Ngày 3/4, người phát ngôn Bộ Nội vụ Đức Annegret Korff cho biết nước này đã nhận được ít nhất 262 hồ sơ tị nạn của các nhà ngoại giao và nhân viên quân đội Thổ Nhĩ Kỳ kể từ sau cuộc đảo chính không thành công tại Ankara hồi tháng 7 năm ngoái.
Cụ thể, 151 trong tổng số 262 người xin tị nạn có hộ chiếu ngoại giao, trong khi 111 người còn lại có hộ chiếu công vụ được cấp bởi Chính phủ dành riêng cho nhân viên quân đội và người thân.
Người Thổ Nhĩ Kỳ xin tị nạn tại Đức tăng lên.
Bà Korff cho hay con số xin tị nạn thực tế còn có thể cao hơn do "nó mới chỉ đang dựa vào những đề nghị mang tính tự nguyện của người xin tị nạn" và nhấn mạnh "mọi trường hợp sẽ được xem xét cụ thể và quyết định theo luật pháp".
Bà cũng từ chối cho biết số lượng cụ thể các quan chức ngoại giao xin tị nạn cũng như địa vị của họ.
Cục Di trú và Tị nạn Liên bang Đức (BAMF) cho biết thêm rằng số đơn xin tị nạn từ Thổ Nhĩ Kỳ được chấp thuận đã tăng lên do tình hình chính trị bất ổn ở Ankara. Những người có liên kết với giáo sĩ Gulen tại Thổ Nhĩ Kỳ đang bị điều tra và bắt giữ một cách có hệ thống.
Tháng 2/2017, Thổ Nhĩ Kỳ còn yêu cầu Đức bác đơn xin tị nạn của 40 quan chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Fikri Isık cảnh báo rằng việc chấp thuận những đơn tị nạn nói trên có thể phá hỏng quan hệ giữa Ankara và Berlin.
Sau đó, Đức đã từ chối yêu cầu này của chính quyền Ankara.
Các tờ báo Đức cho hay, 40 quan chức nói trên là những nhân viên của Thổ Nhĩ Kỳ tại NATO. Những người này xin tị nạn chính trị vì lo bị thanh trừng sau vụ đảo chính bất thành ngày 15/7/2016.
Sau cuộc binh biến này, con số công dân Thổ Nhĩ Kỳ xin tị nạn tại Đức tăng mạnh. Chính phủ Đức thông báo đã có tới 5.166 công dân Thổ Nhĩ Kỳ làm đơn xin tị nạn tại nước này trong năm 2016, cao hơn khoảng 3.500 hồ sơ so với năm 2015 với khoảng 80% số người đăng ký tị nạn là người Kurd.
Cuộc đảo chính thất bại của Thổ Nhĩ Kỳ. |
Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ và Đức gần đây có dấu hiệu gia tăng căng thẳng sau khi chính quyền các nước Đức và Hà Lan cấm các Bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ phát biểu trước những người gốc Thổ ngay trước thềm cuộc trưng cầu ý dân về sửa đổi Hiến pháp.
Theo ông Erdogan, cuộc trưng cầu ý dân dự kiến diễn ra ngày 16/4 sắp tới, nhằm sửa đổi Hiến pháp đưa Thổ Nhĩ Kỳ chuyển sang mô hình Tổng thống điều hành, sẽ giúp nước này đẩy nhanh tốc độ phát triển.
Ông Erdogan cũng lên tiếng cáo buộc các nước Phương Tây hậu thuẫn nhóm Đảng Công nhân người Kurd (PKK), bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là Tổ chức khủng bố vốn bị cấm hoạt động tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Hôm 2/4, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho rằng yếu tố tôn giáo là nguyên nhân chính khiến trong suốt hơn 50 năm qua nước này không được gia nhập Liên minh châu Âu (EU).
Tổng thống Erdogan nói: "Các bạn có biết vì sao Thổ Nhĩ Kỳ trong suốt 54 năm qua không thể gia nhập được EU? Liên minh châu Âu EU - đó là Liên minh Cơ đốc giáo (ý nói liên minh cầm quyền Đức - PV)".
Ngọc Dương - Báo Đất Việt
© 2024 | Thời báo ĐỨC