Đại sứ Đức Guido Hildner và khinh hạm Bayern tại cảng Nhà Rồng (TP.HCM) sáng 6-1 - Ảnh: D.LINH
Đây cũng là tàu chiến Đức đầu tiên thăm Việt Nam.
Lễ đón khinh hạm Bayern tại cảng Nhà Rồng (TP.HCM) diễn ra đơn giản vào sáng 6-1, đảm bảo các quy định phòng dịch COVID-19. Chiến hạm đa nhiệm sẽ ở thăm Việt Nam đến ngày 9-1, trước khi tiếp tục hải trình về Đức.
Thượng tôn luật quốc tế
"Chuyến thăm của khinh hạm Bayern, tàu chiến Đức đầu tiên đến Việt Nam, cho thấy quan hệ hai nước chúng ta đang ở chất lượng rất cao.
Mặt khác, chuyến thăm cũng thể hiện nỗ lực của Đức trong tăng cường hiện diện và sự quan tâm đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", đại sứ Đức tại Việt Nam Guido Hildner nói trong cuộc trao đổi với báo chí bên lề lễ đón tàu Bayern.
"Đây là minh chứng cụ thể cho Định hướng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà Chính phủ liên bang Đức đã thông qua vào tháng 9-2020, là bằng chứng cho thấy sự nghiêm túc của chúng tôi khi đưa ra đề nghị hợp tác với các nước trong đó có Việt Nam" - đại sứ Hildner vừa nói vừa giang tay hướng về phía tàu Bayern.
Con tàu dài gần 140m với hơn 230 thủy thủ đang trong hải trình 7 tháng đi qua nhiều vùng biển ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đánh dấu sự trở lại của một tàu chiến Đức trên Biển Đông kể từ năm 2002.
Việc Đức cử tàu đến khu vực diễn ra trong bối cảnh một số nước lớn châu Âu như Anh và Pháp cũng đã công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Cả hai quốc gia này đều đã cử khinh hạm, tàu ngầm hay thậm chí là tàu sân bay đến khu vực trong năm ngoái và đi qua Biển Đông - nơi Trung Quốc đang đưa ra các yêu sách chủ quyền vô lý.
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về điều này, đại sứ Hildner nhấn mạnh các bên cần tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982. Đại sứ Đức khẳng định đảm bảo tự do hàng hải ở khu vực đem lại lợi ích cho nhiều nước nên đây là trách nhiệm của nhiều quốc gia chứ không chỉ riêng các nước ven Biển Đông.
Quan điểm của Đức là tất cả các tranh chấp ở Biển Đông đều phải được giải quyết dựa trên các quy định của UNCLOS. Bởi vì trong công ước này, tất cả các vấn đề đều đã được đề cập và giải đáp, bao gồm trình tự cần làm nếu có tranh chấp hay kiện tụng.
Đại sứ Hildner - người từng có thời gian chuyên trách về luật quốc tế của Bộ Ngoại giao Đức.
Hợp tác với tất cả
Quan điểm của Việt Nam đối với hải trình của tàu Bayern đã được người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nêu trong cuộc họp báo ngày 5-8-2021 của Bộ Ngoại giao.
"Tôi cho rằng đón tàu quân sự nước ngoài là hoạt động bình thường trên cơ sở hợp tác song phương giữa Việt Nam với các nước và được thực hiện theo quy định pháp luật Việt Nam", bà Thu Hằng nêu.
Trong cuộc trao đổi với báo chí vào sáng 6-1, đại sứ Hildner khẳng định Định hướng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Đức hướng tới sự hợp tác với tất cả các nước ở nhiều lĩnh vực chứ không chỉ là an ninh.
"Mong muốn trọng tâm của chúng tôi là hợp tác với tất cả quốc gia tại khu vực. Tôi xin nhắc lại là hợp tác với tất cả", ông Hildner khẳng định.
"Nước Đức không có nghị trình quân sự tại khu vực hay thể hiện sức mạnh quân sự ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Khi chúng tôi muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trong chính sách an ninh, đó cũng sẽ là mong muốn với các nước khác", đại sứ Đức lập luận.
Theo ông Hildner, Đức xem Việt Nam là đối tác quan trọng và nhìn thấy tiềm năng hợp tác với Hà Nội trong khía cạnh đảm bảo an ninh hàng hải, thượng tôn luật pháp quốc tế như UNCLOS.
Chống biến đổi khí hậu, giáo dục và đào tạo, hợp tác kinh tế cũng là những lĩnh vực hợp tác rất rộng và đầy hứa hẹn giữa hai nước. "Tôi tin quan hệ giữa Việt Nam và Đức sẽ tiếp tục phát triển tốt đẹp. Chúng ta có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ và có thể bổ sung cho nhau", đại sứ Đức bày tỏ.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2024 | Thời báo ĐỨC