Thế nào là lao động qua môi giới? Người lao động qua môi giới có những trách nhiệm và quyền hạn gì? Dưới đây là một số giải đáp mà Thời Báo Đức đã thống kê lại.
Phạm trù “lao động môi giới theo kỳ hạn” bắt đầu được đưa vào sử dụng từ năm 1960, ngay sau khi ông Günther Bindan, một doanh nhân người Đức, mở công ty môi giới việc làm đầu tiên tại thành phố Bremen.
Năm 1972, sau khi Đức thông qua bộ luật “chuyển nhượng người lao động” (Arbeitnehmerüberlassungsgesetz, còn gọi tắt là AÜG), thời hạn tối đa người lao động được công ty môi giới đưa đến làm ở một doanh nghiệp thứ ba là ba tháng, sau đó đã dần tăng được lên 24 tháng.
Vào ngày 1-4-2017, bộ luật “chuyển nhượng người lao động” đã được đổi mới, giảm kỳ hạn làm việc của người lao động qua môi giới trong một doanh nghiệp nhất định xuống tối đa 18 tháng (điều 1 đoạn 1b dòng 1 luật AÜG).
Bộ luật này cũng qui định:
Kể từ 9 tháng trở lên, mức lương của người lao động theo kỳ hạn phải được trả tương đương mức lương của người lao động bình thường. Hiện đã có hơn 10.000 công ty môi giới việc làm tại Đức.
Như vậy, người lao động qua môi giới còn được gọi là người lao động theo kỳ hạn (tiếng Đức là Leiharbeiter, Zeitarbeitnehmer, Personalleasing, Temporärarbeiter), nghĩa là họ có hợp đồng lao động (thường là vô thời hạn) với một công ty môi giới việc làm, và sẽ được công ty này giới thiệu đến làm việc trong các doanh nghiệp hay công ty thứ ba theo từng kỳ hạn khác nhau.
Ví dụ khi nhiều doanh nghiệp đang bị thiếu nhân lực cho một dự án nào đó, hoặc khi một doanh nghiệp thứ ba cần người làm nhưng lại không muốn cam kết giữ họ ở lại lâu dài trong công ty. Cũng có nhiều người sau khi sinh con hoặc mới tốt nghiệp lại chỉ muốn qua công ty môi giới xin những việc có kỳ hạn, vừa để học hỏi kinh nghiệm từ nhiều nơi, nhiều công việc, vừa làm quen với thị trường lao động mà không bị bắt buộc phải gắn bó ngay với một doanh nghiệp nào.
Nhưng lý do nhiều người đành nhận việc làm qua môi giới với mức lương ít ỏi đa phần là vì bị thất nghiệp lâu dài hoặc vì lý do riêng tư nào đó (sức khỏe, con cái, chăm sóc cha mẹ đau ốm, già yếu …) mà không thể làm việc cả ngày.
Chính vì vậy, việc làm theo kỳ hạn qua môi giới vẫn là một đề tài chính trị gây tranh cãi gay gắt tại Đức. Bởi mặc dù tình hình việc làm trên thị trường lao động rất khả quan cũng như số lượng người thất nghiệp đã giảm đáng kể, nhưng số người lao động qua môi giới vẫn đạt mức khoảng 1 triệu – một con số không nhỏ.
Mối quan hệ giữa công ty môi giới và người lao động cũng như doanh nghiệp thứ ba được qui định trong bộ luật “chuyển nhượng người lao động” (AÜG) như đã nêu trên. Theo đó, mặc dù làm việc cho doanh nghiệp khác, nhưng người lao động qua môi giới vẫn là nhân viên của công ty môi giới việc làm (điều 14 đoạn 1 luật AÜG), mọi yêu cầu hay các nguyện vọng như xin nghỉ phép, nghỉ ốm hoặc rút ngắn thời gian lao động v.v… đều phải trình bày với công ty này.
Ngược lại, công ty môi giới cũng là nơi có trách nhiệm trả lương cho người lao động, kể cả khi công ty này không giới thiệu được việc gì cho họ. Trong năm 2012, mức lương tối thiểu mà người lao động qua môi giới nhận được dao động từ 7,50 Euro đến 8,19 Euro tùy theo qui định của từng bang.
Mức lương tối thiểu cho người lao động ở Đức
Hiện nay, Bộ Lao động và Xã hội Đức đã đặt ra mức lương tối thiểu cho người lao động theo kỳ hạn:
Từ 9,27 Euro/giờ đến 9,49 Euro/giờ và sang năm sẽ tăng lên từ 9,66 Euro-9,96 Euro/giờ.
Nếu người lao động được giới thiệu đến làm ở một doanh nghiệp có mức lương bình thường thấp hơn công ty môi giới, họ vẫn phải được nhận mức lương theo như đã thỏa thuận với công ty môi giới. Nếu có hiệp định ký kết tập thể (Tarifvertrag) hoặc phụ thuộc vào các thỏa thuận riêng, người lao động có thể được phép nhận việc làm lâu hơn thời gian 18 tháng.
Ngoài ra, người lao động qua môi giới còn nhận thêm mức lương phụ tùy theo từng ngành, ví dụ nếu nhận làm các công việc trong ngành hóa học, may mặc, ngành đường sắt v.v…
Tuy nhiên, đó là qui định của luật pháp, nhưng trên thực tế, giữa công ty môi giới và doanh nghiệp thứ ba đều có thỏa thuận mức lương cho người lao động theo kỳ hạn, và mức lương này thường cao hơn số tiền hàng tháng họ nhận được thật sự.
Các công ty môi giới cũng sẽ không mấy khi để người lao động làm ở một doanh nghiệp nhất định lâu hơn 9 tháng, thường là sau 3 tháng họ đã lại thay người và chuyển đổi nơi làm việc của người lao động đến một doanh nghiệp khác.
Đây là một trong những bất lợi mà người lao động qua môi giới phải chấp nhận, vì như vậy họ sẽ không bao giờ được trả mức lương ngang bằng như một nhân viên chính thức.
Sau khi đã ký hợp đồng vô thời hạn với công ty môi giới việc làm, công ty này không được đuổi việc người lao động khi người này hoàn thành xong công việc theo kỳ hạn của mình. Thậm chí, công ty phải có trách nhiệm lại giới thiệu và tìm việc kế tiếp cho người làm.
Nếu trong một khoảng thời gian dài, công ty môi giới không tìm được việc làm cho người lao động, công ty này có quyền hủy hợp đồng – ngược lại, người lao động cũng được phép hủy hợp đồng – theo các kỳ hạn mà luật pháp qui định.
Lúc này, người lao động có trách nhiệm thông báo thất nghiệp ngay với Sở lao động.
Sau khi kết thúc hợp đồng với công ty môi giới, nếu có điều kiện và cơ hội, người lao động cũng có quyền được ký hợp đồng lao động chính thức với doanh nghiệp thứ ba, nơi đã từng thuê họ qua công ty môi giới, mà không phải trả bất kể mức phí nào cho công ty môi giới kia.
Doanh nghiệp thứ ba thậm chí phải có trách nhiệm thông báo với người lao động về những vị trí còn trống mà họ đang tuyển nhân sự.
Phạm Đức
© 2024 | Thời báo ĐỨC