Theo dữ liệu giao dịch, chốt phiên giao dịch ngày 8/12, giá khí đốt tại châu Âu nhảy vọt lên 1.150 USD/1.000m3, tăng hơn 3% so với phiên trước đó.
Giá mặt hàng nhiên liệu này tại châu Âu tiếp tục tăng mạnh do chịu tác động từ thông tin nói rằng Mỹ đang xem xét áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với Nga liên quan đến vấn đề Ukraine.
Trước đó, hãng RT của Nga đưa tin Bộ Ngoại giao Mỹ cùng với các đồng minh của Washington tại châu Âu đang xem xét khả năng cô lập hoàn toàn Nga với hệ thống tài chính toàn cầu nếu như Moscow có ý can thiệp quân sự vào Ukraine.
Phát biểu tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện hôm 7/12, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Victoria Nuland đã đề cập đến những cách thức mà Mỹ có thể trừng phạt Nga nếu như chính quyền Tổng thống Vladimir Putin quyết định can dự quân sự ở Ukraine. Theo bà Nuland, biện pháp trừng phạt có thể được đẩy căng lên mức cô lập hoàn toàn Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu, gây ảnh hưởng, thiệt hại cho các doanh nghiệp và người dân Nga về giao thương, đi lại và làm việc.
Hồi tuần trước, Mỹ và một số nước phương Tây bày tỏ quan ngại về sự gia tăng quân sự mà họ mô tả là “những hành động gây hấn” của Nga tại khu vực biên giới của Nga với Ukraine. Trong khi đó, Moscow bác bỏ cáo buộc này, nhấn mạnh rằng đó là một hành động chuyển quân trong phạm vi lãnh thổ của Nga và theo quyết định của riêng nước này, không gây ảnh hưởng và đe dọa bất kỳ quốc gia nào.
Giá khí đốt tại châu Âu biến động mạnh trong những tháng gần đây và liên tục thiết lập các mức giá kỷ lục, vượt 1.000 USD/1.000 mét khối và tăng lên 2.000 USD/1.000m3 vào đầu tháng 10 vừa qua.
Các nhà quan sát cho rằng một trong những nguyên nhân khách quan dẫn đến cuộc khủng hoảng khí đốt là sự tăng trưởng bùng nổ của nhu cầu khí đốt tại châu Á. Bên cạnh đó, tình trạng khan hiếm năng lượng cũng do tỷ lệ sản xuất điện gió của châu Âu giảm mạnh trong năm nay. Tuy nhiên, nguyên nhân chính của sự biến động mạnh trên thị trường năng lượng là trữ lượng khí đốt của châu Âu trong năm nay giảm kỷ lục so với những năm gần đây.
Trước đó, tập đoàn dầu khí quốc gia Nga Gazprom cho biết giá khí đốt tại châu Âu khó có thể giảm mạnh trong những tháng tới, và ngưỡng giá 1.000 USD/1.000 m3 sẽ không được duy trì lâu dài. Tập đoàn Gazprom quyết định từ chối bổ sung khối lượng vận chuyển cho tháng 12 thông qua đường ống dẫn khí Yamal - Europe đi qua Ba Lan.
Nguyễn Thu (Theo RT)
Nguồn: kinhtedothi.vn
© 2024 | Thời báo ĐỨC