Foto: Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock. (Nguồn: Imago-Images)
Phát biểu tại trụ sở Bộ Ngoại giao khi tiếp quản công việc từ người tiền nhiệm Heiko Maas, bà Baerbock đã nêu quan điểm về tình hình chính trị thế giới, về vai trò của châu Âu, cũng như các điểm nhấn trong chính sách ngoại giao của Đức.
Theo đó, nữ chính trị gia Đức một lần nữa nhấn mạnh vai trò quan trọng của Liên minh châu Âu (EU) trong việc ứng phó với các khủng hoảng, thách thức.
Theo bà, châu Âu sẽ là cốt lõi trong chính sách đối ngoại của Đức, trong đó Berlin muốn tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị và cần thiết với đối tác Pháp, dù hai bên vẫn có những khác biệt, như trong chính sách quốc phòng.
Ngoại trưởng Đức cho rằng, vấn đề chủ quyền chiến lược của châu Âu không phải là ưu tiên về quân sự mà thiên về mặt kinh tế và công nghệ, khả năng tối đa hóa thông qua hợp tác và đó chính là "sức mạnh mềm" đã giúp châu Âu lớn mạnh.
Đức cũng ủng hộ việc tăng cường quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương, không chỉ bao gồm một Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) được củng cố hay một liên minh khí hậu, mà còn là sự kết nối giữa sáng kiến Cửa ngõ toàn cầu (Global Gateway Initiative) của EU với chương trình Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn (3BW) của Mỹ.
Bà Baerbock cho biết, Đức sẽ nỗ lực để đẩy mạnh hiệu quả trong chính sách ngoại thương và chính sách khí hậu quốc tế, trong đó các mục tiêu trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, nữ ngoại trưởng đầu tiên của Đức nhấn mạnh, chính sách đối ngoại của nước này sẽ dựa trên đối thoại và hợp tác. Berlin sẽ tiếp tục cùng các đối tác đàm phán về chương trình hạt nhân Iran, vấn đề Ukraine, Afghanistan, viện trợ nhân đạo và các vấn đề khác.
Bên cạnh đó, Đức cũng nhấn mạnh việc tôn trọng các quy tắc quốc tế về Luật Biển ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và muốn mở rộng hơn nữa quan hệ đối tác trong khu vực.
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Đức, từ tối 8-10/12, tân Ngoại trưởng Baerbock sẽ thực hiện chuyến công du đầu tiên tới Paris (Pháp), Brussels (Bỉ) và Warsaw (Ba Lan) để gặp những người đồng cấp Pháp, Ba Lan, Đại diện cấp cao EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg.
Bộ trên cho hay, trọng tâm các cuộc làm việc của Ngoại trưởng Baerbock là về quan hệ song phương, các vấn đề của châu Âu, chính sách đối ngoại, việc kiểm soát khủng hoảng khí hậu toàn cầu, tình hình biên giới Ba Lan-Belarus cũng như tương lai EU và nhiệm kỳ chủ tịch Hội đồng EU của Pháp.
(theo Federal Foreign Office, TTXVN)
© 2024 | Thời báo ĐỨC