Những quốc gia phát triển trên thế giới chấp nhận song tịch
(Hình ảnh mang tính chất minh họa)
Việc có được quốc tịch thứ hai là một bước quan trọng mang lại nhiều lợi ích trong cuộc sống của nhà đầu tư. Mặc dù ngày càng có nhiều quốc gia cho phép hai quốc tịch để thu hút người đến nhập cư, nhưng cũng có một số quốc gia đang bắt đầu hạn chế việc công dân của họ mang thêm một quốc tịch khác. Vì thế nếu có ý định nhập cư ở một quốc gia nào đó, nhưng vẫn muốn giữ quốc tịch gốc nhà đầu tư nên tìm hiểu thật kĩ trước khi nộp hồ sơ.
Dưới đây là danh sách các quốc gia phát triển cho phép hai quốc tịch: Úc, Canada, Bỉ, Síp, Đan Mạch, Pháp, Ý, Anh, Hoa Kỳ, Bồ Đào Nha, Malta, Ireland,…
Những quốc gia không chấp nhận đa quốc tịch
Những nước sau đây không chấp nhận đa tịch: Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật, Hàn Quốc, Singapore. Tất cả mọi người xin nhập quốc tịch các nước trên phải chứng nhận đã từ bỏ quốc tịch hiện tại của mình.
Riêng Nhật và Hàn Quốc, trẻ em và thanh thiếu niên dưới 21 có thể có đa quốc tịch. Nhưng họ sẽ mất quốc tịch Nhật hay Hàn Quốc nếu không từ bỏ quốc tịch khác khi đến tuổi 21.
Với nước Đức thì chỉ có trẻ em sinh ra có cha/mẹ là công dân Đức hoặc là thường trú nhân ở Đức từ ba năm trở lên có thể xin nhập quốc tịch Đức, bất kể có đồng thời xin quốc tịch nào khác không. Còn nếu người thành niên xin nhập quốc tịch Đức thì họ phải từ bỏ quốc tịch hiện tại.
Việt Nam cho phép công dân mang hai quốc tịch
Từ ngày 1/7/2009, người Việt Nam đã nhập quốc tịch nước ngoài nhưng vẫn mong muốn được trở thành công dân Việt Nam sẽ được đáp ứng. Đây là điểm mới trong Luật Quốc tịch được Văn phòng Chủ tịch nước công bố.
Đến ngày 24/6/2014, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quốc tịch cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam trước ngày luật này có hiệu lực thì vẫn còn quốc tịch.
Có thể hiểu rằng Việt Nam đã cho phép công dân được mang 2 quốc tịch. Cụ thể, các trường hợp như: người được Chủ tịch nước cho phép; trường hợp xin trở lại quốc tịch Việt Nam; người Việt Nam định cư ở nước ngoài và đã nhập quốc tịch nước ngoài nhưng vẫn muốn giữ quốc tịch Việt Nam; trẻ em là con nuôi.
Như vậy, các chủ thể trên được quyền có hai quốc tịch được pháp luật Việt Nam thừa nhận. Đây là điểm mới được qui định trong Luật quốc tịch 2008 và luật sửa đổi năm 2014 được Quốc Hội thông qua và ban hành. Theo đó, công dân Việt Nam có quyền giữ lại quốc tịch gốc, họ vẫn có quyền nhập quốc tịch ở quốc gia đang sinh sống và tuân thủ pháp luật về nhập quốc tịch của nước sở tại.
Một số thông tin hữu ích với người mang hai quốc tịch
– Bắt buộc phải sử dụng hộ chiếu của nước bạn hiện có quốc tịch để ra và vào nước đó. Ví dụ: Bạn có quốc tịch Mỹ và Việt Nam. Khi ra khỏi Mỹ phải sử dụng hộ chiếu Mỹ, khi vào Việt Nam phải sử dụng hộ chiếu Việt Nam và ngược lại khi về. Tuy nhiên, khi check-in các hãng hàng không, bạn phải xuất trình cả hai hộ chiếu để chứng minh không cần visa cho nước sẽ bay đến.
– Khi đến nước thứ 3, tùy theo chính sách quản lý cửa khẩu nước này, bạn linh họat sử dụng những hộ chiếu của mình sao cho phù hợp và tiết kiệm.
Ví dụ: Bạn nên sử dụng hộ chiếu Australia để vào Nhật vì không cần visa, trong khi hộ chiếu Việt Nam thì cần visa. Hoặc nên sử dụng hộ chiếu Việt Nam để vào Indonesia vì miễn visa, trong khi hộ chiếu Australia thì không. Do vậy, không phải lúc nào hộ chiếu Mỹ, Australia, Anh… cũng thuận tiện và tốt hơn. Hộ chiếu Việt Nam khá thuận lợi khi đi lại giữa các nước trong khối ASEAN.
– Không bao giờ xin visa để vào nước bạn đang giữ quốc tịch. Công dân của một nước không bao giờ cần visa để ra vào nước của mình. Ví dụ bạn có thể gặp trường hợp nhân viên của đại lý du lịch không nắm thông tin yêu cầu bạn dán visa vào hộ chiếu Việt Nam khi mua vé máy bay đi Mỹ trong khi bạn có cả hai quốc tịch này.
– Nên mang theo tất cả hộ chiếu khi du lịch hoặc công tác đến bất cứ nước nào đó. Nó giúp bạn có được sự trợ giúp từ tất cả các đại sứ hoặc lãnh sứ quán của mình khi có yêu cầu hoặc trong các trường hợp bất khả kháng.
Nguồn: dautuquocte.com
© 2024 | Thời báo ĐỨC