Giành lại vỉa hè cho người đi bộ là chủ trương đúng nhưng với cách làm như hiện tại của hầu hết tỉnh, thành hiện nay thì chưa phải là cách làm hay, ít nhiều tạo sự ức chế và khó khăn cho người dân. Nhiều trường hợp không nhất thiết phải tháo dỡ vì ít ảnh hưởng đến người đi bộ như mái che, mái vẩy ở hàng hiên, hay những biển quảng cáo treo trên cao.
Ở Việt Nam không biết tự bao giờ người dân sống mặt phố tự quan niệm rằng “đất thẳng cửa nhà mình ra là đất của mình”. Vì vậy dù vỉa hè là đất công nhưng họ vẫn cho là của riêng. Nếu bạn không tin thì cứ thử đỗ xe trên vỉa hè trước cửa một hộ kinh doanh nào xem có bị đuổi ngay không? Ở Đức thì khác, ngoài ranh giới của ngôi nhà bạn thì đó là đất công và do vậy đất công là do thành phố quản lý. Nếu bạn muốn làm gì trên đất công đó thì phải có sự cho phép của thành phố.
Tại Đức, người ta quy hoạch từ cái thùng đựng rác.
Tức là mỗi thùng đựng rác ngoài đường đều đc đánh dấu trên bản đồ, do vậy vỉa hè cũng thế, họ quy hoạch xem chỗ nào là nơi để xe, chỗ nào là nơi kết hợp đi bộ và kinh doanh.
Chính vì xuất phát từ hai quan điểm trên nên việc quản lý vỉa hè ở Đức theo quan sát của cá nhân tôi thì thấy rất khoa học, ngăn nắp và hiệu quả hơn Pháp, Ý hay Hà Lan. Vậy họ quản lý và quy hoạch như thế nào?
Một là:
Tất cả các bậc tam cấp không được xây lấn ra vỉa hè, tức là anh chỉ đc xây trong phạm vi đất thuộc sở hữu của gia đình. Tất nhiên do thành phố ít ngập lụt như Việt Nam nên các nhà thường làm nhà cao hơn mặt đường chỉ một chút.
Hai là:
Những biển quảng cáo của cửa hàng muốn đặt trên vỉa hè thì chủ kinh doanh phải xin phép thành phố và phải nộp phí thuê đặt biển hàng năm cho thành phố. Nếu không sẽ bị phạt tiền chứ không bị bê biển lên xe như ở ta.
Ba là:
Nếu vỉa hè rộng, người kinh doanh có thể xin phép thành phố cho phép kinh doanh một phần trên vỉa hè. Thường các quán bia, kem hoặc cửa hàng hoa sẽ phải thuê thêm vỉa hè để kinh doanh cho tiện lợi. Những chỗ này thường đã nằm trong quy hoạch của thành phố.
Bốn là:
Những bạt che nắng khỏi chiếu vào nhà đc làm trên cao, không ảnh hưởng đến người đi bộ vẫn đc phép sử dụng. Có nơi thành phố cho làm cố định, có nơi yêu cầu làm bạt di động, kéo ra kéo vào được.
Năm là:
Một số đoạn vỉa hè vì ít người đi bộ hoặc vỉa hè rộng thì thường chia đổi, một nửa dành đi xe đạp, một nửa dành cho người đi bộ. Trên vỉa hè, thành phố thiết kế sẵn những chỗ để xe đạp hoặc xe máy công cộng.
Sáu là:
Nếu ai kinh doanh mà không xin phép bầy hàng trên vỉa hè thì chỉ có thể bày hàng trong phạm vi đất của mình mà thôi. Giống như trong ảnh, chủ một cửa hàng sách báo chỉ dám bày hàng trên bậc thềm trong phần diện tích của cửa hàng.
Từ kinh nghiệm này cho thấy, đã đến lúc Việt Nam có thể thực hiện việc cho thuê vỉa hè đối với tất cả các hộ kinh doanh, kể cả mấy bậc tam cấp kia cũng không nhất thiết phải đập phá vì xét cho cùng cũng không ảnh hưởng nhiều đến người đi bộ. Thay vì đập đi, nếu muốn tồn tại thì phải trả tiền thuê đất cho thành phố.
Nếu không trả tiền thuê thì xử phạt và cưỡng chế dỡ bở. Người bị cưỡng chế không những chịu tiền phạt mà còn phải trả tiền nhân công và máy móc đến phá, không như hiện nay là nhà nước đang tốn tiền ngân sách để đi phá dỡ.
LS. Hoàng Nguyên Bình - Báo Xây Dựng
© 2024 | Thời báo ĐỨC