Lo ngại khu vực tự do đi lại ở EU bị lung lay

Sự kiện chấn động nước Anh rời khỏi “ngôi nhà chung” Liên minh châu Âu (EU) từng dấy lên những quan ngại về sự rạn nứt, thậm chí “tan đàn xẻ nghé” của liên minh này.

Nay việc hết Áo rồi Thụy Sĩ “dựng rào chắn” biên giới với Italia cũng lại khiến dư luận đặt dấu hỏi lớn về số phận của Hiệp ước Schengen.

Việc Thụy Sĩ đóng cửa biên giới với Italia không chỉ thổi bùng căng thẳng giữa hai quốc gia láng giềng này mà còn là “liều thuốc thử” cho khu vực tự do đi lại Schengen của châu Âu.

Lo ngại khu vực tự do đi lại ở EU bị lung lay - 0

Cửa khẩu biên giới Novazzano bị phía Thụy Sĩ đóng cửa từ 23h tới 5h sáng hôm sau

Chính quyền Italia ngày 4-4 đã triệu Đại sứ Thụy Sĩ tại nước này Giancarlo Kessler tới để tham vấn khẩn cấp sau khi Thụy Sĩ đóng cửa 3 cửa khẩu nhỏ trên biên giới giữa hai nước trong khoảng thời gian từ 23h đến5h sáng ngày hôm sau.

Trước đó, từ ngày 1-4, Thụy Sĩ đã đơn phương đóng 3 cửa khẩu biên giới giữa hai nước là Novazzano, Marcetto và Pedrinate and Ponte Cremenaga cũng với khung giờ này.

Tại cuộc gặp với đại diện chính quyền Italia, Đại sứ Kessler “trần tình” rằng, việc đóng cửa 3 cửa khẩu biên giới trên của phía Thụy Sĩ là biện pháp kiểm tra thử nghiệm tính hiệu quả của hoạt động hợp tác giữa lực lượng cảnh sát hai nước trong việc trấn áp tội phạm xuyên biên giới. Đại sứ Kessler cũng khẳng định, Thụy Sĩ sẽ nhanh chóng khôi phục tình trạng biên giới mở giữa hai nước.

Trên thực tế, cách thức đóng cửa 3 cửa khẩu biên giới với Italia của Thụy Sĩ cũng khá đơn giản, đó là tiến hành lắp đặt trên con đường nối biên giới giữa hai nước các barrier hay hàng rào nhựa mà ai cũng có thể nhấc ra bằng tay một cách dễ dàng.

Trong khi đó, dù đóng cửa vào ban đêm nhưng vào ban ngày thì bất kỳ ai cũng có thể tự do đi lại qua biên giới mà không gặp trở nào. Đó là chưa kể cách cửa khẩu biên giới đóng cửa trong đêm chỉ vài kilomet có các cửa khẩu Bidzarone và Ponte Faloppia mở cửa 24/24 giờ.

Tuy nhiên, quyết định đóng cửa cửa khẩu biên giới của Thụy Sĩ lại mang ý nghĩa biểu tượng, thể hiện biện pháp “ngăn sông cấm chợ” khi mà Hiệp ước Khu vực tự do đi lại Schengen của châu Âu, mà Thụy Sĩ và Italia cùng là thành viên, có hiệu lực từ năm 1995 đã quy định biên giới “mở” giữa tất cả các thành viên. Bởi vậy, việc đóng cửa biên giới và cách giải thích của Đại sứ Thụy Sĩ Kessler đều đã không được giới chức Italia chấp nhận.

Tại Hội nghị tổ chức ở Lombardy (một vùng của Italia giáp biên giới với Thụy Sĩ), ông Agostino Grisoni, Thị trưởng thành phố Ronago thuộc Lombardy, thậm chí đã đề xuất nghị quyết chống đóng cửa biên giới.

Ông Grisoni cũng bác bỏ quan điểm của phía Thụy Sĩ cho rằng việc đóng cửa 3 cửa khẩu biên giới là do các vị trí này không được bảo vệ. Theo ông, biên giới tại đây đều có hệ thống giám sát bằng video.

Điều đáng nói là trước Thụy Sĩ, một quốc gia khác tham gia Hiệp ước Schengen là Áo vào tháng 5-2016 cũng đã áp dụng biện pháp tương tự khi thúc đẩy việc xây dựng một hệ thống rào chắn dài 370m ở đèo Brenner, tuyến đường huyết mạch nối giữa Italia và Áo. Lý do mà Áo đưa ra là để giảm bớt dòng người di cư từ đất nước hình chiếc ủng tràn sang Áo.

Việc làm của Áo khi đó đã làm dấy lên mối quan ngại sâu sắc ở châu Âu về hiệu lực của Hiệp ước Schengen. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã cho rằng, việc Áo xây rào chắn tại biên giới với Italia là một thảm họa chính trị cho châu Âu, đồng thời bày tỏ quan ngại hành động của Áo sẽ khiến nhiều nước khác ở châu Âu phản ứng bằng cách cũng đóng cửa biên giới.

Nay việc hết Áo rồi Thụy Sĩ “dựng rào chắn” biên giới với Italia cũng lại khiến dư luận đặt dấu hỏi lớn về số phận của Hiệp ước Schengen.

 

Nguồn:  An Ninh Thủ Đô


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày