Ảnh minh họa. (Nguồn: FloodList)
Căn cứ trên cơ sở khoa học, chuyên gia nghiên cứu về đại dương Michgalis Vusdukas cảnh báo hiện tượng nóng lên toàn cầu sẽ khiến mực nước tại các đại dương, bao gồm cả Biển Bắc và Biển Baltic, dâng cao lên mức nguy hiểm, kéo theo nguy cơ nhấn chìm một phần bờ biển châu Âu. Trong thế kỷ tới, mực nước biển thậm chí sẽ dâng lên từ 57 đến 81 cm.
Không chỉ dừng lại tại đó, giới khoa học còn cho rằng với việc Trái Đất không ngừng nóng lên bất thường, lũ lụt có thể sẽ xảy ra hàng năm và thế giới sẽ phải đối diện với các thảm họa kể từ năm nay.
Tuy vậy, chuyên gia Alexandr Kislov đến từ Văn phòng Khí tượng và Khí hậu thuộc Trung tâm nghiên cứu chung của EC, cho biết nhiều nước châu Âu vẫn chưa sẵn sàng về mặt kỹ thuật cho viễn cảnh thời tiết cực đoan nói trên. Do đó, ông Kislov cho rằng ngay từ bây giờ các quốc gia này cần chuẩn bị để đối phó trước các thảm họa có thể xảy ra.
Theo chuyên gia Kislov, hiện có Hà Lan đạt được mức đảm bảo cần thiết trước các nguy cơ thiên tai do tác động của biến đổi khí hậu, bởi chính phủ nước này đã cho xây dựng hệ thống cửa đập ngăn lũ độc đáo.
Một hệ thống tương tự cũng đã được thiết lập tại thành phố St Petersburg của Nga.
Trong những năm gần đây, châu Âu đã phải hứng chịu một số trận lũ lớn. Nguy hiểm nhất là trận lụt năm 2013, khi Latvia, Macedonia và Cộng hòa Séc bị ngập nhiều vùng.
Cả Na Uy và Đức cũng bị nước lũ tấn công.
Hồi năm ngoái, mực nước sông Seine, Danube, Rhine và Neckar đã tăng mạnh gây ngập lụt dọc theo vùng bờ sông.
Ở thủ đô Paris của Pháp và các vùng lân cận đã phải ban bố cảnh báo nguy hiểm màu cam, trong khi tại các vùng phía Bắc nước Pháp, hàng nghìn người dân đã phải sơ tán./.
Vietnam+
© 2024 | Thời báo ĐỨC