy trình nhắm mục tiêu của nó là công việc của Lực lượng Vũ trang Ukraine".
Quan chức London cho rằng ông Scholz "không xác nhận sự hiện diện của quân đội Anh ở Ukraine". Mặc dù vậy, người phát ngôn trên nói rằng Anh trước đó triển khai một số lượng nhỏ nhân sự của Bộ Quốc phòng ở Ukraine để bảo đảm an ninh cho cơ quan ngoại giao và ủng hộ cho lực lượng Ukraine.
Vào tháng 5/2023, Vương quốc Anh trở thành quốc gia đầu tiên gửi tên lửa tầm xa Storm Shadow cho Ukraine. Sau đó, Pháp cũng thông báo gửi tên lửa SCALP, mẫu vũ khí tính năng tương tự như tên lửa Anh.
Các tên lửa này được thiết kế cho "các cuộc tấn công được lên kế hoạch trước nhằm vào các mục tiêu cố định và có giá trị cao".
Theo tổ chức tư vấn Hội đồng Đại Tây Dương, các tên lửa tầm xa trên cho phép Ukraine nhắm mục tiêu vào các kho đạn dược và sở chỉ huy nằm sâu trong lãnh thổ Nga kiểm soát.
Ukraine được cho từng bắn tên lửa này vào trụ sở Hạm đội Biển Đen của Nga ở Crimea, BBC dẫn nguồn tin an ninh cho hay.
Trong một diễn biến có liên quan, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cáo buộc Anh đã can dự quân sự trực tiếp vào Ukraine.
Trước đó, báo The Times có đưa thông tin rằng Đô đốc Tony Radakin, người đứng đầu lực lượng vũ trang Anh, có thể đã giúp lập "kế hoạch chiến đấu" cho Ukraine.
"Nói chung, việc người Anh thực sự cung cấp các hình thức hỗ trợ khác nhau cho Ukraine không phải là điều bí mật. Điều đó có nghĩa là, họ thực sự trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột này", ông cáo buộc.
Theo BI
Nguồn: Báo điện tử Dân trí
© 2024 | Thời báo ĐỨC