Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu tại Hạ viện Quốc hội Liên bang Đức ở Berlin năm 2017. Ảnh: AFP.
Hàng loạt thông tin nhạy cảm của các chính trị gia Đức đã bị tin tặc phát tán công khai trên mạng xã hội Twitter trong tháng 12.2018. Những thông tin này bao gồm địa chỉ nhà riêng, số điện thoại di động, địa chỉ hòm thư, hóa đơn và bản sao tài liệu nhận dạng. Sự cố rò rỉ dữ liệu này chỉ vừa được chính phủ Đức xác nhận vào ngày 4.1.
Hiện chưa rõ đây có phải là một cuộc tấn công có chủ đích của tin tặc nhằm vào các nhà chức trách Đức, hay đơn thuần là một vụ rò rỉ nội bộ.
Theo lời phát ngôn viên của chính phủ Đức Martina Fietz, dữ liệu và thông tin cá nhân bị phát tán của 100 nhân vật trong giới chính trị Đức, bao gồm cả Thủ tướng Angela Merkel. "Chính phủ Đức đặc biệt quan tâm đến sự cố nghiêm trọng này", bà Fietz cho hay.
Trong số 100 nạn nhân của vụ rò rỉ, có các thành viên của Hạ viện Quốc hội Liên bang Đức (Bundestag) và Nghị viện Châu Âu, cũng như Tổng thống Frank-Walter Steinmeier.
Bà Fietz cũng cho biết theo kết quả của cuộc điều tra sơ bộ, "không có bất kỳ dữ liệu và thông tin nhạy cảm" từ văn phòng Thủ tướng Merkel bị rò rỉ ra bên ngoài.
Các cơ quan chính phủ khác tại Berlin cũng đang tiến hành các cuộc điều tra tương tự. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Đức Katarina Barley phát biểu: "Bất cứ ai đứng đằng sau vụ rò rỉ này đều muốn làm tổn hại niềm tin vào các tổ chức lập pháp và nền dân chủ của chúng ta".
Bên cạnh các chính trị gia, vụ rò rỉ còn tiết lộ thông tin nhạy cảm của nhiều nhân vật công chúng và nhà báo.
Tờ Bild và đài phát thanh RBB là hai đơn vị truyền thông đầu tiên báo cáo về vụ rò rỉ nói trên. Bild cho rằng chưa rõ tin tặc đã bắt đầu cuộc tấn công bắt đầu từ khi nào, nhưng nó vẫn tiếp diễn cho tới tháng 10 năm 2018.
Mặc dù những dữ liệu nói trên không bao gồm tài liệu chính trị nhạy cảm, nhưng dựa trên khối lượng dữ liệu bị rò rỉ thì thiệt hại sẽ rất lớn.
Chuyên gia bảo mật cho rằng: "Trong vụ rò rỉ này, có quá nhiều dữ liệu ẩn để tránh việc bị gỡ bỏ. Tin tặc đã mất nhiều giờ để tải lên. Tổng cộng 70 liên kết bản sao tới đường dẫn tải xuống; 40 đường dẫn tải xuống và mỗi đường dẫn có 3-5 bản sao; 161 tệp tin bản sao dữ liệu. Đó là chưa kể tới bài đăng trên Twitter, blog và bản sao của liên kết bản sao". Ảnh: Twitter.
Phát ngôn viên của chính phủ Đức Marina Fietz cảnh báo dữ liệu của Thủ tướng Angela Merkel không bị lộ "quá nhiều", một số tài liệu và thông tin rò rỉ có thể bị làm giả.
Đài phát thanh RBB cho rằng có khả năng cao là lượng lớn dữ liệu và thông tin nói trên được trích xuất qua một nguồn duy nhất.
Các nhà lãnh đạo nhóm nghị viện Đức đã được thông báo về vụ tấn công ngày 3/1. Hiện tại, Văn phòng An ninh Thông tin Liên bang Đức (BSI) và cơ quan tình báo nước này đang bắt tay để điều tra làm rõ.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Horst Seehofer tuyên bố: "Phân tích ban đầu cho thấy nhiều bằng chứng dữ liệu rò rỉ được thông qua quá trình đăng nhập vào dịch vụ đám mây, tài khoản email hoặc mạng xã hội". Ông Seehofer nói thêm: "Hiện tại không có gì chỉ ra hệ thống của quốc hội hoặc chính phủ đã bị xâm phạm."
Đăng tải trên Twitter, đại diện phòng An ninh Thông tin Liên bang Đức (BSI) khẳng định: "Theo thông tin hiện tại của chúng tôi, các mạng lưới của chính phủ không phải là mục tiêu của cuộc tấn công".
Cơ quan điều tra phát hiện tài khoản có tên @_0rbit, đăng ký trên Twitter vào giữa năm 2017 và đã thu hút hơn 18.000 người theo dõi. Nó đã liên tục chia sẻ các liên kết trong tháng 12 năm 2018, mỗi liên kết chứa thông tin mới ẩn sau một "cánh cửa". Chủ tài khoản này, được xác định ở Berlin, tự gọi mình là "chúa" (G0d) và thường xuyên mô tả hoạt động nhằm "nghiên cứu an ninh", "nghệ thuật", phản ánh hành vi "trớ trêu và châm biếm".
Một trong số các liên kết bị @_0rbit phát tán cho thấy hai địa chỉ e-mail được Thủ tướng Angela Merkel sử dụng, kèm theo số fax và thư cá nhân của bà. Đến giữa ngày 4.1, Twitter mới đình chỉ tài khoản vi phạm này.
Năm 2018, Cơ quan Liên bang về Bảo vệ Hiến Pháp Đức tiết lộ rằng nhiều cuộc tấn công mạng nhằm vào các nghị sĩ, quân đội và một số đại sứ quán do tổ chức "Turla" (hay "Uruburos") thực hiên. Cơ quan an ninh nội địa Đức cũng cáo buộc tổ chức "Turla" có liên kết với tình báo Nga. Nghiêm trọng nhất là vụ tấn công mạng máy tính nội bộ của chính phủ Đức hồi tháng 3.2018 gây thất thoát dữ liệu của các quan chức bộ ngoại giao.
Nguồn: Inquirer/ viettimes.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC