Thủ tướng Đức Angela Merkel - Ảnh: Reuters.
Theo tin từ Reuters, bà Merkel nhận được sự ủng hộ của 43% tất cả các cử tri được khảo sát ý kiến, so với mức ủng hộ 32% dành cho ông Martin Schulz, ứng cử viên Thủ tướng Đức của đảng trung tả Dân chủ Xã hội (SPD). Ở nhóm cử tri có độ tuổi từ 18-21, tỷ lệ ủng hộ bà Merkel là 47%, so với mức 29% dành cho ông Schulz.
“Người trẻ biết Thủ tướng Merkel, người lãnh đạo nước Đức khi họ lớn lên, chứ không biết gì mấy về ứng cử viên Schulz”, ông Manfred Guellner, Giám đốc Forsa Institute, phát biểu. Ông Guellner nói rằng kết quả cuộc khảo sát này cho thấy “người trẻ Đức mong muốn sự ổn định và tiếp tục trong những thời điểm nhiều bất ổn hiện nay”.
Thời gian qua, bà Merkel đã vấp phải nhiều sự chỉ trích vì đã mở cửa đón hơn 1 triệu người tị nạn. Đặc biệt, sau khi xảy ra một vụ tấn công bằng xe tải vào một khu chợ Giáng sinh khiến 12 người thiệt mạng ở Berlin hồi cuối năm ngoái, nhiều người cho rằng bà Merkel khó có cơ hội tái đắc cử.
Trước khả năng phải trải qua một cuộc bầu cử khó khăn, bà Merkel đã thể hiện lập trường cứng rắn hơn về người nhập cư trong những tháng gần đây.
Cuộc thăm dò dư luận trên - được phối hợp thực hiện bởi tạp chí Stern và đài phát thanh RTL - cũng cho thấy liên minh giữa Đảng Liên đoàn Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) của bà Merkel và Đảng Liên đoàn Xã hội Thiên chúa giáo (CSU) nhận được 36%, nhiều hơn 6% so với đảng SPD của ông Schulz, người từng là Chủ tịch Nghị viện châu Âu.
Trong khi đó, tỷ lệ ủng hộ dành cho đảng cánh hữu chống nhập cư Sự lựa chọn thay thế cho nước Đức (AfD) giữ ở mức 8%. Sự ủng hộ dành cho đảng này đã giảm trong mấy tháng gần đây sau một thời gian tăng mạnh.
Cả bà Merkel và ông Schulz đều hy vọng sẽ thành lập chính phủ mới bằng cách liên minh với các đảng nhỏ hơn. Tuy nhiên, các cuộc khảo sát gần đây cho thấy liên minh lớn hiện nay giữa CDU và CSU có thể tiếp tục được duy trì.
Nếu bà Merkel, 63 tuổi, thắng trong cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 9 năm nay và giữ ghế Thủ tướng Đức thêm trọn vẹn một nhiệm kỳ 4 năm, bà sẽ tái lập kỷ lục thời hậu chiến tranh làm Thủ tướng Đức của ông Helmut Kohl - người từng có thời là một nhà cố vấn của bà.
Trong bối cảnh bất ổn gia tăng sau khi cử tri Anh bỏ phiếu chọn rời bỏ Liên minh châu Âu (EU) và ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, bà Merkel được xem là một nhân tố giữ ổn định ở châu Âu.
Là một người bảo thủ với đầu óc thực tế, bà Merkel đã chèo lái nền kinh tế lớn nhất châu Âu vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và cuộc khủng hoảng nợ công Eurozone, qua đó giành được sự nể trọng của cộng đồng quốc tế.
Từng là một nhà vật lý học, bà Merkel mới chỉ tham gia chính trường Đức kể từ khi bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989. Bà được đánh giá là một nhà đàm phán tài năng và đến nay hầu như chưa có một nhân vật nào đủ khả năng thay thế bà lãnh đạo nước Đức.
BÌNH MINH - Thời báo Kinh tế Việt Nam
© 2024 | Thời báo ĐỨC