Thủ tướng Đức Angela Merkel mới đây đã phát đi tuyên bố, Đức sẽ không cấm cửa sản phẩm công nghệ Huawei. Thay vào đó, họ sẽ cần có sự đảm bảo từ Huawei rằng công ty này sẽ không cung cấp dữ liệu cho Chính phủ Trung Quốc.
Bà Merkel thừa biết Huawei phải được Chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn và có thể trở thành tay do thám của Bắc Kinh?
Huawei luôn phủ nhận không hề có bất cứ sự chia sẻ dữ liệu nào với Chính phủ Trung Quốc.
“Huawei chưa bao giờ nhận bất kỳ yêu cầu nào từ bất kỳ chính phủ nào phải cung cấp thông tin" - ông Nhậm Chính Phi, CEO của Huawei khẳng định đồng thời bác bỏ sự lo ngại về an ninh của thiết bị Huawei.
"Không có luật nào ở Trung Quốc yêu cầu bất kỳ công ty nào lắp đặt thiết bị do thám bí mật" - nhà lãnh đạo Huawei đảm bảo “không hề có sự cố an ninh nghiêm trọng” nào ở công ty này.
Tuy nhiên, Mỹ đã gửi đi các thông điệp cảnh báo an ninh đến các nước châu Âu cho rằng, Huawei là một công cụ để Trung Quốc do thám các quốc gia khác.
Mỹ nhận định rằng Huawei sẽ đe doạ an ninh quốc gia của đất nước này vì họ có thể tích hợp cửa hậu (backdoor) vào phần cứng và phần mềm của dịch vụ 5G mà không hề bị phát hiện, ngấm ngầm giúp chính phủ Trung Quốc theo dõi "nhất cử nhất động" của Mỹ và châm ngòi cho một cuộc chiến tranh mạng.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết hôm 5/2 rằng, Washington coi Liên minh châu Âu là ưu tiên hàng đầu trong nỗ lực toàn cầu nhằm thuyết phục các đồng minh không mua thiết bị của Huawei vì lo ngại gián điệp.
Thủ tướng Đức đã có phản ứng mang tính chất trả lời các lo lắng an ninh và nghi ngờ gián điệp của Huawei từ Mỹ.
Sau tuyên bố của Thủ tướng Angela Merkel, các cấp dưới của bà chắc chắn sẽ phải tổ chức các cuộc họp bàn về vấn đề kỹ thuật nhằm tìm ra phương pháp giám sát các sản phẩm công nghệ của Trung Quốc sẽ không tạo ra cửa hậu để chia sẻ dữ liệu về Chính phủ.
Đã có tin tức từ các nguồn tin giấu tên cho hay, hai quan chức cấp Bộ trưởng Đức đang dự trù sẽ thảo luận về cách bảo vệ an ninh trong các mạng di động 5G tương lai.
Chưa rõ các quan chức này sẽ bàn phương pháp bảo vệ an ninh mạng 5G thế nào khi chúng thậm chí chưa được triển khai song đây là phản ứng rõ ràng nhất cho thấy Đức đang nỗ lực kiểm soát Huawei và sẽ không thể bị rò rỉ dữ liệu.
Ông Dieter Kempf, người đứng đầu Liên đoàn Công nghiệp Đức (BDI), ủng hộ quan điểm của bà Merkel rằng, không nên cấm cửa Huawei.
Ông Kempf nói rằng, việc đảm bảo các công ty như Huawei đáp ứng các tiêu chuẩn bảo mật cao sẽ khôn ngoan hơn lệnh cấm tổng quát đối với các công ty Trung Quốc.
"Một lệnh cấm chung chung sẽ không có ý nghĩa gì. Điều đó sẽ thu hẹp sự lựa chọn các nhà cung cấp. Điều đó có thể ảnh hưởng đến chi phí. Quan trọng hơn, sẽ có hậu quả chính trị - Trung Quốc có thể trả đũa các công ty Đức" - ông nói với Reuters.
Phản ứng khôn ngoan của bà Angela Merkel khi đối phó với sức ép từ Mỹ và chìa một cành oliu cho Huawei rất hiệu quả trong bối cảnh hiện tại.
Thủ tướng Angela Merkel có bước đi rất khôn ngoan. |
Bà Merkel đã lo ngại về các sản phẩm và đầu tư Trung Quốc từ vài năm gần đây chứ không chỉ cho tới khi Huawei bị Mỹ cáo buộc là hoạt động gián điệp.
Nữ Thủ tướng Đức cũng có nhiều kinh nghiệm trong việc nghiên cứu các sản phẩm, dự án đầu tư từ Trung Quốc và không thể phủ nhận vai trò quan trọng của Chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn các dự án đầu tư hạ tầng quy mô lớn.
Dự án hạ tầng thiết bị viễn thông 5G do Trung Quốc tiến hành lại càng phải được chú ý. Nếu không phải Mỹ đưa ra mối lo ngại về Huawei thì Berlin cũng rất cần cẩn trọng trong việc cho phép Tập đoàn Trung Quốc phát triển hạ tầng mạng 5G.
Do đó, phản ứng của bà Merkel chỉ đơn giản là công khai những gì mà Đức đã và đang làm nhưng rõ ràng nó đã mang lại hiệu quả ngoại giao đặc biệt.
Kim Hoa
© 2024 | Thời báo ĐỨC