Khói bốc lên từ các tháp làm nguội ở nhà máy nhiệt than Joenschwalde ở bang Brandenburg, Đức. Ảnh: AP
Dẹp bỏ than, tập trung cho năng lượng tái tạo
Tại cuộc họp báo ở Berlin hôm 26-1, Ronald Pofalla, Chủ tịch Ủy ban Than của chính phủ Đức đã thông báo thông tin trên.
Ủy ban Than được Thủ tướng Đức Angela Merkel thành lập vào năm ngoái để thảo luận các phương hướng đưa nước Đức thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng than. Ủy ban này gồm 28 thành viên bao gồm các lãnh đạo của chính quyền liên bang và các bang, các đại diện công đoàn lao động, các nhà khoa học và các nhà môi trường.
“Đây là một kết quả mang tính lịch sử. Sẽ không có nhà máy nhiệt điện than nào nữa ở Đức vào năm 2038”, ông Pofalla nói về quyết định đặt ra lộ trình đoạn tuyệt nhiệt điện than đạt được sau cuộc đàm phán căng thẳng dài 21 tiếng đồng hồ của Ủy ban Than.
Trước mắt, Đức sẽ đóng cửa 24 nhà máy nhiệt than có tổng công suất 12,5 GW vào năm 2022. Theo kế hoạch để đóng cửa 84 nhà máy nhiệt điện than, chính phủ Đức sẽ chi khoảng 45 tỉ đô la đầu tư tạo việc làm, giúp giảm nhẹ các tác động ở các vùng sản xuất than. Ngành công nghiệp than của Đức đang sử dụng 20.000 lao động trực tiếp và 40.000 lao động gián tiếp.
Năm 2011 chính phủ Đức cũng đã có một chuyển động chính sách năng lượng táo bạo khác: đóng cửa tất cả 17 nhà máy điện hạt nhân vào năm 2022 sau sự cố rò rỉ ở Nhà máy điện hạt nhân Fukushima do thảm họa động đất, sóng thần ở Nhật Bản. Đến nay, Đức đã đóng cửa 12 nhà máy điện hạt nhân.
Với kế hoạch dẹp bỏ các nhà máy nhiệt điện than cũng như nhà máy điện hạt nhân, Đức sẽ phải dựa vào các nỗ lực phát triển năng lượng tái tạo để cung cấp 65-80% sản lượng điện của nước này vào năm 2040. Năm ngoái, năng lượng tái tạo chủ yếu là điện gió và điện mặt trời đã vượt than để vươn lên trở thành nguồn năng lượng dẫn đầu, đóng góp đến 41% trong cơ cấu năng lượng của Đức.
Lượng khí thải CO2 bắt đầu giảm ở Đức vào những năm đầu thập niên 1990 chủ yếu nhờ xóa bỏ các ngành công nghiệp nặng gây ô nhiễm trầm trọng sau khi Đông Đức sáp nhập vào Tây Đức. Tuy nhiên, các nhà máy nhiệt điện than vẫn đang đóng góp 40% sản lượng điện của Đức.
Các công ty dịch vụ tiện ích và các công đoàn quyền lực đã lên tiếng ủng hộ duy trì các nhà máy nhiệt điện than và các chính phủ trước đây ở Đức thậm chí còn lên kế hoạch mở rộng số lượng các nhà máy nhiệt điện than để bù đắp cho sản lượng bị mất đi sau khi Đức đóng cửa tất cả các nhà máy điện hạt nhân.
Cả thế giới đang nhìn vào nước Đức
Kế hoạch trên là một kết quả đột phá sau 7 tháng tranh cãi không lối thoát của các thành viên Ủy ban Than, đánh dấu một sự chuyển biến lớn ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu vốn từ lâu là nước đi đầu trong nỗ lực cắt giảm khí thải CO2 nhưng trong những năm gần đây lại trở thành người đi sau và không đạt được các mục tiêu cắt giảm khí thải CO2.
“Đây là thời khắc quan trọng đối với chính sách khí hậu của Đức, có thể đưa Berlin trở lại vai trò nước đi đầu trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Đây là tín hiệu cho thế giới thấy rằng nước Đức thực sự quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu và một cường quốc công nghiệp vốn phụ thuộc nhiều vào than đang đoạn tuyệt than”, Claudia Kemfert, Giáo sư ngành kinh tế năng lượng ở Viện Nghiên cứu kinh tế Đức ở Berlin, nhận xét.
Johan Rockstrom, Giám đốc Viện Nghiên cứu tác động của khí hậu Potsdam (Đức), nói: “Cả thế giới đang nhìn xem Đức, một đất nước phụ thuộc vào công nghiệp, kỹ thuật và là nền kinh tế lớn thứ tư thế giới, đưa ra quyết định lịch sử dần loại bỏ than như thế nào. Điều này có thể giúp chấm dứt thời kỳ chỉ trích lẫn nhau khi có quá nhiều chính phủ nói rằng: Tại sao chúng tôi phải hành động trong khi nước khác không làm gì cả”.
Năm 2015, Đức và gần 200 nước khác trên thế giới đã ký kết thỏa thuận khí hậu Paris, cam kết đưa ra các hành động để giữ nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 2 độ C và nỗ lực giới hạn mức tăng 1,5 độ so C với thời kỳ tiền công nghiệp. Nhiệt độ trái đất hiện nay đã tăng khoảng 1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp với lượng khí thải gây hiệu ứng khổng lồ mà con người thải ra trong mấy trăm năm qua.
Các nhà khoa học cho rằng thế giới đang hứng chịu những hậu quả của hiện tượng nóng lên toàn cầu bao gồm nước biển dâng, các vụ cháy rừng và bão lụt ngày càng nghiêm trọng.
Giáo sư Kemfert tin rằng quyết định đoạn tuyệt với nhiệt điện than có thể giúp Đức đạt mục tiêu giảm 55% khí thải CO2 vào năm 2030 và 80% khí thải CO2 vào năm 2050 so với năm 1990.
Martin Kaiser, Giám đốc điều hành chính nhánh Tổ chức Hòa bình xanh ở Đức và là một thành viên của Ủy ban Than nói: “Thật tuyệt vời khi Đức giờ đây đã có một lộ trình rõ ràng để loại bỏ dần than và chúng tôi đang trên con đường trở thành nền kinh tế không carbon”.
Kế hoạch đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than giờ đây cần được lãnh đạo của bốn bang bị ảnh hưởng và chính quyền liên bang thông qua.
Cho đến nay, có 30 nước bao gồm Anh, Canada và Thụy Điển, đã công bố các kế hoạch cắt giảm khí thải CO2 bằng cách loại bỏ năng lượng than. Song không có kế hoạch nào có quy mô tầm cỡ như kế hoạch của Đức. Dù Đức chấm dứt sử dụng than nhưng nhờ giá rẻ và sản lượng dồi dào, than vẫn là nguồn cung cấp năng lượng hàng đầu để sản xuất điện cho thế giới trong một thời gian dài nữa.
© 2024 | Thời báo ĐỨC