Ở Đức, người trẻ ít hạnh phúc hơn người già. Ảnh: amp.dw.com
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, nhà khoa học xã hội Hilke Brockmann tại Đại học Constructor Bremen của Đức đã đưa ra nhận định về lý do khiến nền kinh tế đầu tàu châu Âu tụt hạng. Bà Brockmann cho rằng có lẽ người dân nước này phản ứng nhạy cảm và lo lắng hơn nhiều so với người dân các quốc gia khác trước sự bùng nổ của các cuộc xung đột, xuất phát từ lịch sử của Đức.
Các nhà nghiên cứu tại Đức theo dõi tâm trạng công chúng cũng đã ghi nhận tỷ lệ nghịch giữa tình hình kinh tế xã hội và cảm giác hạnh phúc cá nhân.
Chuyên gia Brockmann cho rằng thứ hạng tương đối mờ nhạt của Đức liên quan các chính sách vĩ mô, trong đó có chính sách thắt lưng buộc bụng mà nước này theo đuổi và những hạn chế cơ sở hạ tầng công cộng. Ngoài ra, theo chuyên gia này, mạng lưới an sinh xã hội của các nước Bắc Âu rộng hơn và mức hỗ trợ cao hơn so với Đức, do đó tại các nước này hình thành sự đoàn kết cơ bản thường thiếu ở các quốc gia có chính sách phúc lợi chặt chẽ như Đức.
Trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2024, Phần Lan giữ vững vị trí quốc gia hạnh phúc nhất thế giới năm thứ 7 liên tiếp, trong khi Đức tụt hạng xuống vị trí thứ 24 và Mỹ ở vị trí 23. Việt Nam tăng 11 bậc so với năm ngoái và lên vị trí thứ 54. Đứng cuối bảng xếp hạng này là Afghanistan.
Bảng xếp hạng dựa trên kết quả khảo sát tại 143 quốc gia và vùng lãnh thổ cũng như dựa vào trung bình cộng 3 năm khảo sát gần nhất.
Người dân được yêu cầu tự đánh giá cuộc sống của họ theo thang điểm từ 0 đến 10 gắn với các yếu tố sự hài lòng trong cuộc sống, GDP bình quân đầu người, an sinh xã hội, tuổi thọ và sức khỏe, sự tự do, sự hào phóng và vấn đề tham nhũng.
© 2024 | Thời báo ĐỨC