Trong chuyến thăm hai ngày tới Nhật Bản vừa diễn ra, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cùng người đồng cấp Shinzo Abe khẳng định lại cam kết hợp tác chặt chẽ và thúc đẩy tự do thương mại, khi chủ nghĩa bảo hộ đang trở thành vấn đề nghiêm trọng, đe dọa xáo trộn trật tự toàn cầu.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản vừa chính thức có hiệu lực từ hôm 1/2 vừa qua.
Khi nguy cơ cuộc chiến tranh thương mại do Mỹ phát động lan rộng ra khắp thế giới cũng như viễn cảnh bất định khi nước Anh rời khỏi EU vào cuối tháng Ba tới, việc Đức và Nhật Bản, hai trong số những cường quốc hàng đầu, thắt chặt mối quan hệ hợp tác và thúc đẩy tự do thương mại là „một thông điệp quan trọng với thế giới“, như chính đánh giá của bà Merkel sau cuộc hội đàm với ông Abe.
Hợp tác thay vì đối đầu, đó là giải pháp „cùng thắng“ mà bà Merkel đưa ra, và nhận được sự ủng hộ từ người đồng cấp bên phía Nhật Bản.
Và điều này chỉ có được khi các đối tác thực sự làm việc cùng nhau. Bên cạnh hợp tác song phương, Đức và Nhật Bản còn là thành viên chủ chốt của hầu hết các tổ chức, diễn đàn đa phương có ảnh hưởng lớn như Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu (G20), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Diễn đàn Kinh tế thế giới...
Foto: Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (phải) và Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) tại cuộc gặp ở Tokyo, ngày 4/2. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Trong năm 2019, Nhật Bản giữ vai trò Chủ tịch G20, cương vị mà Đức từng đảm nhiệm trong năm 2017. Trong chương trình nghị sự, Nhật Bản dự kiến sẽ thúc đẩy việc cải tổ WTO một cách mạnh mẽ, điều vốn được Đức ủng hộ mạnh mẽ. Bà Merkel chia sẻ điều này trong cuộc nói chuyện với các sinh viên ở Tokyo. Đối thoại và hợp tác, đó là điều mà Đức và Nhật Bản cùng hướng đến trong việc xử lý các mối quan hệ cả về kinh tế lẫn an ninh.
Ngay từ khi ông Donald Trump được bầu làm Tổng thống Mỹ, nước Đức đã sớm nhận ra nhiều nguy cơ về thương mại, qua đó thúc đẩy nhanh chiến lược hướng về châu Á và Nam Mỹ, với mục tiêu mở rộng thị trường cho một quốc gia vốn dựa rất nhiều vào xuất khẩu, khi nguy cơ làm ăn với Mỹ bị ảnh hưởng.
Nhật Bản là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Đức tại khu vực châu Á, bên cạnh Trung Quốc, Ấn Độ và các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Thái độ coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ thương mại với Nhật Bản được thể hiện qua việc tháp tùng Thủ tướng Merkel đi thăm Nhật Bản lần này là đông đảo các nhân vật quan trọng thuộc cộng đồng doanh nghiệp Đức, trong đó có các lĩnh vực như điện tử, trí tuệ nhân tạo, dược phẩm và dịch vụ tài chính.
Nhật Bản là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Đức, với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 42,5 tỷ euro trong năm ngoái. Con số này tăng nhanh từ mức 37,2 tỷ euro vào năm 2015, giúp Nhật Bản trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Đức ở châu Á, sau Trung Quốc.
Tuy nhiên, con số này vẫn chưa phản ánh đầy đủ tiềm năng hợp tác giữa hai nước. Tại Đức, các doanh nghiệp cũng như cộng đồng người Nhật rất được coi trọng. Nhật Bản là đối tác lớn thương mại lớn thứ năm của Đức ở ngoài khu vực EU, nhưng trao đổi thương mại giữa hai nước thậm chí còn thấp hơn giữa Đức và Hungary, một nước nghèo thuộc EU.
Hiệp định Tự do thương mại giữa Nhật Bản và EU vừa có hiệu lực từ ngày 1/2, tạo ra khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới, vì thế được kỳ vọng sẽ giúp việc làm ăn giữa Đức và Nhật Bản bùng nổ trong thời gian tới.
Bên cạnh hợp tác kinh tế thì an ninh cũng là mối quan tâm chung của hai nước, trong bối cảnh Mỹ và Nga tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), đồng thời vấn đề hạt nhân của Triều Tiên vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm.
Mặc dù đều là những đồng minh thân thiết của Mỹ, song Đức và Nhật cùng đang đối mặt với mối lo chung về một cuộc chạy đua vũ trang mới, trong khi quốc phòng lại là vấn đề nhạy cảm đối với cả hai quốc gia từng có những giai đoạn lịch sử đáng quên này.
Cả Đức và Nhật Bản đều có năng lực chế tạo vũ khí hạt nhân, song điều này bị kiểm soát sau Chiến tranh thế giới lần thứ Hai.
Hiện tại, Đức là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vốn có khả năng chia sẻ vũ khí hạt nhân, trong khi Nhật Bản cũng nhận sự che chở từ „chiếc ô hạt nhân“ của Mỹ.
Tuy nhiên, điều này không đủ đảm bảo an ninh cho mỗi nước, khi thế giới đang thay đổi từng ngày với những vấn đề mới xuất hiện, đặc biệt liên quan đến vấn đề hạt nhân và tên lửa vốn rất nhạy cảm.
Chính vì thế, Đức và Nhật Bản cùng cam kết ủng hộ lẫn nhau trong việc xử lý những vấn đề an ninh của thế giới. Ở một mức độ nào đó, việc hai nước hợp tác và liên kết trong vấn đề an ninh sẽ giúp giảm bớt dần sự lệ thuộc vào Mỹ.
Bên cạnh đó, với tư cách là những nền kinh tế lớn và là hai quốc gia có vai trò hàng đầu ở châu lục, Đức và Nhật Bản đang tìm cách khẳng định tiếng nói và vị thế trên trường quốc tế.
Cùng Ấn Độ và Brazil, nhiều năm qua, Nhật Bản và Đức đã cùng tham gia nhóm G4 với yêu cầu cải tổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc theo hướng tăng thêm số ủy viên thường trực để tạo ra một cơ cấu mang tính đại diện lớn hơn và hiệu quả hơn, cho phép phản ứng tốt hơn với những cuộc khủng hoảng và xung đột toàn cầu.
Tự do thương mại bị đe dọa và những nguy cơ an ninh mới đang xuất hiện cũng đòi hỏi Đức, quốc gia đầu tàu châu Âu và Nhật Bản, một trong những nền kinh tế lớn của châu Á thể hiện trách nhiệm và vai trò của mình.
Chính vì thế, một cái bắt tay giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Đức Angela Merkel, cùng với đó là những cam kết hợp tác chặt chẽ và toàn diện, được xem là một „thông điệp quan trọng“ đối với một thế giới đang vận động theo chiều hướng khó kiểm soát./.
PHẠM THẮNG – Phóng viên TTXVN tại CHLB Đức
© 2024 | Thời báo ĐỨC