Kinh tế Trung Quốc ''hắt hơi'', Đức sẽ bị ''cảm cúm''?

Với tình hình căng thăng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Trung Quốc sẽ không còn là "vị cứu tinh" cho nhiều công ty Đức. Đức là một trong số ít các nền kinh tế phương Tây đã xâm nhập vào Trung Quốc như một thị trường xuất khẩu lớn. Ngược lại, Trung Quốc đóng vai trò quan trọng cho sự mở rộng của Đức bằng cách mua ô tô và hàng hóa công nghiệp của nước này.

 

132 1 Kinh Te Trung Quoc Hat Hoi Duc Se Bi Cam Cum

 

Foto: Nền kinh tế Đức và Trung Quốc có sự tác động qua lại lẫn nhau

Nhưng nợ cao tại các công ty nhà nước của Trung Quốc và sự không chắc chắn xung quanh cuộc chiến thương mại với Mỹ đã ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp Đức.

Bên ngoài EU, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại quan trọng nhất đối với Đức. Nhưng nhập khẩu của Trung Quốc từ Đức đã giảm 37% trong năm 2018.

Phòng Công nghiệp và Thương mại của Đức ước tính rằng khoảng 900.000 việc làm ở Đức phụ thuộc vào xuất khẩu sang Trung Quốc, vốn đã chậm lại 4% trong tháng 11, từ mức hai con số hồi đầu năm.

"Đức rõ ràng nên lo ngại đến sự tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc, mặc dù khó có thể nói mức độ chậm lại thực sự mạnh đến mức nào", Carsten Brzeski, Nhà kinh tế trưởng khu vực Đức và Áo tại ING-DiBa, nhận định.

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng khoảng 6,6% trong năm 2018, chậm nhất kể từ năm 1990 và tăng trưởng cho năm 2019 dự kiến sẽ giảm xuống còn 6,5% hoặc thấp hơn.

Rõ ràng, sự tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc, đặc biệt là khi được gây ra bởi nhu cầu trong nước, sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Đức.

Nền kinh tế Đức cũng đang chững lại, theo dữ liệu từ Cục Thống kê Liên bang (Destatis). GDP tăng 2,2% trong năm 2017 nhưng đã giảm xuống 1,5% trong năm 2018.

Sự sụt giảm của Đức có thể là dấu hiệu của một bước ngoặt trong chu kỳ kinh tế toàn cầu sau nhiều năm tăng trưởng. Điều này càng được khẳng định với việc Trung Quốc tiến lên chuỗi giá trị và đổi mới nhanh hơn nhiều công ty Đức.

Các chuyên gia cũng tin rằng Trung Quốc đang nỗ lực kích thích nền kinh tế thông qua cải cách, bao gồm cả khả năng quay trở lại cách hỗ trợ cho các công ty nhà nước - sẽ ảnh hưởng đến các nhà xuất khẩu hàng hóa của Đức.

Hơn nữa, cuộc đối đầu thương mại Mỹ-Trung có thể tăng nhập khẩu từ Trung Quốc như hệ quả của việc tránh thuế quan cao của Mỹ - một điều có lợi cho người tiêu dùng Đức, nhưng sẽ gây thêm áp lực cho giới doanh nghiệp nước này.

Khi xuất khẩu của Đức suy yếu dần, Berlin sẽ hướng tới tăng trưởng nhờ vào nội địa, một thay đổi chiến lược quan trọng sau "phép màu kinh tế" sau chiến tranh chủ yếu được thúc đẩy nhờ xuất khẩu.

Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp ở Đức muốn một cách tiếp cận mạnh mẽ hơn với Trung Quốc.

Nhưng Hiệp hội công nghiệp Đức vào tuần trước đã kêu gọi các chính sách cứng rắn hơn của EU đối với Trung Quốc, mong muốn các công ty phụ thuộc ít hơn vào thị trường này. Đồng thời khuyến nghị, những khác biệt với Trung Quốc phải được giải quyết thông qua đối thoại.

Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz cho biết: "Đức đang yêu cầu quyền tiếp cận tốt hơn cho các doanh nghiệp Đức, đặc biệt là các ngân hàng và công ty bảo hiểm".

Nhưng Berlin gần đây đã thông qua một số các quy tắc cứng rắn hơn để sàng lọc và ngăn chặn việc bán cổ phần của các công ty Đức cho Trung Quốc vì lo ngại rủi ro.

Có thể thấy, sự chia rẽ trong nội bộ EU; giữa EU và chính sách “nước Mỹ trên hết” đang khiến cho nỗ lực của Đức và các nước châu Âu nhằm vận động Bắc Kinh thay đổi chính sách đã trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Các doanh nghiệp ô tô Đức tại Trung Quốc đang chịu những ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

Doanh nghiệp Đức tại Trung Quốc đang chịu ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

Cũng như người Mỹ, trong nhiều thập niên qua, cách tiếp cận của người Đức với Trung Quốc được tóm tắt trong thông điệp "thương mại mang tới sự thay đổi".

Nhưng bây giờ chiến lược đó đã thất bại. Niềm hy vọng rằng quan hệ kinh tế gần gũi hơn sẽ dẫn tới sự cởi mở giờ đây chỉ là một ảo vọng.

Từ góc độ kinh doanh, người Trung Quốc đánh giá cao sự nhạy bén, đơn giản và đáng tin cậy của người Đức; và người Đức đánh giá cao nỗ lực, sự kiên nhẫn và niềm đam mê của người Trung Quốc.

Tuy nhiên, xu hướng văn hóa kinh doanh của người Trung Quốc khiến nhân viên trở nên phục tùng hơn, đặc biệt là với các quyết định của người giám sát.

Điều này có thể dẫn đến môi trường làm việc không hiệu quả và kết quả kinh doanh tiêu cực trong sự hợp tác của họ với người Đức - những người được giáo dục để sẵn sàng đặt câu hỏi cho mọi người, kể cả người quản lý.

Với tình hình căng thăng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Trung Quốc sẽ không còn là "vị cứu tinh" cho nhiều công ty Đức.

Cẩm Anh, enternews.vn


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày