Tấn công khủng bố bằng xe đang trở thành nỗi ám ảnh của châu Âu

Giới chuyên gia cho rằng chiến thuật lao xe không cần phải có chất nổ hay vũ khí và chỉ cần một kẻ tấn công - "sói đơn độc" thực hiện đang ngày càng phổ biến và trở thành nỗi ám ảnh của người dân châu Âu.

Theo phân tích của giới chuyên gia thì phương thức dùng phương tiện để tấn công khủng bố đang ngày càng phổ biến ở châu Âu. Một chiếc ôtô thuê và một con dao bếp, đó là tất cả những gì cần để Khalid Masood thực hiện vụ tấn công chết chóc gần tòa nhà quốc hội Anh ở thủ đô London ngày 22/3.

Tấn công khủng bố bằng xe đang trở thành nỗi ám ảnh của châu Âu - 0Tấn công khủng bố bằng xe đang trở thành nỗi ám ảnh của châu Âu - 1

Vụ tấn công chết chóc gần tòa nhà quốc hội Anh ở thủ đô London ngày 22/3

Vài giờ sau vụ lao xe ở London, một trang tin Anh tìm được bản hướng dẫn tấn công khủng bố bằng xe hơi của IS chỉ bằng vài từ khóa đơn giản trên Google và Twitter.

Trong hướng dẫn, IS kêu gọi phiến quân ở phương Tây học hỏi những kẻ khủng bố người Palestine, "dùng xe hơi làm công cụ chiến tranh, dao làm vũ khí". IS còn có một bản hướng dẫn chi tiết cách tạo ra sự hỗn loạn, nên đâm dao vào vị trí nào trên người.

Google tối 23/3 đã lập tức gỡ đường dẫn đến các tài liệu nêu trên. Người phát ngôn cho Google nói, "Chúng tôi đau buồn sâu sắc trước chủ nghĩa khủng bố và tình trạng bạo lực. Chúng tôi đã gỡ bỏ đường dẫn tới những nội dung phi pháp trong kết quả tìm kiếm khi nhận được thông báo".

Một năm trước, cả châu Âu rúng động với các vụ tấn công khủng bố theo hình thức “sói đơn độc”, sử dụng phương tiện vận tải thông dụng là ô tô để gây án. Cách thức mà kẻ tấn công khủng bố ở London sử dụng là tương tự như vụ khủng bố tại Nice (Pháp) ngày 14/7/2016 hay tại chợ Noel ở Berlin trong dịp Giáng sinh 2016.

Vào ngày 14/7/2016,  tên Mohamed Lahouaiej Bouhlel đã dùng chiếc xe tải 20 tấn lao vào hàng trăm người ở thành phố Nice của Pháp, nơi mọi người đang tập trung xem pháo hoa nhân Ngày Độc lập. Sau khi xe tải lao qua đám đông dài hơn 1 km, Mohamed Lahouaiej Bouhlel đã bị cảnh sát bắn chết. Vụ tấn công khiến 84 người chết, hơn 200 người bị thương.

4 tháng sau, người dân tại Berlin, Đức cũng phải trải qua những thời khắc kinh hoàng như vậy. Vào ngày 19/12/2016, một chiếc xe tải đã lao vào đám đông tại một khu chợ Giáng sinh đông đúc ở ở Berlin, Đức. Nghi phạm Anis Amri bị cảnh sát bắn chết ở Italy. Vụ tấn công này đã khiến 12 người chết, ít nhất 48 người bị thương.

Đây thực ra không phải là điều quá mới mẻ với các lực lượng an ninh châu Âu bởi trong báo cáo đưa ra hồi tháng 8/2016 của Cơ quan cảnh sát châu Âu, Europol thì nguy cơ tấn công khủng bố dạng này đã được nhắc đến nhiều. Tức là, để tránh sự theo dõi và kiểm soát ngày càng chặt chẽ của các lực lượng an ninh thì các nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan, nhất là IS, đang tìm cách thay đổi.

Chúng không dùng đến những cách phức tạp, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ như đai thuốc nổ tự sát hay súng tấn công hạng nặng nữa mà chuyển sang sử dụng các phương thức đơn sơ hơn là dùng xe lao vào đám đông. Mục đích là hành động ít bị chú ý nhất và gây thiệt hại nhân mạng nhiều nhất. Đây là phương thức rất khó đối phó bởi các phần tử khủng bố có thể sử dụng bất cứ chiếc xe ô tô dân dụng nào và lao vào bất cứ đám đông nào trên đường.

Có thể nói, các cách thức khủng bố này tuy đơn giản nhất nhưng lại khó đối phó nhất bởi lực lượng an ninh không thể nào giám sát tất cả các xe chạy trên đường để ngăn chặn nguy cơ. Đây thực sự là bài toán đau đầu với các cơ quan an ninh châu Âu.

Vụ tấn công ở London một lần nữa cho thấy, Hồi giáo cực đoan đang trở thành mối đe doạ nghiêm trọng không chỉ đến sự an toàn của các công dân châu Âu mà còn làm rạn nứt xã hội, đẩy cao các xung đột về tôn giáo, sắc tộc và văn minh giữa các sắc dân sống trong lòng xã hội các nước như Pháp, Bỉ hay Anh.

 

Hà Kim, CONGLY


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày