Người dân di chuyển trên đường phố tại Berlin. (Ảnh: THX/ TTXVN)
Đức đã thêm 5 quốc gia vào danh sách các nước có "nguy cơ cao" do dịch COVID-19, trong đó có hai nước láng giềng Thụy Sĩ và Ba Lan.
Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn thông báo ngày 3/12 của Viện Robert Koch (RKI) cho biết 5 quốc gia gồm Ba Lan, Thụy Sĩ, Jordan, Liechtenstein và Mauritius mới được bổ sung vào danh sách các khu vực có nguy cơ cao do tình hình dịch bệnh đang xấu đi.
Những du khách đến từ 5 quốc gia trên chưa tiêm vaccine sẽ phải tự cách ly 10 ngày. Tuy nhiên, kể từ ngày 5/12, những người đã ở lại 5 nước này trong 10 ngày trước khi đến Đức sẽ bị áp các quy định nhập cảnh khắt khe hơn.
Từ vài tuần qua, do số ca nhiễm mới ở nhiều quốc gia gia tăng cũng như tình trạng khẩn cấp của biến thể Omicron, Đức đã siết chặt các hạn chế đi lại, theo đó đưa Nam Phi, Botswana, Eswatini, Malawi, Mozambique, Namibia và Zimbabwe vào danh sách các khu vực quan ngại từ ngày 28/11.
Chỉ có công dân Đức và những người có giấy phép cư trú mới được nhập cảnh vào Đức từ những quốc gia trên. Tuy nhiên, tất cả những người này đều phải cách ly trong 14 ngày, kể cả những người đã tiêm vaccine đầy đủ. Ngoài cách ly, họ vẫn phải có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính trước khi lên máy bay đến Đức.
Trong khi đó, tại Đức, dịch bệnh COVID-19 vẫn trong tình trạng báo động. Các chuyên gia y tế lo ngại các biện pháp chống dịch mới được chính phủ vừa thông qua chưa đủ mạnh để có thể phá vỡ được làn sóng dịch thứ tư hiện nay cũng như giảm áp lực cho các bệnh viện.
Trước đó, ngày 2/12, Thủ tướng sắp mãn nhiệm Angela Merkel và người kế nhiệm Olaf Scholz cùng 16 lãnh đạo các bang đã quyết định mở rộng quy tắc 2G trên toàn quốc. Theo đó, tất cả những người chưa tiêm vaccine đều bị cấm đến các điểm giải trí và văn hóa cũng như các cửa hàng không thiết yếu.
Ngoài ra, các bang thực hiện quy định hạn chế tiếp xúc với những người chưa tiêm chủng và đóng cửa các câu lạc bộ, không tổ chức các sự kiện đông người tại các khu vực dịch bệnh hoành hành. Các bang cũng có thể thắt chặt hơn nữa những biện pháp chống dịch như tạm ngừng nhiều hoạt động xã hội nếu tình hình dịch bệnh không được cải thiện.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Chăm sóc đặc biệt và cấp cứu liên ngành của Đức (DIVI) Gernot Marx đã kêu gọi giới chức nước này áp đặt các lệnh cấm tiếp xúc nghiêm ngặt hơn đối với tất cả mọi người. Ông nói: "Chúng tôi muốn có các quy định rõ ràng hơn và tốt nhất là mọi người nên giảm tiếp xúc, kể cả những người đã được tiêm chủng."
Theo ông Marx, hiện vẫn chưa đủ thông tin về tác động của biến thể Omicron. Không thể loại trừ khả năng vaccine bị giảm tác dụng, vì vậy, tốt hơn hết là phải thận trọng.
Nhà dịch tễ học và thành viên của Ủy ban Tiêm chủng thường trực (STIKO) Klaus Überla cũng có quan điểm tương tự. Ông nói: "Thật là sai lầm khi loại trừ các biện pháp hạn chế tiếp xúc đối với những người đã tiêm chủng."
Tiêm chủng đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn virus lây lan, nhưng hạn chế tiếp xúc cũng là biện pháp đáng kể giúp giảm nguy cơ phát tán dịch bệnh.
Phát biểu với phóng viên tờ Neue Osnabrücker Zeitung, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Đức Klaus Reinhard cho rằng các quy định mới không đủ nghiêm ngặt. Ông nói: "Để bảo vệ hệ thống y tế không bị quá tải, cần có những biện pháp mạnh hơn nữa."
Ông đề xuất quy tắc 2G plus (trong đó những người đã tiêm chủng hay hồi phục sau khi mắc COVID-19 vẫn phải có kết quả xét nghiệm âm tính) nên được áp đặt trên toàn quốc tại các quán bar, nhà hàng cũng như các sự kiện thể thao và văn hóa trong nhà.
Theo số liệu thống kê mới nhất, trong 24 giờ qua, Đức ghi nhận 74.352 ca mắc mới và 390 ca tử vong do COVID-19./.
Nguồn: Phương Hoa/ Vietnam+
© 2024 | Thời báo ĐỨC