Từ tháng 9 năm 2016, ngân hàng Gmund am Tegernsee của Đức sẽ thu phí 0,4% đối với những khoản tiền gửi vượt quá 100.000 euro (tương đương 111.710 USD).
Vào năm 2014, khi NHTW châu Âu (ECB) giới thiệu chính sách lãi suất âm đối với khoản tiền mà các ngân hàng thương mại đem tới gửi tại NHTW, chắc hẳn có rất ít người nghĩ rằng câu chuyện có thể đi xa hơn nữa.
Tuy nhiên, tuần trước, ngân hàng tiết kiệm hợp tác Gmund am Tegernsee của nước Đức đã thông báo sẽ bắt đầu thực hiện lãi suất âm đối với tiền gửi nhỏ lẻ. Từ tháng 9 tới, ngân hàng sẽ thu phí 0,4% đối với những khoản tiền gửi vượt quá 100.000 euro (tương đương 111.710 USD).
Theo Josef Paul, một thành viên trong hội đồng quản trị của ngân hàng, lãi suất âm đã được áp dụng với một số khách hàng doanh nghiệp, vì thế sẽ không có gì khác biệt nếu áp dụng với khách hàng cá nhân nhưng có khoản tiền gửi quá lớn.
Phục vụ ngôi làng với dân số 5.767 người, Gmund am Tegernsee cho biết sẽ chỉ có khoảng 140 khách hàng bị ảnh hưởng bởi quyết định này. Tuy nhiên, về lý thuyết thì chính sách lãi suất âm của ECB được đưa ra là để khuyến khích chi tiêu và đầu tư nhằm vực dậy khu vực kinh tế eurozone đang trì trệ, chứ không phải là đánh thuế vào những người giàu có.
Trên thực tế, khi giới thiệu chính sách lãi suất âm vào tháng 6/2014 với động thái hạ lãi suất huy động xuống mức -0,1%, Chủ tịch ECB Mario Draghi cũng nói rằng đây là chính sách “dành cho các ngân hàng chứ không phải cho người dân”.
Kể từ đó đến nay, ECB đã có thêm 3 lần hạ lãi suất và các nhà hoạch định chính sách nói rằng động thái này không gây ra bất cứ hiệu quả tiêu cực nào (ví dụ như khách hàng ồ ạt rút tiền) đồng thời tín dụng đã tăng trưởng trở lại dù chậm chạp.
Tuy nhiên, giờ đây rủi ro mà các nhà hoạch định chính sách của ECB phải đối mặt là chính sách lãi suất âm không tạo ra nhiều hiệu quả đáng kể đối với nền kinh tế thực. Tăng trưởng của eurozone vẫn suy giảm trong quý II, khiến khu vực này mong manh hơn bao giờ hết trước những hiểm nguy mà sự kiện Brexit mang lại.
Hơn nữa trong môi trường đó, các ngân hàng ở châu Âu thường xuyên phàn nàn rằng lãi suất âm đang ăn mòn lợi nhuận của họ. Một số đã bắt đầu áp dụng lãi suất âm với những khoản tiền gửi lớn của khách hàng doanh nghiệp.
Năm ngoái NHTW Đức ước tính đến năm 2019 môi trường lãi suất âm sẽ khiến lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng Đức sụt giảm 25%.
Cách đây 2 tuần, một quan chức của ECB nói rằng các khách hàng cá nhân vẫn sẽ ở lại với ngân hàng vì họ tin rằng tiền tiết kiệm của mình sẽ không bao giờ bị áp dụng lãi suất âm.
“Lượng tiền gửi của các hộ gia đình và tổ chức phi tài chính vẫn tăng lên trong 2 năm qua, giống như trước khi thực thi chính sách lãi suất âm. Lãi suất tiền gửi nhỏ lẻ có mức sàn là 0%”, vị này nói hôm 28/7.
Lời nhận định trên là đúng. Gmund am Tegernsee chỉ là một trường hợp cá biệt.
Tuy nhiên liệu trường hợp này có nhân rộng ra hay không sẽ phụ thuộc vào phản ứng của các ngân hàng ở Đức cũng như các nơi khác đối với điều cấm kỵ là thu phí người gửi tiền.
Về phần mình, Michael Kemmer, Chủ tịch Hiệp hội ngân hàng Đức, nhận định làn sóng sẽ không lan rộng.
Thu Hương
Theo Trí thức trẻ/Bloomberg
© 2024 | Thời báo ĐỨC