Khủng bố tiến dần tới đầu tàu châu Âu

Sau Đức, Anh cảnh báo khủng bố đặt chất nổ vào máy tính xách tay, điện thoại di động ở các sân bay và nhà máy điện nguyên tử.

Sunday Telegraph của Anh ngày 2/4 đưa tin, hiện các cơ quan an ninh Anh cảnh báo các sân bay và nhà máy điện nguyên tử của nước này đang có nguy cơ cao bị tấn công khủng bố.

 

Các cơ quan an ninh Anh cảnh báo mối đe dọa từ những kẻ khủng bố, gián điệp và tin tặc đối với 15 nhà máy hạt nhân và các sân bay trên toàn nước Anh vẫn còn rất cao. Số nhà máy này chiếm gần 1/5 lượng điện cung cấp cho toàn nước Anh, theo tờ Independent.

Khủng bố tiến dần tới đầu tàu châu Âu - 0

Khủng bố tiến dần tới đầu tàu châu Âu - 1

Anh lo ngại tấn công khủng bố ở nhà máy điện hạt nhân.

Theo đó, nhà chức trách Anh cho rằng, cần phải tăng cường mức độ bảo vệ trước các cuộc tấn công khủng bố trong bối cảnh có nhiều đe dọa gia tăng đối với các hệ thống an ninh điện tử.

Tờ báo Anh dẫn lời các cơ quan tình báo cho rằng, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các nhóm khủng bố khác đã tìm ra cách đặt chất nổ vào các máy tính xách tay và điện thoại di động để có vượt qua hàng rào an ninh tại các sân bay.

Trước đó, theo Bộ trưởng Năng lượng Anh Jesse Norman, chính phủ Anh đã chi khoảng 1,9 tỉ bảng Anh, cam kết chống lại các mối đe dọa từ an ninh mạng.

Điều này cho phép các cơ sở hạt nhân dân sự có thể chống lại và phục hồi ngay cả trước những mối đe dọa đang lan rộng hiện nay.

Hồi tuần trước, Anh và Mỹ đã cấm các hành khách đến từ các nước Trung Đông và Bắc Phi mang các thiết bị điện tử lớn hơn điện thoại di động theo hành lý xách tay.

Các quan chức Chính phủ Anh cảnh báo các phần tử khủng bố, gián điệp nước ngoài và các tin tặc đang tìm cách lợi dụng những yếu điểm của mạng thông tin trong lĩnh vực công nghiệp điện tử để tìm cách thực hiện các vụ tấn công.

Không chỉ Anh, hồi đầu tháng này, Đức cũng đồng loạt đóng cửa loạt nhà máy hạt nhân vì lo ngại tấn công khủng bố từ máy bay.

Khủng bố tiến dần tới đầu tàu châu Âu - 1

Máy bay Boeing 787 của hãng hàng không Ấn Độ bị mất liên lạc được chiến đấu cơ hộ tống qua vùng trời châu Âu hôm 10/3.

Cụ thể, hôm 10/3, chiếc máy bay Boeing 787 Dreamliner mang số hiệu AI171 của hãng hàng không Air India chở 231 hành khách và 18 phi hành đoàn xuất phát từ Ahmedabad (Ấn Độ) tới London bị mất liên lạc trên không phận Hungary do lỗi kỹ thuật với tần số vô tuyến.

Khi sang tới không phận Đức, chiếc máy bay chở khách tiếp tục được hộ tống bởi 2 tiêm kích Typhoon của Không quân nước này.  Đây là các biện pháp đảm bảo an toàn an ninh trên không của Đức, ngay khi nhận được tin báo về sự cố xảy ra. Các chiến đấu cơ Đức luôn sẵn sàng trực chiến, hộ tống các máy bay có khả năng gây nguy hiểm.

Cùng thời điểm này, sáng 10/3, Đức cũng đồng loạt đóng cửa 5 nhà máy điện hạt nhân ở Brunsbuttel, Brokdorf, Lingen, Unterweser và Grohnde tại miền Bắc nước này. Chính phủ Đức chỉ nói đóng cửa để kiểm tra nhưng dư luận Đức đặc biệt chú ý liên kết sự vụ này với vụ mất liên lạc máy bay Ấn Độ cùng ngày.

Những thông tin cảnh báo khủng bố ở "lục địa già" ngày càng thường trực hơn trong bối cảnh căng thẳng giữa một số quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) với Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng tăng lên. Vốn là cửa ngõ dòng người tị nạn từ Trung Đông đổ vào châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ có lợi thế trong mặc cả với phương Tây khi đòi hỏi những yêu sách từ phía các nước này hỗ trợ người gốc Thổ đang làm việc ở châu Âu được tham gia cuộc trưng cầu dân ý nhằm tăng thêm quyền lực cho Tổng thống Erdogan.

Gần đây, cuộc tranh cãi ngày càng có dấu hiệu tăng nhiệt.

Hôm 29/3,  Bộ Ngoại giao Đức thông báo, một số nhà bình luận người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ đã bị Thổ Nhĩ Kỳ giữ tại sân bay và không cho phép nhập cảnh.

Động thái này một lần nữa khiến quan hệ ngoại giao giữa 2 nước đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiếp tục xấu đi.

Các trường hợp bị từ chối nhập cảnh là người Kurd mang hộ chiếu Đức, đang làm việc tại quốc gia Tây Âu này với tư cách nhà bình luận, và họ có nguyện vọng về thăm gia đình ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Chính quyền Đức sẵn sàng lên tiếng về việc bảo hộ công dân đồng thời yêu cầu các động thái hạ nhiệt từ Ankara nhưng không được hồi đáp.

Trong trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ quyết định gia tăng căng thẳng bằng cách hé cửa cho dòng người tị nạn không có kiểm soát vào châu Âu, hàng rào an ninh của liên minh chắc chắn sẽ không đủ sức chống đỡ và tấn công khủng bố sẽ là câu chuyện kinh hoàng mà châu Âu phải gánh chịu.

Ngọc Dương, Datviet


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày