Đức khiến phương Tây ‘vỡ trận’ trước Nga, Mỹ nổi giận

Khi Mỹ cố gắng cản trở Berlin không tham gia vào một dự án năng lượng chung với Nga – Dự án Dòng chảy phương Bắc 2, Bộ trưởng Kinh tế Đức đã tuyên bố một cách chắc nịch và đầy thách thức rằng đất nước ông cần phải theo đuổi dự án này, ủng hộ Moscow như là một đối tác đáng tin cậy.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn với tờ Welt am Sonntag, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier đã nhận được đề nghị bình luận về phát biểu được Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra trong năm 2018, trong đó nói rằng Berlin bị Nga “bắt giữ làm con tin” trong vấn đề khí đốt.

Bộ trưởng Altmaier đã bác bỏ phát biểu của ông Trump, nhấn mạnh rằng Đức “sẽ không bao giờ chấp nhận việc bị dọa dẫm”. Hơn nữa, không có lý do để tin rằng Moscow bằng cách nào đó sẽ phớt lờ các cam kết của họ và gây phương hại đến hoạt động cung cấp khí đốt trong bối cảnh họ đã an toàn cung cấp khí đốt cho Đức trong nhiều thập kỷ qua, ông Altmaier cho biết.

Trong suốt 40 năm qua, Đức chỉ có những trải nghiệm tốt đẹp với Nga trong lĩnh vực khí đốt. Thậm chí sau khi Liên Xô tan vỡ, Moscow vẫn tuân thủ nghiêm túc nghĩa vụ của họ và “tôi không nghi ngờ gì về việc họ tiếp tục tuân theo hợp đồng”, Bộ trưởng Kinh tế Đức nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Berlin vẫn tìm kiếm các cách thức để đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng và mong muốn duy trì Ukraine như là một nước trung chuyển khí đốt đi vào Châu Âu.

Điều đó có nghĩa là việc hoàn thành Dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 là “nằm trong lợi ích của chúng tôi về an ninh năng lượng”, ông Altmaier khẳng định.

132 1 Duc Khien Phuong Tay Vo Tran Truoc Nga My Noi Gian

Đức vẫn đang tích cực chuẩn bị cho Dự án Dòng chảy phương Bắc 2

Dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 nếu được xây dựng sẽ giúp chuyển khí đốt từ Nga đi qua Biển Baltic đến Đức. Dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 trở nên gây tranh cãi sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Berlin “trở thành con tin của Nga” vì mua khi đốt của Moscow.

“Đức hoàn toàn bị kiểm soát bởi Nga. Tôi cho rằng điều đó rất là tồi tệ đối với NATO, và tôi không nghĩ điều đó nên xảy ra”, Tổng thống Trump từng phát biểu như vậy tại cuộc họp của G7 hồi năm ngoái. “Các bạn chỉ đang làm cho Nga trở nên giàu hơn. Các bạn không phải là đang đối đầu với Nga, các bạn đang làm cho Nga giàu hơn”, ông Trump nói.

Đức nhập 55 tỉ mét khối khí đốt, 70% nhu cầu của nước này, từ Nga và đường ống dẫn khí đốt mới sẽ giúp tăng gấp đôi số lượng khí đốt nhập khẩu.

Ukraine cũng quan ngại về dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 bởi nước này sợ rằng một hệ thống đường ống khí đốt chạy qua lãnh thổ của họ có thể sẽ không còn được cần đến nữa. Phần phí mà Ukraine thu được từ việc đóng vai trò làm trạm trung chuyển khi đốt cho Nga chiếm một phần lớn trong ngân sách của họ.

Tuy nhiên, cả Nga và Đức đều trấn an rằng, Ukraine vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong hoạt động vận chuyển khí đốt cho Châu Âu.

Nga và Đức từ lâu đã được xem là hai người bạn thân thiết hàng đầu ở châu Âu. Người Đức có tình cảm sâu đậm với người Nga và ngược lại người Nga cũng dành tình cảm thắm thiết cho người Đức. Điều này xuất phát từ mối quan hệ đầy duyên nợ về mặt lịch sử giữa hai nước cũng như sự gần gũi về mặt địa lý.

Đối với rất nhiều người dân Đức, người Nga là những người giải phóng họ, đã cứu Berlin và nước Đức thoát khỏi vòng tay của thế lực phát xít hung bạo. Người dân Đức thực sự biết ơn những gì mà người Nga làm cho họ trong cuộc chiến chống phát xít.

Quan hệ giữa Nga với Đức không chỉ dựa trên tình cảm gắn bó về mặt lịch sử, địa lý mà còn dựa trên lợi ích kinh tế to lớn. Hai nước là những đối tác kinh tế, đầu tư và thương mại hàng đầu của nhau.

Tuy nhiên, kể từ sau khi cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine bùng lên, quan hệ gắn bó, thân thiết bao năm nay của Nga-Đức đã nhanh chóng bị sứt mẻ trầm trọng. Đức cùng với đồng minh Mỹ và Châu Âu lao vào đổ lỗi, cáo buộc Nga đã gây ra cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng, “tiếp tay” cho lực lượng ly khai để gây ra cuộc xung đột đẫm máu ở miền đông Ukraine.

Dưới sức ép của Mỹ, Đức cùng các nước thành viên trong Liên minh châu Âu (EU) đã tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Từ người bạn thân của Nga, Đức bỗng chốc trở thành nước dẫn dắt Liên minh châu Âu trong cuộc đối đầu với Nga.

Trong một diễn biến có chiều hướng thay đổi, gần đây, Đức có nhiều dấu hiệu cho thấy, nước này bắt đầu muốn làm lành với Nga. Đã có không ít nhà lãnh đạo cấp cao, chính khách, giới chuyên gia và doanh nhân lên tiếng đòi chính quyền Đức phải từ bỏ chính sách trừng phạt Nga.

Theo VnMedia/Soha


© 2024 | Thời báo ĐỨC



 

Bài liên quan

Thời báo Đức không chỉ là một ấn bản trực tuyến, đó là một cộng đồng. Theo dõi chúng tôi bạn sẽ thấy cuộc sống ở Đức hiện lên sinh động, chân thực và hấp dẫn mỗi ngày