Đức muốn đẩy nhanh trục xuất người nhập cư bất hợp pháp

Thủ tướng Đức mới đây tuyên bố sẽ đẩy nhanh việc trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp – động thái được cho là rất cứng rắn của bà Merkel. Trong một động thái được xem là cứng rắn nhất kể từ khi cuộc khủng hoảng nhập cư bùng phát năm 2015, Thủ …

Thủ tướng Đức mới đây tuyên bố sẽ đẩy nhanh việc trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp – động thái được cho là rất cứng rắn của bà Merkel.

Trong một động thái được xem là cứng rắn nhất kể từ khi cuộc khủng hoảng nhập cư bùng phát năm 2015, Thủ tướng Đức hôm 14/2 tuyên bố sẽ đẩy nhanh việc trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp.

132 Content 2 12

Đây được xem là một vấn đề rất nhạy cảm không chỉ tại Đức, mà cả những nước liên quan kể từ sau vụ tấn công khủng bố nhằm vào một khu chợ Giáng Sinh ở trung tâm thủ đô Berlin hồi cuối năm 2016, mà thủ phạm được xác định là một người nhập cư Tuynidi.

Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm qua (14/2) đã tiếp đón người đồng cấp Tunisia Youssef Saheh ở thủ đô Berlin. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ sau vụ tấn công khủng bố ở trung tâm thủ đô Berlin, Đức hôm 19/12. Thủ phạm khi đó được xác định là một người nhập cư Tunisia đang trong thời gian chờ bị trục xuất về nước, song chưa được phía Tunisia chấp nhận.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau cuộc gặp, bà Merkel cho biết, năm ngoái 116 công dân Tunisia đã rời nước Đức sau khi yêu cầu xin tị nạn của họ bị bác bỏ. Song theo bà, điều này vẫn chưa đủ nhanh và chính phủ hai nước đang thảo luận cách thức để có thể cải thiện tiến trình này.

Bà Merkel nói: “Cả Đức và Tunisia đều là tâm điểm của chủ nghĩa khủng bố quốc tế và chúng tôi có sự liên hệ với nhau, đặc biệt sau vụ tấn công khủng bố ở trung tâm thủ đô Berlin hồi cuối năm 2016 vừa qua, mà thủ phạm được xác định là một người gốc Tunisia.”

Tuy nhiên, ngay trước cả khi diễn ra cuộc gặp với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Tunisia Youssef Saheh đã bác bỏ hoàn toàn những yêu cầu, cũng như chỉ trích của Đức cho rằng, nước này gây cản trở cho tiến trình trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp, ước tính khoảng 1.000 đến 1.500 trường hợp, trong đó có cả những phần tử Hồi giáo cực đoan. Chính phủ Đức cũng phát đi thông điệp tương tự với Algeria và Morocco. Cụ thể, đối với trường hợp của Tunisia, nước này bị cáo buộc đã trì hoãn nhiều tháng trong suốt năm 2016 việc tiếp nhận trở lại Anis Amri, thủ phạm vụ tấn công hôm 19/12 làm 12 người thiệt mạng và được cho là có liên hệ với nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Trước đó, trong cuộc trả lời phỏng vấn nhật báo Bild của Đức, ông Y-u-xép Sa-hê khẳng định, chính quyền Tunisia không phạm bất cứ sai lầm nào, ngầm ám chỉ Đức phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về những vấn đề an ninh của mình. Theo ông, Chính phủ Tunisia vẫn luôn chờ đợi chính quyền Đức đưa ra được những bằng chứng rõ ràng rằng, người đàn ông này thực sự là công dân Tunisia. Bởi những người nhập cư bất hợp pháp thường sử dụng giấy tờ giả và luôn tìm cách trì hoãn việc bị trục xuất. Sự chậm trễ trong việc trục xuất người nhập cư bất hợp pháp không phải bây giờ mới xuất hiện, mà cũng từng là trung tâm các cuộc tranh cãi chính trị, xã hội tại Đức cách đây gần 1 năm sau khi cảnh sát nước này khẳng định, phần lớn những nghi phạm tấn công tình dục trong dịp Năm mới ở Cologne được xác định là người nhập cư bất hợp pháp từ Bắc Phi.

Có thể nói trong bối cảnh năm 2017 được xem là năm bầu cử tại Đức, thì vấn đề nhập cư đang là một ưu tiên hàng đầu trong các chương trình nghị sự của Thủ tướng Angela Merkel. Bởi thực tế, chính sách mở cửa với người nhập cư hồi năm 2015 của bà đang là tâm điểm của những chỉ trích hiện nay, thậm chí ngay cả trong chính đảng bảo thủ của bà. Đảng chống nhập cư AfD đã nhân cơ hội này để tăng cường ảnh hưởng trong bức tranh chính trị tại Đức khi không ngừng chỉ trích Thủ tướng Merkel đã đặt đất nước vào vòng nguy hiểm. Tuy nhiên, đây lại là một vấn đề không hề đơn giản.

Còn nhớ, cuối năm 2016, trong bối cảnh tại Đức nổi lên nhiều cuộc tranh cãi về trường hợp của Anis Amri, các cuộc biểu tình diễn ra thường xuyên phản đối việc trục xuất những phần tử Hồi giáo thánh chiến người Tunisia. Bởi theo Liên Hợp Quốc, với khoảng 5.500 người tham gia các tổ chức như Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), đặc biệt là tại Iraq và Syria, Tunisia là một trong những nơi tuyển mộ chính cho những nhóm cực đoan này. Sự quay trở lại đất nước của các phần tử cực đoan có thể đặt Tunisia nói riêng và thế giới nói chung vào một thảm họa mới.

Chính vì thế, tại cuộc gặp ngày hôm qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng khẳng định mong muốn hỗ trợ Tunisia thông qua việc thiết lập một quan hệ đối tác rộng rãi để không còn người dân Tunisia nào phải sống trong tình cảnh “Phải tìm kiếm cơ hội sống tại châu Âu”. Bà Merkel dự kiến sẽ thăm Tunisia vào mùa Xuân tới./.

Thu Hoài/VOV-Trung tâm Tin


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày